Lấp khoảng trống xử lý, kỷ luật cán bộ

Từ ngày 20-9, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định về xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực, với nhiều điểm mới. Liên quan tới nội dung này, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ).
Ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ)
Ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ)

Mượn quyền lực mềm để tác động sẽ bị xử lý

PHÓNG VIÊN: Với Nghị định số 112, lần đầu tiên Chính phủ thống nhất và đồng bộ hóa các quy định kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức tại một văn bản. Việc này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Ông NGUYỄN TƯ LONG: Nghị định 112 gộp Nghị định số 34 quy định về xử lý, kỷ luật công chức và Nghị định số 27 quy định về xử lý, kỷ luật viên chức; đồng thời có bổ sung xử lý kỷ luật đối với người là cán bộ, bởi việc xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, đặc biệt là cán bộ hoạt động chuyên trách ở HĐND các cấp hiện nay đang thiếu quy định. Việc gom lại một nghị định sẽ thuận tiện trong quá trình áp dụng, bởi vì, bản chất đều là xử lý kỷ luật hành chính nên có nhiều điểm tương đồng về nguyên tắc, trình tự thủ tục, kể cả một số nhóm hành vi. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ khi xây dựng Nghị định 112 là thu gọn đầu mối văn bản, để tập trung quy định rõ hơn đối với từng đối tượng. Tuy nhiên, việc gom lại các quy định xử lý kỷ luật trong một nghị định không có nghĩa là không phân hóa các đối tượng khác nhau. Ví dụ, về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý, kỷ luật cán bộ sẽ khác với công chức, viên chức. 

So với các quy định trước đây, thay vì nêu cụ thể hành vi vi phạm tương ứng với từng hình thức kỷ luật, Nghị định 112 đã khái quát theo các tiêu chí (bí mật nhà nước, khiếu nại tố cáo; đầu tư, xây dựng, đất đai…). Điều đó nói lên gì, thưa ông?

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, các hình thức xử lý, kỷ luật về cơ bản đã tương đồng với kỷ luật đảng. Trong đội ngũ công chức cũng phân biệt thành 2 loại: không giữ và giữ chức vụ lãnh đạo quản lý. Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý có 5 hình thức kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc) tương ứng với hành vi vi phạm và tính chất, mức độ của từng hành vi sẽ xử lý kỷ luật ở mức độ tương ứng. Nghị định số 27 và Nghị định số 34 về cơ bản đã quy định tương đối đầy đủ các hành vi, tuy nhiên khi nghiên cứu để gom vào trong một nghị định, khó khăn lớn nhất là làm sao vừa kế thừa những điểm hợp lý của 2 nghị định trên, làm sao vừa thể chế hóa theo đúng Quy định 102 của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên; đồng thời phải “quét” được hết các quy định về điều cấm đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện hành. Trong quá trình làm, ban soạn thảo đã tổng hợp tất cả những hành vi và mức xử lý kỷ luật tương ứng của Đảng, đồng thời rà soát các quy định của luật về các điều cấm đối với cán bộ, công chức và viên chức trong tất cả các luật hiện hành. Khi rà soát tổng thể như vậy thì khó khăn và thách thức lớn nhất là các hành vi đó được liệt kê quá nhiều (gần 1.500 hành vi cụ thể trong pháp luật chuyên ngành) và cũng chưa đầy đủ hết với những tình huống phát sinh trên thực tế.

Bài toán đặt ra: Vậy có xử lý theo hướng như Bộ luật Hình sự và pháp luật vi phạm hành chính để liệt kê tất cả các hành vi ra hay không? Khi xây dựng, chúng tôi đã xin ý kiến và đi đến thống nhất là có quy định chung, kế thừa của 2 Nghị định số 34 và Nghị định số 27, đồng thời có những quy định về tổng quát và gắn với mức độ vi phạm để tương ứng với các hình thức kỷ luật. Có những hành vi vi phạm chỉ có thể quy định chung như vi phạm những điều cán bộ, công chức không được làm. Cùng là vi phạm như vậy nhưng trong lĩnh vực nội vụ khác với tài nguyên - môi trường, khác với ngoại giao, khác với lĩnh vực xây dựng… Vi phạm này, các luật chuyên ngành đều có quy định cụ thể. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là vi phạm nào của cán bộ, công chức, viên chức cũng có thể bị đem ra xử lý kỷ luật, mà cơ bản vẫn phải gắn với việc thực thi công vụ và hoạt động nghề nghiệp. Nghị định 112 quy định khái quát về hành vi, nhưng khi đánh giá sẽ gắn hành vi đó với mức độ, hậu quả ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; đồng thời là vi phạm lần đầu hay tái phạm. Căn cứ vào mức độ, các cơ quan có thẩm quyền sẽ đánh giá cụ thể mức hành vi đó ở đâu. Đây là điểm mới của quy định xử lý, kỷ luật.

Như ông nói thì làm sao người đứng đầu, cơ quan tổ chức định lượng được mức độ hành vi vi phạm, từ đó đưa ra các hình thức kỷ luật tương ứng?

Vấn đề này thuộc về thẩm quyền của hội đồng xử lý kỷ luật tham mưu cho người có thẩm quyền xử lý. Theo đó, hội đồng phải đánh giá được mức độ vi phạm như thế nào. Nếu đi theo hướng liệt kê tất cả các hành vi thì không thể đầy đủ. Một bên là hoạt động nghề nghiệp, bên là thực thi nhiệm vụ công vụ thì sẽ có sự phân biệt đâu là hành vi của đối tượng với tư cách là cán bộ, công chức, viên chức và đâu là tư cách của một công dân. 

Ví dụ, cán bộ, công chức, viên chức ngoài giờ ra đường gây tai nạn giao thông, sẽ xử lý theo dân sự, hình sự, không xử lý theo quy định của cán bộ, công chức, viên chức. Nhưng nếu người đó có hành vi liên quan tới việc sử dụng quyền lực mềm để tác động đến công an, người thực thi pháp luật, lúc đó cán bộ, công chức, viên chức đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức. Như vậy, mặc dù hành vi đó không liên quan tới hoạt động công vụ, nhưng vẫn bị xử lý kỷ luật với tư cách là cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định 112 căn cứ vào các quy định tính chất, mức độ của từng hành vi và quy định thế nào là vi phạm lần đầu, lần thứ hai. 

Kỷ luật để răn đe người khác

Kỷ luật phải mang tính chất răn đe, giáo dục, để người vi phạm có cơ hội sửa sai, nhưng cũng phải thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Đây là công việc rất khó giữa tình và lý. Theo ông, người đứng đầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức cần làm gì để xử lý “thấu tình đạt lý”?

Đúng như vậy, mục đích cuối cùng là giáo dục, để cho người vi phạm được sửa đổi, bên cạnh đó cũng mang tính chất răn đe đối với những người khác. Từ trước đến nay, việc xử lý kỷ luật ở nước ta chưa bao giờ để “truy cùng diệt tận” mà mang tính giáo dục và răn đe là chủ yếu. Làm thế nào để “thấu tình đạt lý”, tránh duy tình, không có cách nào khác đòi hỏi sự công tâm của người có thẩm quyền. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cơ chế công khai, minh bạch, tạo ra dân chủ, khách quan trong cơ quan, tổ chức đó. Tôi lấy ví dụ, cùng một hành vi mà người này bị xử lý kỷ luật, người kia không là có vấn đề. Vậy làm sao để tránh được việc này? Vấn đề nằm ở chỗ thiết chế, tổ chức, vận hành của cơ quan. Khi kỷ luật hoặc không kỷ luật mà có vấn đề thì tiếng nói của các tổ chức sẽ ở đâu, người ta có dám nói không, hay sợ bị trù dập? 

Các quy định liên quan tới xử lý, kỷ luật đối với cán bộ, công chức nghỉ hưu nhưng có sai phạm trong quá trình công tác được thể hiện như thế nào trong Nghị định 112, thưa ông?

Quy định xử lý cán bộ, công chức nghỉ hưu có sai phạm vẫn bảo đảm quy định của Đảng là xử lý nghiêm. Trong nghị định đã quy định rất rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý. Xử lý kỷ luật với người về hưu cũng phải lường trước nhiều vấn đề, nếu xử lý không khéo sẽ gây ra sự phức tạp. Ở đây, nghị định quy định về trình tự, thủ tục xử lý rất ngắn gọn, bảo đảm thể chế hóa theo quy định của Đảng, tránh phát sinh thủ tục và những phức tạp không cần thiết. Đối với trường hợp người nghỉ hưu vi phạm không phải là đảng viên, nghị định giao cho các cấp có thẩm quyền xử lý quyết định áp dụng trình tự, thủ tục xử lý tương tự.

Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục