Lập di chúc khi còn khỏe

Tạm nghỉ ở nhà trong thời gian giãn cách, có thời gian thong thả, chị Hồng (44 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) suy nghĩ về việc lập di chúc, dù chị đang rất khỏe mạnh. Thực ra chị có ý nghĩ này từ lâu, nhưng thường ngày công việc cứ cuốn đi, chưa có lúc nào ngồi lại để nghiên cứu cho kỹ mà lập một bản di chúc thật đầy đủ.

Lần này, tìm hiểu kỹ về các hình thức lập di chúc, chị Hồng mở đầu bằng câu khẳng định ý chí và tình trạng sức khỏe của mình: Tôi hoàn toàn minh mẫn và không bị ai ép buộc. Rồi chị liệt kê các tài sản một mình vất vả tạo dựng được trong mấy mươi năm tích cóp và rong ruổi tha phương làm ăn. Những tình cảm và lời dặn dò của chị cho gia đình cũng đã ghi vào đấy cả. 

Hôm đi tiêm vaccine Covid-19 về, nhân lúc cả nhà ăn cơm tối xong, chị Hồng trịnh trọng khoe với các con việc đã làm xong di chúc. Thật bất ngờ, con trai lớn đang học THPT ngồi lặng người. Còn con gái mới học lớp 7 khóc òa lên, bảo sao mẹ đang khỏe mạnh bình thường lại phải làm di chúc. Khi nào sắp chết người ta mới làm chứ. Chị giải thích, phân tích cỡ nào con bé cũng không chịu, cứ thổn thức mãi.  Mang chuyện này đi kể với một cậu em mới 33 tuổi, cậu này cũng tái mặt run run hỏi sao chị làm thế, hay chị có vấn đề gì về sức khỏe mà giấu em? Khi biết bà chị chẳng có vấn đề gì, cậu chốt lại: “Nhưng như thế là xui lắm đấy”.

Trong thực tế, sợ nhắc đến cái chết, sợ nhắc đến di chúc là một tâm lý có thật của rất nhiều người. Vì vậy, có những người đã ra đi mà không để lời nhắn nhủ nào cho người ở lại. Một câu chuyện thực tế của gia đình tôi: Bác trai bị bệnh ung thư, trong mấy tháng cuối đời bác đã yếu nhưng vẫn còn tỉnh táo. Song biết bác rất sợ chết, không ai dám hé răng hỏi bác có muốn dặn dò gì không. Khi bác mất đi, người nhà phát hiện có gần 10 cuốn sổ tiết kiệm, mỗi cuốn chỉ mấy triệu đồng, tổng cộng chưa tới 100 triệu đồng. Mấy năm sau, khi muốn rút số tiền ấy ra lo việc nhà, vợ con bác đã phải chạy vạy khắp nơi làm giấy tờ, tốn thêm gần chục triệu tiền công chứng mới lấy được số tiền ấy ra.

Đấy là chuyện một bác nông dân, tài sản không nhiều. Chứ ở những gia đình nhiều tài sản, “của chìm của nổi” mà người nắm giữ khi mất đi không để lại di chúc, hoặc di chúc quá sơ sài đã dẫn đến tranh chấp kéo dài không đáng có của người trong gia đình. 

Ngày nay, ngày càng nhiều người lựa chọn cách làm như chị Hồng. Họ đã biết tìm đến các văn phòng luật sư, tổ chức hành nghề công chứng, hoặc UBND xã, phường nơi cư trú để lập di chúc ngay khi còn khỏe mạnh và hoàn toàn minh mẫn. Nhiều người nhấn mạnh quan điểm viết di chúc là cách làm văn minh, tiến bộ cần được nhìn nhận trong thời đại hiện nay.

Tin cùng chuyên mục