Lao động trong trạng thái bình thường mới - Bài 2: Đà Nẵng tìm hướng đi cho tuyển dụng lao động

Để gỡ khó cho thị trường lao động trong trạng thái bình thường mới, nhiều doanh nghiệp và trung tâm việc làm địa phương đưa ra các giải pháp linh hoạt trong việc kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đi thăm, động viên người lao động, hoạt động, mô hình sản xuất tại Công ty TNHH Unversal Alloy Corporation Việt Nam (TP Đà Nẵng)
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đi thăm, động viên người lao động, hoạt động, mô hình sản xuất tại Công ty TNHH Unversal Alloy Corporation Việt Nam (TP Đà Nẵng)

Theo ông Ciprian Bota, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) hiện công ty đã có hơn 90% lao động tiêm 1 mũi vaccine ngừa Covid-19. Dù gặp khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh, công ty vẫn tuyển dụng thêm 300 nhân viên, nhiều kỹ sư trẻ được công ty đào tạo nâng cao chuyên môn, tay nghề. Việc liên kết với các trường đại học để thu hút nhân lực, định hướng nghề nghiệp cho lực lượng sinh viên ra trường là một trong những chiến lược lâu dài của đơn vị.

“Để chuẩn bị sẵn sàng cho nhu cầu nhân lực cấp thiết của mình, đơn vị đã và đang có những hợp tác và cam kết mạnh mẽ đồng hành với trường đại học xây dựng các chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, các phòng thí nghiệm hiện đại, cử các chuyên gia đến nhà trường tham gia giảng dạy, tạo cơ hội lớn cho sinh viên tăng cường thực hành, thực tập và tham gia các dự án thực tế để trau dồi phẩm chất, kỹ năng nghề nghiệp, sẵn sàng trở thành những kỹ sư giỏi, làm việc trong môi trường cạnh tranh quốc tế của Tập đoàn”, ông Ciprian Bota cho biết.

Theo ông Vy Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng (DSA), thời điểm dịch bệnh, hầu hết các công ty phần mềm đã chủ động cho nhân viên làm việc từ xa để duy trì sản xuất, nhưng các công ty vẫn đang gặp khó khăn về nhân lực. Vì vậy, ông Việt kiến nghị TP Đà Nẵng cần đẩy mạnh xúc tiến nhanh chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao về địa phương.

“Nguồn nhân lực mới trong ngành cần thời gian đào tạo, hướng dẫn trực tiếp, nên khi phải làm việc từ xa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc này. Bên cạnh đó, người lao động sau thời gian dài cách ly phải làm việc ở nhà, mất đi tương tác xã hội đối với doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tinh thần, năng suất lao động và sự kết nối với công ty”, ông Việt lý giải.

Lao động trong trạng thái bình thường mới - Bài 2: Đà Nẵng tìm hướng đi cho tuyển dụng lao động ảnh 1 Kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ trang thiết bị đồng hành cho sinh viên

Theo ông Nguyễn Thanh Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng, từ ngày 1-10 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 59 đơn vị doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với 2.600 vị trí việc làm trống. Đây là tín hiệu tích cực trong giai đoạn hiện nay. Trung tâm tiếp tục tuyên truyền tư vấn việc làm đến tận cơ sở, chú trọng mời gọi doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng và kết nối việc làm đến với người lao động.

Bên cạnh đó, đơn vị tập trung nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm trực tuyến với các tỉnh thành khu vực miền Trung - Tây nguyên (Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình, Đắk Lắk..) với tần suất 1 phiên/1 tháng, từ đó kết nối việc làm cho những lao động từ các tỉnh thành phía Nam về quê tránh dịch.
Đây sẽ là nguồn lao động bổ sung cho TP Đà Nẵng trong thời gian tới. Trong đó, lưu ý đến các hình thức tuyển dụng trực tuyến để nâng cao hiệu quả tuyển dụng, bảo đảm các yêu cầu phòng dịch. Hiện TP Đà Nẵng đang xây dựng phần mềm "Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động" để đưa vào sử dụng cuối năm 2021.
Lao động trong trạng thái bình thường mới - Bài 2: Đà Nẵng tìm hướng đi cho tuyển dụng lao động ảnh 2 Việc tiếp nhận thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp là một tín hiệu tích cực đối với người lao động

Không chỉ kết nối để tuyển dụng, theo ông Nguyễn Văn An, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH TP Đà Nẵng, sở cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Khuyến khích người sử dụng lao động chủ động rà soát các điều kiện, phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch, phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Việc đào tạo phải linh hoạt, phù hợp với điều kiện sản xuất và phòng chống dịch bệnh, kết hợp giữa đào tạo và tổ chức sản xuất.

Đối với các đơn vị có chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, đơn vị đã báo cáo UBND TP Đà Nẵng xem đơn giản hóa các thành phần hồ sơ đăng ký nhập cảnh, người nước ngoài là chuyên gia và thân nhân; học sinh, sinh viên, người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ. Đồng thời, xem xét giảm thời gian cách ly y tế tập trung đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Đăng ký trực tuyến để xét duyệt và cấp mã QR khi vào cửa ngõ TP Đà Nẵng 

Theo thống kê của Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, hiện có khoảng 3.000 lao động ở các khu công nghiệp Đà Nẵng bị kẹt ở các địa phương. Trong đó có khoảng 1.000 lao động ở tỉnh Quảng Nam.

Để từng bước khôi phục sản xuất, dự kiến, ngày 12-10, UBND TP Đà Nẵng ban hành Hướng dẫn tạm thời về việc đi lại giữa TP Đà Nẵng và các địa phương khác. Việc ra vào kèm theo một số điều kiện chống dịch cụ thể, đặc biệt là phải đăng ký và được TP Đà Nẵng để cấp mã QR.

Theo hướng dẫn, đối với người dân tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng khi di chuyển giữa 2 địa phương, không yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2. Người dân chỉ cần có giấy tờ tùy thân chứng minh công dân Đà Nẵng/Quảng Nam hoặc các thủ tục khác có liên quan.

Ngành y tế Đà Nẵng phối hợp UBND các quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch tiêm vaccine trên tinh thần chủ động, tăng tỷ lệ bao phủ theo mặt bằng chung của toàn TP
Khi mở cửa TP Đà Nẵng trong trạng thái bình thường mới, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, lưu ý các đơn vị sử dụng lao động cần chủ động đề xuất danh sách lao động ngoại tỉnh để tiêm vaccine sớm nhất cho đối tượng này. Bên cạnh đó, để bảo đảm hoạt động sản xuất ổn định tại các khu công nghiệp, TP Đà Nẵng đã nhanh chóng bao phủ vaccine cho các đối tượng là lao động làm việc tại các cơ sở.

Tin cùng chuyên mục