Lao động trong điều kiện độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu trước tuổi

Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ 1-1-2021) quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác, liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động… Trong đó, tuổi nghỉ hưu, tranh cấp lao động là những vấn đề được nhiều người quan tâm.
Lao động trong điều kiện độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu trước tuổi

Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Ngoài ra, người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Cùng với tuổi nghỉ hưu được quan tâm, tranh chấp lao động cũng là vấn đề thường xuyên xảy ra. Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động (theo Khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động). Khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tại địa phương, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND là đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động có trách nhiệm chuyển yêu cầu đến Hòa giải viên lao động đối với trường hợp bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải lao động, chuyển đến Hội đồng trọng tài trong trường hợp yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết hoặc hướng dẫn gửi đến Tòa án để giải quyết.

Theo quy định tại các Điều 187, 191, 195, Hòa giải viên lao động có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

Còn theo quy định tại các Điều 187, 191, 195, Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

Tin cùng chuyên mục