Lãng quên sắc phong các ngôi đình

Chỉ về phía ngăn tủ góc nhà, ông Lê Văn Tô, Trưởng Ban Quản lý đình Tân Hội, phường Tân Hưng Thuận (quận 12, TPHCM), cho biết: Đó là nơi cất giữ sắc phong đình, được ban vào năm 1852 - thời vua Tự Đức. 

Sắc phong đựng trong chiếc rương, hàng năm tới ngày hội đình,  ban quản lý mở ra đặt lên bàn thờ, chứ trong đó viết gì mọi người không biết. 

Theo Sở VH-TT TPHCM, không riêng gì ngôi đình Tân Hội, phần lớn bản sắc phong của hơn 260 ngôi đình ở TPHCM đều chưa được dịch từ chữ Hán Nôm sang tiếng Việt, nên nhiều người không thể hiểu được nguồn gốc hình thành và vị thần thờ phụng tại đình là ai. Trong số đó còn có nhiều bản sắc phong không được bảo quản tốt, đã ẩm mốc, rách nát, mất chữ không thể dịch, đọc hiểu ra ý nghĩa nói gì.

Ngoài bản sắc phong đang lưu giữ tại đình, còn nhiều văn tự khác nói về gia phả các đời, họ, di chỉ sắc dân đến khẩn hoang vùng đất mới từ những ngày đầu đặt chân tới, rồi các nghi thức cúng đình, hội đình hàng năm, văn tế Thần Hoàng… cũng đều là chữ Hán Nôm đang rất cần được dịch ra tiếng Việt để truyền giữ cho thế hệ hôm nay và mai sau tiếp nối duy trì các nghi thức, lễ hội văn hóa đình hàng năm.

Nắm bắt được nhu cầu dịch bản sắc phong tại các ngôi đình khắp nước, hơn 3 năm trước, Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM đã tổ chức các đoàn khảo sát đến các tỉnh miền Trung nghiên cứu, dịch thuật sắc phong và văn tự còn lưu giữ trong các đình làng cổ.

Lãng quên sắc phong các ngôi đình ảnh 1
Lãng quên sắc phong các ngôi đình ảnh 2 Những bản sắc phong đã được dịch nghĩa và giải nghĩa

Chị Trần Kim Cúc, cán bộ Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM, đưa chúng tôi xem một bản dịch sắc phong lưu giữ tại phòng đọc Hán Nôm: “Đây là bản gốc, được dịch ra nghĩa là: Sắc của vua Thiệu Trị nhân dịp lễ ngũ tuần Đại Khánh gia tặng Hiển Văn Chiêu Tiết Phương Du Trung Đẳng thần cho Hiển Văn Chiêu Tiết, Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn Trung Trung Đẳng thần, tiến sĩ khoa Kỷ Mùi, vì đã có công bảo vệ nước, che chở dân, nhiều năm linh ứng, được phụng thờ ở làng Cự Lại, huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày nay). Một bản sắc phong khác tại một đình làng huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An), được dịch ra từ Hán Nôm, có nội dung: Hoàng đế ban sắc rằng: Hộ quân sứ vệ nhị Anh Dũng thuộc đạo Tả Bật là Lê Quốc Trân, quán tại xã Lan Lãng, huyện Thanh Chương: Hào hùng khí thế, rắn rỏi uy phong. Bao năm gặp gỡ, may hợp được hội long vân; tháng ngày trước sau, đã nhiều công lao hãn mã. Vậy đáng gia phong Hùng liệt Tướng quân, Quán quân sứ, Trần Ngọc Hầu, sai phái quân của mình. Ngõ hầu theo việc lập công, đánh địch tỏ tranh tiên uy dũng; lòng trung ra sức, quên thân mình đền báo ơn vua. Kính thay! Nay ban sắc này! Ngày mồng 2 tháng 10 năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796)”.

Đó là 2 trong nhiều bản sắc phong đã được dịch và lưu giữ tại Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM, có giá trị lớn về dịch thuật và văn hóa đình làng tại nhiều địa phương hiện nay.

Theo chị Trần Kim Cúc: “Rất nhiều ngôi đình và di tích văn hóa, lịch sử tại TPHCM đang lưu giữ một kho tàng những di khảo cổ có giá trị lịch sử hàng trăm năm, trong đó có những sắc phong, thư cổ, bức trướng, hoành phi chữ Hán Nôm chưa được dịch ra tiếng Việt để truyền giữ, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử cho thế hệ hôm nay và mai sau. Phần lớn thành viên ban quản trị các ngôi đình đều là thế hệ sau này, kiến thức về Hán Nôm không sâu nên hạn chế rất nhiều đến công tác bảo tồn”.

Theo Sở VH-TT TPHCM, ngoài Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM còn có Bảo tàng Lịch sử TPHCM (số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1) nhận dịch thuật các bản sắc phong đình và di khảo cổ Hán Nôm tại các ngôi đình và di tích văn hóa, lịch sử ở TPHCM. Hai đơn vị này có khả năng dịch thuật, giải nghĩa các di vật khảo cổ có giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Sài Gòn, Nam bộ hiện đang được lưu giữ tại các ngôi đình, di tích văn hóa, lịch sử ở TPHCM, trong đó có các sắc phong đình cần được bảo tồn, phát huy giá trị cho đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Tin cùng chuyên mục