Lãng phí những thành phố “hoang”

Tại khu vực Đông Nam bộ, một số dự án thành phố (TP) mới được xây dựng với quy mô hoành tráng và hiện đại. Thế nhưng, do bất cập trong khâu quy hoạch, những TP này nhanh chóng chết yểu, không thu hút được dân cư vào ở, trở thành những TP hoang, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội. TP Mới Bình Dương (tỉnh Bình Dương) và TP Mới Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) là 2 trong những TP như thế.
Nhiều nơi ở TP Mới Nhơn Trạch trở thành khu chăn bò lý tưởng của người dân địa phương. Ảnh: TIẾN MINH
Nhiều nơi ở TP Mới Nhơn Trạch trở thành khu chăn bò lý tưởng của người dân địa phương. Ảnh: TIẾN MINH
Hàng trăm căn hộ bỏ hoang
TP Mới Bình Dương với cụm tòa nhà trung tâm hành chính, căn hộ, trung tâm thương mại… được xây dựng đồng bộ và đi vào sử dụng từ nhiều năm nay, đem lại nhiều tiện ích cho người dân. Tuy nhiên, trong khi tòa nhà trung tâm hành chính được sử dụng đúng công năng thì các khu căn hộ hiện đại, cao cấp đang bị bỏ trống, khung cảnh tiêu điều bao trùm không gian rộng hàng chục ngàn mét vuông, trong đó có không ít căn biệt thự chỉ có hình hài với cỏ mọc um tùm.
Chúng tôi đã tới trung tâm TP Mới Bình Dương nhiều lần nhưng vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước hàng trăm căn hộ được xây dựng liền kề, tập trung ở nhiều khu nhà phố, chỉ cách tòa nhà trung tâm hành chính tỉnh trong bán kính từ 1-2km nhưng bị bỏ hoang nhiều năm qua. Chạy dọc theo các con đường Đồng Khởi, Lê Lợi và những đường nhánh khác là những căn nhà bề thế với kết cấu đồng bộ, gồm 1 trệt 3 lầu, chung 1 kiến trúc nên nhìn toàn cảnh rất đẹp mắt và văn minh. Các căn hộ này thuộc dự án Rich Town với 234 căn, có diện tích sàn từ 400 - 600m² được xây dựng từ đầu năm 2010 bởi các đơn vị thành viên của Becamex. Đến nay, sau 7 năm xây dựng và đưa vào sử dụng, chỉ có chưa tới 10% các căn hộ được bán, hầu hết trong số đó là các doanh nghiệp mua làm văn phòng giao dịch, kinh doanh dịch vụ.
Cách đó không xa là khu biệt thự biệt lập cao cấp Prince Town với hàng chục căn nhà đã được xây dựng hoàn thiện 5 năm qua nhưng không có người ở. Các căn hộ này thuộc các dự án Sunflower, Lake View, Vilas, Greenpearl khi khởi công được mệnh danh là “hòn ngọc xanh giữa TP mới”, nhưng vẫn đóng cửa nhiều năm trời, khiến rêu mốc lan dần, cỏ cây bao phủ khuôn viên. Các con đường quanh những khu nhà này đều được xây dựng rộng rãi, với lòng đường từ 4-6 làn xe. Chiến lược thu hút  hơn 100.000 người đến định cư và làm ăn lâu dài của chính quyền tỉnh Bình Dương vẫn chưa đạt được.
Hàng trăm căn hộ bị bỏ hoang nhiều năm qua đã gây lãng phí lớn đối với ngân sách nhà nước. Theo tìm hiểu, vào năm 2010, Becamex lập liên doanh với tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) để phối hợp xây dựng các căn hộ này với số vốn ban đầu khoảng 1,2 tỷ USD (tập đoàn Tokyu chiếm 65% số vốn) với mục tiêu khi bán căn hộ sẽ lấy tiền lời để tái đầu tư và xây dựng các công trình phụ trợ khác trong khu vực (như sân chơi thiếu nhi, các dịch vụ công cộng khác).
Tuy nhiên, theo ông Lương Trí Thành (nhân viên môi giới bất động sản, thuộc Công ty địa ốc Kim Oanh) thì trong đợt mở bán đầu tiên vào cuối năm 2014, chủ đầu tư đã không bán được căn hộ nào cho người dân và tình trạng này vẫn tồn tại đến nay. 
Viễn cảnh “sống lại” xa vời?
Cùng chung cảnh ngộ trên là TP Mới Nhơn Trạch (Đồng Nai). Năm 1996, huyện Nhơn Trạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lên TP đô thị loại II. Theo dự kiến, năm 2005 TP này sẽ có diện tích 2.000ha với dân số khoảng 100.000 người, đến năm 2020 là khoảng 500.000 dân và diện tích tăng lên khoảng 8.000ha. TP Mới Nhơn Trạch được quy hoạch gồm các khu chức năng như công nghiệp, dân dụng, đô thị... với các điểm nhấn là khu đô thị xanh, thân thiện và hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam bộ.
Thế nhưng, đến nay sau hơn 20 năm triển khai, hiện khung cảnh toàn khu đô thị này vẫn ảm đạm, toàn bộ vẫn chỉ là một màu xanh của những khu rừng cao su, cây ăn quả, hoa màu của nhiều hộ dân canh tác trên phần đất bỏ hoang của những dự án.
Ngoài tòa nhà của các đơn vị, cơ quan nhà nước và khu công nghiệp, đô thị này vẫn rất thưa vắng người dân. Nhiều khu đất lớn, nằm ở vị trí trung tâm, mặt tiền đường lớn nhưng chỉ tận dụng để... trồng khoai mì hoặc bỏ hoang cho cỏ mọc. Nhiều công trình xây dựng dở dang, rêu mốc, những biệt thự hoành tráng không người ở.
Dự án Sunflower City nằm trên địa bàn xã Phước An do Công ty Thăng Long Real Corp làm chủ đầu tư, có quy mô 150ha với số vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Mặc dù dự án hiện đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng điện, đường, cây xanh nhưng không có dấu hiệu có người ở. Tương tự, dự án khu dân cư xã Long Tân và Phú Hội được quy hoạch hoành tráng với nhiều tòa cao ốc, khu dân cư, biệt thự, trung tâm thương mại... Thế nhưng, bên trong dự án này hiện chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. 
Một siêu dự án khác cũng đang nằm mắc kẹt nhiều năm là dự án Đông Sài Gòn với diện tích 942ha, có vốn đầu tư lên đến 6 tỷ USD do Công ty CP đầu tư Nhơn Trạch (liên doanh giữa Công ty TNHH MTV Tín Nghĩa và Công ty Cao su công nghiệp Đồng Nai) làm chủ đầu tư. Hiện tại dự án này vẫn được bao quanh bởi rừng cao su.

Nhiều nhà đầu tư mua để bán kiếm lời

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Tạ Huy Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, có hai nguyên nhân chính dẫn đến dự án TP Mới Nhơn Trạch đến thời điểm này chưa đạt mục tiêu đề ra, đó là cơ sở hạ tầng không được đầu tư đồng bộ và do hiện tượng đầu cơ bất động sản của các nhà đầu tư.
Cụ thể, về hạ tầng giao thông thiếu các tuyến đường kết nối giữa dự án TP Nhơn Trạch với các khu vực xung quanh như Biên Hòa, TPHCM... Bản thân cơ sở hạ tầng của các dự án đô thị Nhơn Trạch cũng không được triển khai đồng bộ. Xây dựng nhà ở nhưng lại không xây dựng trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí... nên thiếu các điều kiện cần thiết cho người dân vào sống.
Còn về hiện tượng đầu cơ, rất nhiều nhà đầu tư mua để bán kiếm lời chứ không phải để ở, dẫn đến tình trạng một số dự án đã bán các căn hộ gần hết nhưng vẫn không có người hoặc người đến ở rất ít.
Theo lãnh đạo của một công ty có dự án dân cư trong khu đô thị Phước An - Long Thọ, trong quy hoạch TP Mới Nhơn Trạch sẽ được kết nối với TPHCM bởi những chiếc cầu có quy mô từ 4-6 làn xe. Kỳ vọng vào điều này nên sau thời điểm công bố quy hoạch nhiều khu đất, dự án được thi công rầm rộ. Những doanh nghiệp địa ốc lớn trong cả nước đua nhau đổ tiền vào những khu bất động sản rộng hàng trăm hécta tại đây. Thế nhưng dự án đô thị đã hoàn thành từ lâu, đến nay những dự án kết nối giao thông này vẫn nằm trên giấy... 
Thời gian qua, giới chuyên gia nhiều lần cảnh báo về thị trường bất động sản đang có những bất cập, như giá cả cao, cung vượt cầu, nên viễn cảnh đưa những TP hoang này sống lại xem chừng rất xa vời. Trước thực trạng trên, theo ông Hoàng, UBND tỉnh Đồng Nai đã đưa ra những giải pháp nhằm kích cầu thị trường bất động sản ở khu đô thị Nhơn Trạch, đó là triển khai các dự án giao thông để kết nối Nhơn Trạch với những khu vực xung quanh, như cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cầu Cát Lái nối TPHCM với Đồng Nai, đặc biệt sắp tới sẽ triển khai Dự án Sân bay quốc tế Long Thành.
Những dự án này kỳ vọng sẽ giúp cho thị trường bất động sản ở Nhơn Trạch khởi sắc hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng tiến hành rà soát toàn bộ các dự án ở khu đô thị Nhơn Trạch, qua đó thu hồi những dự án không triển khai hoặc triển khai không hiệu quả để giao cho chủ đầu tư mới có năng lực hơn. Đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư triển khai đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng của các dự án.

Tin cùng chuyên mục