Lắng nghe để hỗ trợ

Tổng đài 1900 638090 được Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam kích hoạt chiều 23-8, ngay sau đó liên tục nhận các cuộc gọi nhờ hỗ trợ.

“Tôi vừa nhận cuộc gọi của một người đàn ông. Lúc sáng ông gọi một lần, giờ gọi nhắc lại tình cảnh khó khăn của mình, rồi nói: chỉ cần con nhớ là chú yên tâm đợi rồi. Nghe đau lòng lắm”, anh Phan Tài Nhân (22 tuổi, sinh viên năm cuối Trường ĐH KHXH-NV TPHCM) nói. Anh Tài Nhân cũng như các tình nguyện viên của tổng đài 1900 638090 có nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý cuộc gọi của bệnh nhân F0 và người khó khăn trên địa bàn TPHCM những ngày này. 

Tổng đài 1900 638090 được Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam kích hoạt chiều 23-8, ngay sau đó liên tục nhận các cuộc gọi nhờ hỗ trợ. Với các nhánh máy con, tổng đài là trung gian giải quyết nhiều nhu cầu của người dân: cấp cứu, bệnh viện tại nhà, túi thuốc điều trị F0, ATM oxy, thực phẩm cứu trợ, mai táng miễn phí. Theo anh Nguyễn Thanh Hân, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên, tổng đài sẽ giúp việc kết nối giữa người khó khăn với các bệnh viện, nhà hảo tâm… được nhanh chóng. Từ đó, độ lan tỏa của các hoạt động hỗ trợ sẽ rộng hơn, đến được với nhiều người khốn khó hơn. 

Thời điểm các cơ sở y tế quá tải như hiện nay, nhiều bệnh nhân F0 phải điều trị tại nhà. Trung tâm hy vọng việc liên hệ tổng đài sẽ giúp những bệnh nhân này kết nối với dự án “Bệnh viện tại nhà” của Ngân hàng thực phẩm Food Bank Việt Nam. Thông tin sẽ chuyển đến đội ngũ y bác sĩ để xử lý kịp thời, đồng thời cũng duy trì việc hướng dẫn người bệnh trong quá trình điều trị. Với những người không thể tự mua thuốc, “Túi thuốc điều trị F0” sẽ được trao tận nhà. “Cùng với đó là các trạm ATM oxy giúp bệnh nhân F0 mượn bình oxy miễn phí. Việc cấp oxy trợ thở cho người bệnh là liều thuốc cứu chữa kịp thời, giảm tình trạng bệnh nhân trở nặng”, anh Hân nói.

Trong quá trình trực tổng đài, anh Tài Nhân kể có nhiều hoàn cảnh rất đáng thương. “Có trường hợp người lớn tuổi neo đơn không thể tự chăm sóc mình, họ rất lo lắng mà không biết làm cách nào. Rồi có bệnh nhân F0 cần hỗ trợ bình oxy gấp. Tôi có chút mong muốn các cuộc gọi ít lại, không phải vì trực mệt mà vì mong những hoàn cảnh khó khăn sẽ ít hơn”, anh chia sẻ. Không chỉ anh Nhân mà các nhân viên trung tâm, tình nguyện viên cũng sẵn sàng tinh thần ăn ở tại chỗ, lắng nghe và đến với những ai đang cần sự giúp đỡ ở thành phố này. 

Giãn cách xã hội kéo dài, nhiều người dường như không còn cầm cự nổi. Không ít bệnh nhân F0 đối diện lằn ranh sống chết, còn người nghèo, người cơ nhỡ ngày ngày chật vật với miếng cơm manh áo. Cần lắm những tổng đài có độ phủ rộng và những kênh kết nối thiết thực để mạch hỗ trợ không tắt nghẽn. Để khi nhấc máy nghe hướng dẫn “Cấp cứu và tư vấn y tế - phím 1”, “Thiết bị, thuốc, oxy và thực phẩm - phím 2”…, người cần cứu giúp cũng yên tâm phần nào.

Tin cùng chuyên mục