Lắng đọng với những xúc cảm từ “Quê nhà yêu dấu”

Sáng 26-9, tại Hội trường NXB Trẻ đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi tạp bút “Quê nhà yêu dấu” do tập san Áo Trắng tổ chức. Cuộc thi là một dấu ấn nhân dịp kỷ niệm 30 năm ra đời của Áo Trắng. 

Những cảm xúc dành cho quê nhà

Được tổ chức từ ngày 15-2 đến hết ngày 15-7 với sự tài trợ của Công ty Văn hóa Huyền Đức, chỉ diễn ra trong 5 tháng nhưng cuộc thi tạp bút “Quê nhà yêu dấu” đã nhận được hơn 500 bài dự thi của các tác giả gần xa. Ban sơ khảo đã chọn ra 202 bài dự thi để chuyên lên Ban chung khảo.

Theo ban tổ chức, ba thành viên Ban chung khảo, gồm: nhà văn Lê Văn Nghĩa, nhà báo Đào Tuấn Anh và nhà thơ Trần Hoàng Nhân đã làm việc hết sức nghiêm túc và công tâm qua việc đọc một cách độc lập và tự chọn ra những bài được đánh giá cao. Sau đó, cả ba người cùng đối chiếu bản danh sách đã chọn và chấm tiếp những bài mà tất cả đã cùng đồng ý.

Lắng đọng với những xúc cảm từ “Quê nhà yêu dấu” ảnh 1 Ban tổ chức cuộc thi trao giải cho các tác giả đoạt giải trong cuộc thi "Quê nhà yêu dấu" 
Dù được giải cao hay thấp, dù được giải hay không được giải nhưng điều quan trọng và ý nghĩa nhất ở cuộc thi tạp bút “Quê nhà yêu dấu” lần này, chính là đã trở thành nơi để các tác giả trên khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài có cơ hội thương nhớ và tỏ bày tình cảm của mình dành cho quê nhà.
Kết quả, giải nhất cuộc thi (trị giá 5 triệu đồng) đã thuộc về tác giả Tống Phước Bảo với bài viết Bắp chuối mà gói sầu đâu. Nhớ về quê nhà, mỗi người sẽ mang trong mình một nỗi nhớ, một ký ức riêng. Với tác giả này, chính món gỏi sầu đâu của nội là sợi dây bền chặt nối kết tình thâm giữa bản thân và quê xứ.
Lắng đọng với những xúc cảm từ “Quê nhà yêu dấu” ảnh 2 Nhà văn Đoàn Thạch Biền trao giải nhất cho tác giả Tống Phước Bảo. 
Chỉ là mấy đọt lá non chần qua nước sôi, cho bớt vị đắng; rồi bóp giấm chua chung với bắp chuối. Vậy mà “ngon lạ lùng” khiến cho sau này, đôi lần giữa những nhà hàng sang trọng, nhìn món gỏi sầu đâu mà “thèm vị quê rưng rức”.
Cái hay của tác giả Tống Phước Bảo không chỉ dừng ở việc miêu tả và thương nhớ một món ăn; mà ở đó, tác giả đã gợi nên cả một nguồn cội, gốc gác mà chính từ đó đã cho mọi người một diện mạo, hình hài trước khi lớn khôn.
Ngoài giải nhất, ban tổ chức còn trao một giải nhì (trị giá 3 triệu đồng), một giải ba (trị giá 2 triệu đồng) và 12 giải khuyến khích (trị giá 1 triệu đồng) cùng một giải đặc biệt (trị giá 2 triệu đồng) dành cho học sinh có bài viết khá nhất là em Hồng Ngọc, học sinh lớp 11 trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk).
Lắng đọng với những xúc cảm từ “Quê nhà yêu dấu” ảnh 3 Tập sách "Quà mưa" được phát hành sau cuộc thi "Quê nhà yêu dấu"
Dịp này, tập san Áo Trắng và NXB Trẻ cũng phát hành tập sách Quà mưa, tuyển chọn 51 bài viết trong số các tác phẩm gửi về tham dự cuộc thi tạp bút “Quê nhà yêu dấu”. Mỗi bài viết trong tuyển tập đẹp nét đẹp riêng của mỗi vùng miền đất nước, với những phong cảnh, những món ăn, những hương vị đặc trưng đã in sâu vào tâm khảm của mỗi người. Cùng nhau, tất cả dệt nên một bức tranh đậm nghĩa tình của những người con với quê hương.
Nhà văn Đoàn Thạch Biền “chia tay” Áo Trắng
Cũng tại lễ trao giải, vì lý do sức khỏe nên nhà văn Đoàn Thạch Biền, người gắn bó với Áo Trắng suốt 30 năm qua đã “xin nghỉ việc” ở Áo Trắng.
“Ở tuổi 71, tôi đã bị bệnh alzheimer nhẹ, lúc nhớ lúc quên. Thật nguy hiểm nếu tôi tiếp tục thực hiện Áo Trắng. Nên tôi đã xin phép ban giám đốc NXB Trẻ cho tôi được nghỉ sau khi tập san kỷ niệm 30 năm phát hành”, nhà văn Đoàn Thạch Biền chia sẻ.

Lắng đọng với những xúc cảm từ “Quê nhà yêu dấu” ảnh 4 Nhà văn Đoàn Thạch Biền, người được xem là "linh hồn" của Áo Trắng suốt 30 năm qua. 
Với mong muốn tạo ra một sân chơi dành cho sinh viên học sinh yêu thích văn chương và có nơi đăng tải những sáng tác của mình, đầu năm 1990, ngoài đề xuất thành lập “Tủ sách Áo Trắng”, nhà văn Đoàn Thạch Biền còn đề xuất với ban giám đốc NXB Trẻ thực hiện “Tuyển tập thơ văn Áo Trắng”. Và số đầu tiên với chủ đề “Thế rồi một mùa hè” đã được xuất bản vào ngày 15-9-1990.
Suốt 30 năm qua, với sự dìu dắt và khích lệ của nhà văn Đoàn Thạch Biền cũng như tập san Áo Trắng, đã có rất nhiều cây bút trưởng thành từ tập san này, trở thành những nhà báo, nhà văn, nhà thơ được yêu mến như Gia Bảo, Dương Bình Nguyên, Dương Thụy, Nguyễn Thị Thanh Bình…
Theo ông Dương Thành Truyền, Chủ tịch hội đồng thành viên NXB Trẻ, suốt 30 năm qua, Áo Trắng đã trở thành văn đàn dành cho những người trẻ yêu thích văn chương, có cả những thầy cô và các bác sĩ. Điều đặc sắc là 30 năm qua, tập san Áo Trắng đã gắn với những Gia đình Áo Trắng trên khắp các tỉnh, thành. Và cũng 30 năm qua, Áo Trắng đã góp phần làm bệ phóng cho nhiều cây bút, trong đó có nhiều cây bút đã thành danh sau này.  
Lắng đọng với những xúc cảm từ “Quê nhà yêu dấu” ảnh 5 Ông Dương Thành Truyền chia sẻ tại lễ trao giải cuộc thi tạp bút "Quê nhà yêu dấu". 
Nói về tương lai của Áo Trắng khi nhà văn Đoàn Thạch Biền đã không còn cầm trịch, ông Dương Thành Truyền cho biết, cho dù hiện nay đã xuất hiện một lớp độc giả Áo Trắng mới, và tập san phải đứng trước những thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, ông Truyền tin tưởng rằng, tình yêu với văn chương vẫn là một phần tất yếu trong cuộc sống của mọi người.
“Chính vì vậy, ban giám đốc NXB Trẻ vẫn quyết tâm duy trì tập san Áo Trắng với hình thức và nội dung mới mẻ và mang hơi thở cuộc sống đương đại, để phù hợp với lứa độc giả bây giờ”, ông Dương Thành Truyền chia sẻ. 

Tin cùng chuyên mục