Làng chài Đà Nẵng qua lăng kính trẻ

Với triển lãm "Lênh đênh” (130 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), một nhóm bạn trẻ đã thổi làn gió mới thông qua hình thức nghệ thuật hiện đại, sáng tạo kết hợp nét truyền thống. Từ đó, hình ảnh vùng ven biển Đà Nẵng hiện ra tuy quen mà lạ.

Kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại

Hầu hết mọi người chỉ biết đến ký ức nhà chồ, sông nước, nghề ngư qua lời kể hay những tư liệu... Nhưng, tại triển lãm, họ nán lại lâu hơn, bởi sự lôi cuốn từ cách thể hiện và câu chuyện đằng sau đó.

Làng chài Đà Nẵng qua lăng kính trẻ ảnh 1 Nhiều bạn trẻ thích thú vùng ven Đà Nẵng thông qua công nghệ hiện đại

Để giữ câu chuyện trong ký ức nhà chồ còn nguyên vẹn, nhóm "Đà Nẵng tui" sử dụng các hình thức nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại, từ thủ công đến công nghệ tái hiện đời sống trên biển của ngư dân từ khởi đầu đến khởi sắc - chông chênh qua dông bão rồi để lại thanh âm tươi trẻ cho làng nghề hiện tại.

Những người đến triển lãm với đủ các độ tuổi khác nhau. Có những người con Đà Nẵng, những người đang học tập và làm việc ở đây và cả những du khách đang sống tại địa phương này. Họ nhìn Đà Nẵng quen thuộc mỗi ngày nhưng họ rất đỗi ngạc nhiên và thích thú khi trải nghiệm thành phố biển dưới mắt nhìn của những người trẻ.

Một bạn trẻ hứng thú check-in tại không gian triển lãm

Lật mở từng trang của cuốn sách pop-up, em Thanh Hương, sinh viên ngành Văn hoá học, Trường Đại học Sư Phạm – Đại học Đà Nẵng cho biết, trước mắt Hương vẫn là những địa danh quen thuộc của TP Đà Nẵng nhưng nhìn thật khác lạ, dù em đã học tập ở địa phương này trên 1 năm.

“Không gian thể hiện chỉ bằng 2 trang sách, thế nhưng cách thể hiện dẫn dắt tôi về một thành phố có biển, núi, sông, cuộc sống của ngư dân... khá bình dị. Tôi biết thêm được về làng chài Đà Nẵng ngày xưa như thế nào và biết thêm về khái niệm như nhà chồ, dầu rái, những cái tích... và câu chuyện được truyền từ đời này sang đời khác về những người dân làng chài”, Thanh Hương cho hay.

Những lời nhận xét về triển lãm “Lênh đênh”

Dẫn các con đi tham quan, ông Trần Hiển (trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ, triển lãm như một tấm bản đồ để ông cùng 2 đứa con khám phá Đà Nẵng.

"Thời sinh viên, mấy đứa bạn hay rủ nhau ra đây tắm biển buổi chiều. Mấy chục năm rồi, vùng ven biển cũng khác hẳn. Triển lãm làm tôi nhớ về những ngày con trẻ. Có lẽ, sau triển lãm, tôi cũng sẽ dẫn các con tham quan tất tần tật những điểm này", ông Hiển hoài niệm.

Họ có một tình yêu đặc biệt với thành phố

“Đà Nẵng tui” là một nhóm được thành lập từ năm 2017 với nhiều bạn trẻ đang sinh sống, học tập tại TP Đà Nẵng có niềm đam mê về nghệ thuật. Trước khi tổ chức triển lãm “Lênh đênh”, nhóm đã tổ chức rất thành công 2 buổi triển lãm là “Đà Nẵng tui” (mùa 1) và Nghệ (mùa 2).

Nhiều tác phẩm được chính các thành viên "Đà Nẵng tui" sáng tác thông qua những ngày lặn lội tìm về với những làng chài ven biển Đà Nẵng

Từ những triển lãm đầu tiên, theo nhóm, nếu chỉ đơn giản là một triển lãm gồm ảnh và tranh vẽ thì rất khó thu hút giới trẻ và truyền thông điệp về một Đà Nẵng - thành phố năng động. Vì vậy, họ đã nghĩ ra việc kết hợp công nghệ hiện đại như sách pop-up, AR (công nghệ thực tế ảo), hologram (ảnh toàn ký), pixel art (nghệ thuật vẽ tranh bằng điểm ảnh), projection mapping (ảnh xạ chiếu) để tạo nên một triển lãm mới lạ thực sự thu hút giới trẻ và những người yêu nghệ thuật.

Thời gian đó, họ vấp phải nhiều khó khăn về thiếu hụt nhân lực, kinh phí. Tuy nhiên, bằng tình yêu nghệ thuật và tài năng của mình, các tác phẩm của họ luôn có sự độc đáo và ẩn chứa một tình cảm đặc biệt với TP Đà Nẵng đáng sống này. Vì vậy, các buổi triển lãm ngày càng quy mô, chuyên nghiệp hơn.

Một thành viên diễn giải đời sống dân chài trước đây qua sách pop-up

Cơ duyên để tạo nên triển lãm “Lênh đênh” lần này, nhóm cho biết tình cờ Hội đồng Anh (British Council) cũng rất quan tâm đến loại thúng của người Việt Nam nên đã có sự kết nối để tạo nên sự kiện lần này. Đợt này diễn ra gấp hơn so với các những đợt trước, thời gian xây dựng toàn bộ tác phẩm chỉ khoảng 2 - 3 tháng.

Theo anh Phi Long, tình nguyện viên trong nhóm “Đà Nẵng tui”, nhiều bạn trẻ Đà Nẵng bây giờ mặc dù là người Đà Nẵng, nhưng cũng không biết nhiều về làng chài.

“Những giá trị xưa cũ cũng đã mai một đi rất nhiều. Thông qua triển lãm lần này, chúng tôi cũng muốn các bạn trẻ tìm hiểu nhiều hơn về các giá trị ngày xưa như cách làm nhà chồ, cách làm và di chuyển thúng tre, những khó khăn của làng chài ngày xưa”, anh Long cho hay.

Tin cùng chuyên mục