Làng chài cuối cùng ở thành phố

Không ai ngờ giữa TP Hồ Chí Minh lại có một xóm chài nhỏ tồn tại hơn mấy chục năm qua ngay dưới chân cầu Bình Lợi, vẫn ngày đêm phơi mình giữa cái nắng trưa, neo giữ một cuộc sống bấp bênh miền sông nước. 
Dẫu hoàn cảnh có khó khăn, nhưng người dân nơi đây vẫn giữ cho mình một tâm hồn trong trẻo, hồn hậu, luôn sống và nghĩ cho người khác. Nơi đây còn được gọi là làng chài chuyên cứu người…
Thuyền là nhà, tấm lưới là tài sản
Từ bao giờ, ngay dưới chân cầu Bình Lợi, đoạn nối giữa quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức tồn tại một làng chài nhỏ, neo đậu khoảng hơn chục chiếc ghe. Nhưng rồi sau này, người mất, kẻ lên bờ lập nghiệp nên xóm chài trở nên heo hút.
Giờ chỉ còn lại vài ba gia đình nhỏ nương tựa nhau sống qua ngày. Nơi ấy chính là mái ấm của những gia đình miền ngoài vào ngụ cư tại đây, rồi sinh con đẻ cái và… cái nghèo nối tiếp cái nghèo! Thế nhưng trong những chiếc ghe, chiếc thuyền cũ nát ấy lại sống lên những tâm hồn đẹp, không ngại hiểm nguy cứu người.
Làng chài cuối cùng ở thành phố ảnh 1 Xóm chài với vài ba hộ gia đình nằm trên sông Sài Gòn, đoạn giữa hai cầu Bình Lợi mới và cũ
Tôi đến xóm chài vào một ngày nắng gắt, từ xa đã nghe mùi tanh hôi, hăn hắt bốc lên từ mặt nước đen ngòm của dòng sông Sài Gòn. Những chiếc ghe rách nát, chòng chành giữa buổi trưa oi ả. Sinh hoạt của người dân nơi đây gói gọn trên chiếc ghe nhỏ bé với mấy bộ quần áo cũ, dăm ba cái xoong, vài cái chén. Và nhà nào cũng có một, hai con chó để bầu bạn.
Thuyền là nhà, tấm lưới chài là tài sản. Ngày ngày, lênh đênh trên sông bắt từng con cá, con tôm hiếm hoi trên sông Sài Gòn, để bán kiếm tiền mưu sinh. Đêm đêm họ vẫn mơ một mái nhà trên bờ để con cái đi học, nhưng giấc mơ cứ truyền từ đời này sang đời khác…
Giữa buổi trưa nóng như đổ lửa, nhìn những đứa trẻ nơi đây bơi lội dưới dòng nước đen xì vì ô nhiễm mà tôi không khỏi nao lòng. Với cư dân xóm chài, việc dùng điện và nước sạch với họ là một điều xa xỉ. Việc giặt giũ, tắm rửa, sinh hoạt thường nhật đa phần đều dùng nước sông. Tất cả đều được thực hiện trên chiếc ghe dài chưa đầy 10m. Muốn có nước sạch, họ phải lên bờ để xin từng can nước. 
Những phận đời nổi trôi
Tôi đến thăm chiếc ghe của vợ chồng chú Nguyễn Văn Chúc (bà con gọi là chú Ba Chúc). Chú gắn bó đời mình với cầu Bình Lợi và khúc sông này đã 38 năm nay. Vợ chồng chú có năm mặt con, các con chú lớn lên từ đây, một số đã có gia đình, tiếp tục bám thuyền mà sống. Cô Nguyễn Thị Hinh, vợ chú, bị tiểu đường mười mấy năm nay, lại thêm bệnh tim và đau nhức khớp nên không làm được việc gì nặng. Thế nên, từ việc đánh bắt đến cơm nước, giặt giũ, chú Ba đều gánh vác hết.
Sống gần trọn đời nhưng đến giờ tài sản quý giá nhất của chú Ba Chúc chỉ là chiếc thuyền nhỏ và tấm lưới chài. Và cũng trên khúc sông này, người ta đã chứng kiến không biết bao nhiêu sinh mạng đã được chú giành lại từ tay Hà Bá. Vẫn vậy, chú vẫn âm thầm làm công việc cứu người nhảy cầu tự vẫn và vớt xác trôi sông.
Chú nhớ lại: “Như năm 2014 vừa rồi, tôi cứu sống được 7 người và vớt được 18 xác chết. Đầu năm 2015 đến giờ, tôi vớt được 5 xác chết và cứu được 2 người”. Cứ thế, trên đoạn đường này, bất kể nghe tiếng kêu cứu là vợ chồng chú Ba liền cho ghe nổ máy đến chỗ đó ngay.
Làng chài cuối cùng ở thành phố ảnh 2 Chiếc ghe chật hẹp, vừa là nơi ở cũng là nơi nấu nướng và sinh hoạt 
của ngư dân nơi đây
Chú Ba Chúc dùng chiếc ghe máy cũ chở tôi đi dọc các nhánh sông Sài Gòn. Từ xa chú Ba đã nhận ra người em rể của chú đang ngâm mình, hụp người dưới sông để bắt trùn chỉ.
Trước kia, người đàn ông này cũng làm nghề đánh cá nhưng do nguồn nước ở đây ngày càng ô nhiễm nặng, cá tôm khan hiếm dần nên anh phải đổi sang làm nghề đào trùn chỉ. Trùn sống nhiều nhất ở các kênh rạch bị ô nhiễm nặng, để bắt được nhiều, thợ trùn phải ngâm mình dưới dòng nước đen kịt. Thò tay móc sâu dưới lớp bùn để bốc lên từng nắm bùn và liên tục đãi.
Quẹt mồ hôi, chú kể: “Cái nghề đào trùn này cũng lắm gian nan và nguy hiểm. Bao nhiêu độc hại dồn về chỗ trùn sống nên dễ bị ghẻ, lở loét, nhức khớp lắm. Nhiều khi còn gặp mảnh chai cắt vào tai, nhiễm trùng nặng”.
Dọc theo dòng sông, tôi gặp anh Nguyễn Ngọc Ái, cũng là một cư dân của xóm chài. Anh vừa đánh xong mẻ lưới và cùng cậu con trai khoảng 12 tuổi trên đường trở về nhà. Công việc chài lưới của anh cũng bấp bênh theo con nước lớn - ròng, bữa đói, bữa no nên việc học hành của con anh cũng đi vào ngõ cụt.
Hàng ngày, thằng bé phải theo cha nó đánh cá mà không được đến trường như lũ bạn cùng trang lứa. Hôm nay, mẻ lưới của anh Ái dính toàn cá rô, anh độ chắc được gần 3kg, kiếm được chừng vài chục ngàn để nuôi vợ, con và mẹ già. Mấy chục năm qua, cả gia đình anh sống trên chiếc ghe mục nát đang đậu trên bờ kia.
Mới gần đây, một số nhà hảo tâm đã tặng cho gia đình chiếc ghe mới để anh có cuộc sống tốt hơn, nhưng cái nghèo, cái khổ cứ dí theo vì mới đây nhà nước thông báo phải di dời toàn bộ ngư dân dưới chân cầu Bình Lợi 2. Và sông nước lại cuốn trôi gia đình anh đến một bến bờ khác, chưa biết là nơi nào…
Tương lai trôi về đâu
Ngày dần tắt, hoàng hôn tím ngắt buông xuống dòng sông. Phía trước cây cầu, dòng người đang hối hả ngược xuôi, tiếng người, tiếng còi xe hù hụ, những âm thanh ồn ã của một phố thị sắp lên đèn.
Còn ngay đây, phía dưới chân cầu, những người đàn ông của xóm chài vẫn đang tụ họp uống trà để chuẩn bị cho chuyến hành trình đánh cá đêm. Cuộc sống tuy nghèo khó nhưng người dân nơi đây vẫn sống chan hòa, chia sẻ với nhau từng bát cơm, chén nước.
Trên ghe chú Ba Chúc, vợ chồng chú đang chuẩn bị bữa cơm trước giờ đi đánh cá. Hôm nay, vợ chồng chú đãi tôi cơm trắng, đậu phộng rang ăn với dưa leo. Bữa cơm đạm bạc của người dân chài chỉ thế thôi. Một cảm giác thân thương, đầm ấm như bữa cơm cùng ba mẹ ở quê nhà.
Sau bữa cơm, chúng tôi bắt đầu chuyến chài lưới đêm. Ghe chạy một dọc sông Sài Gòn mà vẫn chưa có mẻ cá nào. Chúng tôi lại quay về cầu Bình Lợi, con thuyền dừng lại, lắc lư, chòng chành trên sóng nước. Tấm lưới được cánh tay đen sạm, đầy rắn chắc của chú Ba Chúc phóng mạnh ra xa, ụp xuống mặt nước. Gần 5 phút sau chú kéo tấm lưới lên..., vẫn không có con cá nào cả.
Rồi hai lần, ba lần, bốn lần, mẻ lưới chỉ dính đầy bùn, rác và cây mục. Chú vẫn kiên trì, khó khăn lắm mới bắt được vài con cá. Chuyện đánh bắt như thế quả thật chẳng dễ dàng đối với những người mà sau lưng họ còn có cả một gia đình đang chờ tiền mua gạo, mua rau.
Có lẽ với chú Ba, con nước đã trở thành máu thịt, thành một phần của cuộc đời chú mất rồi. Chú nhớ trước kia, khúc sông này còn rất nhiều cá tôm, bạn bè chài lưới đánh cá cũng nhiều. Chú chịu cực để nuôi ước mơ sau này con cháu sẽ đổi đời, thế nhưng, dần dà cá tôm trên dòng sông này vơi dần và cuộc sống mỗi ngày một khó hơn.
Ở phía xa xa, lưới vừa được bỏ xuống, chụp xuống bóng ngọn đèn và các tòa nhà cao tầng bên bờ sông Sài Gòn in xuống lộng lẫy. Tôi chợt nghĩ, mặt sông Sài Gòn phẳng lặng kia như một chiếc gương soi khổng lồ, ở đó hai thế giới giữa giàu sang và nghèo khó sao mà xa cách quá. Rồi mai đây, không biết những con người cả đời gắn bó với khúc sông này sẽ trôi về đâu. Giờ chỉ còn là tiếng thở dài buông xuống mặt sông tĩnh mịch.

Tin cùng chuyên mục