Lan tỏa tính nhân văn và trách nhiệm giữa mùa dịch bệnh - Bài 2: Ấm áp tình người

Không chỉ là “đất lành” thu hút người dân từ nhiều tỉnh thành trên cả nước về mưu sinh, lập nghiệp, TPHCM còn là nơi kết nối những tấm lòng sẻ chia, đùm bọc để tạo nên một vùng đất hào sảng, đầy tình người. Trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, tình người ở mảnh đất nghĩa tình mang tên Bác càng thêm đong đầy qua từng hành động đẹp.

Tặng khẩu trang, nước sát khuẩn cho người lao động nghèo 

Vừa tấp chiếc xe đạp cà tàng vào đại lý vé số 106 trên đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận, TPHCM), ông Trần Văn Bảy (quê Bình Định) nghe tiếng bà Trần Thị Hương Xuân (chủ đại lý vé số 106) hỏi: “Nay hết sớm ha chú Bảy? Thời tiết nóng quá, vào nhà uống ly nước cho mát”.

Đáp lại lời bà Xuân là nụ cười tươi rói của người đàn ông nhỏ nhắn, nước da đen nhẻm: “Nhờ chai nước rửa tay của cô tặng mà tôi mạnh dạn đi bán mấy ngày nay đấy. Đang dịch bệnh thế này, tiếp xúc nhiều người tôi ngại lắm, nhưng phải mưu sinh chứ biết làm sao”. Nói xong, ông đưa tay lên túi áo lấy chai nước rửa tay thoa một ít lên tay trước khi vào nhà bà Xuân.

Vào TPHCM mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo gần 10 năm để nuôi thân và lo cho 2 con ăn học, đọng lại trong lòng người đàn ông bị tật một chân ấy chính là cái tình của những người ông đã gặp. “Có người mua giúp vài tờ vé số rồi dúi thêm vào tay tôi ít tiền nói rằng để chú ăn cơm trưa. Rồi những phần quà của chủ đại lý vé số, của người dân nơi tôi đi bán dạo dịp lễ tết, hay cái khẩu trang với chai nước rửa tay được tặng mùa dịch bệnh thế này, tôi thấy thật ấm lòng giữa thành phố rộng lớn này”, ông Bảy chia sẻ. 

Không chỉ ông Bảy, nhiều năm nay, cứ thấy người bán dạo gặp khó khăn, bà Xuân lại giúp đỡ. Khi thì phần quà, khi thì kết nối để họ nhận xe lăn hoặc học bổng cho con cái. Khi dịch Covid-19 xảy ra, nhận được nước rửa tay và khẩu trang vải kháng khuẩn do Công ty Xổ số kiến thiết TPHCM và Hội Chữ thập đỏ TPHCM gửi tặng, bà liền phân phát hết cho người bán dạo. Thiếu, bà lại xuất tiền túi mua thêm.

“Với nhiều người khá giả thì chai nước rửa tay, vài cái khẩu trang có đáng giá là bao, nhưng với những người bán vé số dạo phải chắt chiu từng đồng, đó là số tiền lớn”, bà Xuân tâm sự. Ngoài tặng quà, bà Xuân còn phát tờ rơi và hướng dẫn người bán dạo cách đeo khẩu trang, cách rửa tay đúng cách để phòng bệnh. 

Lan tỏa tính nhân văn và trách nhiệm giữa mùa dịch bệnh - Bài 2: Ấm áp tình người ảnh 1 Bà Hương Xuân tặng nước rửa tay, khẩu trang cho người bán dạo khuyết tật

Nhận được khẩu trang vải kháng khuẩn do nhóm tình nguyện viên của chị Xuân Hạnh (ngụ quận 8) trao, chị Trần Mai Lan, công nhân vệ sinh tại quận Bình Thạnh, xúc động: “Đây là món quà quý đối với chúng tôi trong thời điểm khan hiếm khẩu trang như hiện nay. Với công việc phải tiếp xúc nhiều chất thải, khả năng lây nhiễm cao, tôi cũng rất lo lắng. Có thêm khẩu trang để phòng ngừa bệnh, công nhân vệ sinh sẽ an tâm hơn khi đi làm”. 

Khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng, thấy tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế xảy ra, nhóm thiện nguyện (trong đó có chị Hạnh) đã kết nối với một cơ sở may để may khẩu trang kháng khuẩn dành tặng người khó khăn. Tính đến nay, nhóm đã trao tặng hơn 15.000 khẩu trang cho công nhân vệ sinh, người vô gia cư, trẻ em cơ nhỡ, mồ côi, người già tại các mái ấm, viện dưỡng lão, sinh viên y khoa, người bệnh tại các bệnh viện. 

Từ khi dịch bệnh xảy ra, nhiều hình ảnh đẹp đã diễn ra trong từng ngõ ngách tại mảnh đất TPHCM đầy ắp tình người. Nhiều người không khỏi xúc động khi bắt gặp hình ảnh cậu bé 11 tuổi lấy hết tiền lì xì của mình mua khẩu trang tặng bác xe ôm, chú lái xe taxi, người khó khăn để phòng dịch bệnh. Hay những thùng khẩu trang miễn phí xuất hiện tại các góc đường cũng khiến nhiều người ấm lòng đến lạ. Không chỉ có TPHCM, mà tại nhiều tỉnh thành khác trên khắp cả nước, nơi đâu người dân cũng bắt gặp những nhóm thiện nguyện cầm trên tay khẩu trang để phát cho người dân. Các cơ quan chức năng, các cấp các ngành cũng vào cuộc để chung tay ngăn ngừa dịch bệnh.

Đồng lòng, chung tay chống dịch bệnh

Bước ra khỏi Tổ trợ giúp bệnh nhân nghèo của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) với số tiền và phần quà trên tay, chị Lý Thị Sương (quê Sóc Trăng) mừng rơi nước mắt. Vậy là con gái mới hơn 3 tháng tuổi của chị đã có chi phí điều trị bệnh. Gia cảnh khó khăn, con lại mắc bệnh truyền nhiễm phải đưa lên TPHCM chữa trị, đang lúc rối bời không biết lấy đâu ra tiền để lo cho con ở nơi xa lạ, chị Sương được giới thiệu đến tổ trợ giúp bệnh nhân nghèo của bệnh viện. Được hỗ trợ chi phí điều trị bệnh cho con, rồi còn được gửi tặng khẩu trang, nước rửa tay, tã, sữa để cả nhà chị an tâm điều trị bệnh, chị Sương tưởng mình đang mơ.

Lan tỏa tính nhân văn và trách nhiệm giữa mùa dịch bệnh - Bài 2: Ấm áp tình người ảnh 2 Chị Lý Thị Sương (trái) mừng rơi nước mắt khi nhận sự giúp đỡ của Tổ trợ giúp bệnh nhân nghèo Bệnh viện Nhi Đồng 2. Ảnh: BV Nhi Đồng 2
Từ nhiều năm nay, Tổ trợ giúp bệnh nhân nghèo của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã trở thành cầu nối để các nhà hảo tâm giúp bệnh nhi có chi phí điều trị, có xe về quê khi xuất viện, có quà, bánh, cơm để vượt qua khó khăn trước mắt.

Theo bà Phan Thị Cẩm Tường, nhân viên chuyên trách của tổ, đóng góp cho quỹ không chỉ có các doanh nghiệp, đơn vị lớn, mà cả những người dân chưa thật sự khá giả cũng đến chung tay hỗ trợ. Hơn 10 năm nay, đều đặn hàng tháng, bà Phong (một người bán gánh hủ tíu bên lề đường) lại đến gửi vào quỹ 2 triệu đồng với mong muốn “tụi nhỏ mau khỏe”. Rồi khi dịch Covid-19 xảy ra, tổ trợ giúp bệnh nhân nghèo lại nhận được những món quà rất thiết thực là khẩu trang, nước rửa tay để trao tặng bệnh nhi.

Tính đến nay, các cấp Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn TPHCM đã tiếp nhận quà, nước rửa tay, khẩu trang, tiền từ các mạnh thường quân để hỗ trợ người dân với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp, văn nghệ sĩ cũng đã chung tay đóng góp hàng trăm tỷ đồng để cùng người dân cả nước phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể đã trang bị phòng cách ly áp lực âm, kinh phí sản xuất bộ kit phát hiện virus, trang bị đồ bảo hộ chống dịch cho y bác sĩ và bộ đội...

Bằng tinh thần xung kích, chủ động, những ngày qua, tuổi trẻ cả nước đã có nhiều hoạt động, cách làm sáng tạo hỗ trợ người dân phòng chống dịch Covid-19. Ngoài thành lập các đội phản ứng nhanh đến từng khu dân cư, các chợ, nơi công cộng tuyên truyền để người dân hiểu rõ dịch bệnh, có cách phòng tránh lây nhiễm đúng, đoàn viên, thanh niên còn sản xuất nước rửa tay tặng người dân; đến khử trùng tại các cơ sở nuôi dạy trẻ; ra quân dọn vệ sinh kênh rạch, khu công cộng... Các cấp công đoàn TPHCM cũng đến động viên, trao tặng quà, tiền cho công nhân lao động gặp khó khăn trong mùa dịch bệnh. 

Không chỉ các đoàn hội lớn, nhiều người dân đang sinh sống tại TPHCM cũng góp chút sức, ít tiền để chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Với suy nghĩ đây là thời điểm cần sự chia sẻ, chung tay, vợ chồng chị Nguyễn Thị Tố Loan (quận 3) kết nối bạn bè để may gần 20.000 khẩu trang trao tặng không chỉ người dân tại TPHCM mà còn gửi tặng bộ đội biên phòng đang thực hiện nhiệm vụ canh gác cửa ngõ tại tỉnh Quảng Bình, Nghệ An. 

Những ngày qua, khi một số khu dân cư tại TPHCM bị cách ly, phong tỏa để phòng tránh lây nhiễm Covid-19, nhiều tổ chức thiện nguyện, công ty và người dân đã đến nơi bị phong tỏa để trao tặng những suất cơm nóng hổi, những chai nước rửa tay, khẩu trang, bánh, sữa, trái cây để giúp người đang cách ly có đủ nhu yếu phẩm dùng.

Chính những hình ảnh đẹp ấy càng khẳng định sự nhân văn, nghĩa tình của một thành phố với những con người tràn đầy tình cảm. Qua đó cũng cho thấy sự đồng lòng, chung tay của người dân khi cùng vượt qua khó khăn, dịch bệnh. 

Liên đoàn Lao động TPHCM đã đưa ra kế hoạch chăm lo thiết thực đồng bộ ở 2 cấp, đảm bảo đúng đối tượng, nhất là người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đối tượng chăm lo gồm: nữ đoàn viên công đoàn mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị giảm thu nhập, bị mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động; đoàn viên công đoàn (hoặc vợ/chồng/con) bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo; đoàn viên tại các nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn. Dự kiến mỗi đối tượng được chăm lo 1,2 triệu đồng.

Phối hợp với các đối tác ký kết các chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn” để ưu đãi về giá cả nhu yếu phẩm cho công nhân; cùng Tổ chức Tài chính vi mô (CEP) có chính sách giảm lãi suất vay cho người lao động đang vay và hỗ trợ vay vốn kịp thời cho đoàn viên khó khăn.

Tin cùng chuyên mục