KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH RA LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC (11-6-1948 - 11-6-2018)

Lan tỏa những gương sáng đời thường

Thực hiện lời Bác, hơn 43 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM ra sức thi đua, không ngừng sáng tạo, đã tạo nên sự thay đổi tích cực, toàn diện, trở thành đô thị lớn, có vai trò trung tâm về nhiều mặt của cả nước. 
Đạt được những kết quả trên, phải nhắc đến sự đóng góp của các tập thể, cá nhân đã làm tốt hơn, làm đẹp hơn những việc đời thường, hàng ngày…
Từ việc tự làm giàu, hỗ trợ nông dân…
Năm 2009, khi đang là công nhân, Trần Thị Mỹ Trinh (huyện Củ Chi, TPHCM) nghỉ việc, về nhà vay mượn tiền, thuê đất để… trồng lan. Lựa chọn của cô gái 24 tuổi ngược với xu hướng của các bạn trẻ lúc bấy giờ - thường thích rời bỏ ruộng đồng, tới nhà máy làm thuê. Mỹ Trinh nghĩ: “Nếu cứ làm công nhân hoài thì không biết bao giờ mới dư dả”. Lúc đó, xã khuyến khích nông dân đổi mới cây trồng, chuyển đổi từ trồng lúa cho năng suất và thu nhập thấp sang trồng những cây khác có giá trị cao hơn. Thế là Mỹ Trinh đăng ký và được theo học một lớp tập huấn của cơ quan khuyến nông.
Từ 90 triệu đồng vốn ban đầu, Mỹ Trinh mua hơn 1.000 cây lan mokara về trồng trên 500m2 đất của gia đình. Xuống giống xong, Mỹ Trinh phải chạy vạy, vay mượn để có kinh phí chăm sóc vườn lan. Đến khi lan ra hoa, chưa kịp mừng thì đã phải lo lắng cho đầu ra. “Đầu tiên, tôi tiêu thụ ngay tại xã nhà. Khi vườn lan ra hoa ngày càng nhiều, tôi mang sản phẩm đến chợ Bến Thành chào hàng và nhanh chóng bán hết. Sau đó, các đơn hàng tăng dần, tôi không đáp ứng đủ nên liên kết với các hộ nông dân ở huyện để đủ nguồn cung”, Mỹ Trinh nhớ lại. Bây giờ, hoa từ vườn lan Ba Được của chị Trinh và 28 vườn lan khác ở huyện Củ Chi cùng tỉnh Bình Dương, Tây Ninh được chị Trinh thu nhận rồi phân phối về các cửa hàng trung tâm TPHCM, các tỉnh thành phía Bắc và miền Trung. Đến nay, sau 9 năm làm nông, vườn lan của chị Trinh đã tăng lên 5.000m2 với hơn 30.000 gốc lan mokara cắt cành, đủ các màu sắc. Mô hình trồng trọt này giúp chị có thu nhập 40 triệu đồng/tháng, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 8 người dân địa phương với thu nhập hơn 6 triệu đồng/người/tháng.
Cơ sở của chị Trinh được nhiều nông dân các nơi đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Điều thật ấm áp, chưa một ai đến tham quan, học hỏi mà chị Trinh từ chối hỗ trợ. Chị thổ lộ: “Mình chia sẻ kinh nghiệm cho bà con và họ làm giàu thì tốt. Nếu mình giấu nghề, bà con trồng trọt thua lỗ thì tội nghiệp họ”. Cũng từ thiện tâm đó, nhiều hộ dân còn được chị Trinh bán chịu cây giống và bao tiêu đầu ra. Chính những kết quả trên, chị Trinh được bình chọn là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, là điển hình thực hiện nông thôn mới và là một trong 10 gương điển hình tiên tiến, đại diện TPHCM dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc của cả nước.
Đến “quả đấm thép” vào tội phạm ma túy
Tháng 10-2015, các trinh sát của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an TPHCM phát hiện đường dây mua bán ma túy do Phan Anh Tuấn (sinh năm 1977) cầm đầu. Từ Hà Nội, Tuấn vào TP kinh doanh khách sạn làm vỏ bọc cho hoạt động phạm tội. Sau một thời gian theo dõi, tháng 3-2016, Ban chỉ huy PC47 hạ lệnh “cất lưới”. Chuyên án đã triệt phá đường dây mua bán ma túy lớn, khởi tố 7 bị can, thu giữ 10kg ma túy tổng hợp, 2,4 tỷ đồng, 4 khẩu súng, 2 ô tô. Đồng thời, kịp thời ngăn chặn một vụ thanh toán bằng súng giữa các đối tượng giang hồ.
Trên đây chỉ là một trong số rất nhiều đường dây ma túy được PC47 Công an TPHCM triệt phá thành công, trong đó có những đường dây hoạt động xuyên quốc gia (ma túy từ Lào hay Campuchia đưa vào Việt Nam để tiêu thụ tại TPHCM và các tỉnh phía Nam). Các đối tượng cầm đầu đều có nhiều tiền án, tiền sự, thường mang theo vũ khí và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng để thoát thân. Từ năm 2012 đến nay, đơn vị này đã điều tra, khám phá 178 vụ, xử lý 810 đối tượng tội phạm; thu giữ hơn 85,6kg heroin, 234kg ma túy tổng hợp, 43.312 viên thuốc lắc, gần 50kg PSE, hơn 30kg cocain, 1.900 ống morphine, 60kg “cỏ Mỹ”,  44 khẩu súng, hơn 52 tỷ đồng...
Thượng tá Phùng Văn Đẳng, Phó Trưởng phòng PC47, nhấn mạnh đặc thù của tội phạm ma túy là lợi nhuận cao, khi bị bắt phải chịu mức án nặng, nên các đối tượng phạm tội hoạt động với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt và sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị truy bắt, cũng như tìm mọi cách mua chuộc, lôi kéo lực lượng chức năng. Vì vậy, trong công tác, cán bộ chiến sĩ đơn vị luôn thực hiện theo 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Cụ thể, phải cương quyết, khôn khéo khi tiếp cận tội phạm, không để đối tượng trốn thoát hoặc nổ súng chống trả. Cùng với đó, khi phát hiện đồng đội có biểu hiện sa ngã, dính “viên đạn bọc đường” thì kịp thời ngăn chặn. Điều quan trọng nữa là kính trọng lễ phép với nhân dân, bởi người dân là nguồn cung cấp thông tin quý giá để phát hiện tội phạm, giúp PC47 xác lập phương án đấu tranh hiệu quả.
Chiến công nối tiếp chiến công, được ví như “Quả đấm thép” trên trận tuyến chống ma túy, PC47 Công an TPHCM và cán bộ chiến sĩ nhiều lần được biểu dương, khen thưởng từ UBND TP, Bộ Công an... 
                               Người thợ leo cây tận tụy
30 năm trong nghề leo cây, người thợ cả Phan Văn Kha, Tổ trưởng Tổ leo cây 1 - Xí nghiệp Cây xanh 1 (thuộc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM), cho biết cái nghề “ăn cơm dưới đất, làm việc trên cây” này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt khi mùa mưa, do thân cây trơn trượt. Bản thân anh Kha từng nhiều lần bị ong đánh khi đang làm việc trên tán cây, ngón trỏ tay phải bị mất 2 lóng tay do một cành cây rơi trúng. Cũng chính sự nguy hiểm của nghề nên những người thợ leo cây đặt ra nguyên tắc an toàn tuyệt đối cho bản thân, cho đồng nghiệp và người đi đường.
Công việc này cũng bất kể ngày đêm, nhất là mùa mưa, thợ leo cây phải thay nhau trực 24/24 giờ. Có khi nửa đêm đang ngủ ở nhà, nhận được tin có cây ngã đổ do mưa dông là lập tức anh Kha cùng đồng nghiệp đến hiện trường. “Phải nhanh chóng giải tỏa hiện trường để đường thông thoáng”, anh Kha chia sẻ. Đặc biệt, trước các mùa mưa dông, những người thợ leo càng phải làm việc cật lực. Họ phải theo dõi cây sát sao hơn và mé nhánh, tỉa cành nhằm giảm thiểu tai nạn đáng tiếc xảy ra cho người đi đường. Tận tâm trong công việc nên khi ai nhắc đến cây số mấy, ở đường nào, anh Kha đều biết rõ vị trí, đặc tính của cây và đề xuất được ngay hướng xử lý tốt nhất.
Nhìn cách anh Kha khéo léo xử lý công việc, ứng xử với người xung quanh mới thấy hết tinh thần, trách nhiệm của người thợ cả. Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Kha đã truyền lửa nghề, giúp những người thợ trẻ có thêm tình yêu với nghề đã chọn. Và với sự nỗ lực không ngừng vì một TP xanh - sạch - đẹp - an toàn, nhiều năm liền anh Phan Văn Kha được biểu dương trong phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt năm 2015, anh được vinh danh trong phong trào thi đua toàn quốc.
Tính từ thời điểm Luật Thi đua, Khen thưởng có hiệu lực (ngày 1-7-2004) đến cuối năm 2017, TPHCM có 934 phong trào thi đua và trên 6.000 công trình, mô hình, giải pháp tổ chức thi đua. Điển hình là phong trào “Gia đình thi đua tiết kiệm điện” (Tổng công ty Điện lực TP), mô hình “Vì quận 12 bình yên”, mô hình “Lấy người bệnh làm trung tâm, an toàn cho người bệnh là trên hết” (Bệnh viện Quận Thủ Đức), mô hình “Tiếng kẻng an ninh” (huyện Hóc Môn), phong trào “Khu phố không có tội phạm ẩn náu, tội phạm bị phát hiện nhanh, ngăn chặn kịp thời” (quận Gò Vấp)…
Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM Huỳnh Công Hùng nhận xét, nét mới trong tổ chức phong trào thi đua của TP là việc xây dựng các mô hình giải pháp thi đua phù hợp với thực tế. Các phong trào thi đua có tiêu đề, nội dung, tiêu chí cụ thể rõ ràng. Nhiều mô hình, giải pháp, nhân tố mới, điển hình, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được nhân rộng và phát huy, đã mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực. Qua đó, người lao động trực tiếp (từ cấp trưởng phòng thuộc các sở - ban - ngành và tương đương trở xuống) trên địa bàn TP được khen thưởng ngày càng tăng. Đến năm 2016, người lao động trực tiếp chiếm 88% số cá nhân được khen thưởng; trong đó có nông dân, công nhân, người dân lao động được khen thưởng cấp Nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, đánh giá phong trào thi đua yêu nước ở TP trong những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo đòn bẩy làm động lực thực hiện thắng lợi cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP. Các gương điển hình trong phong trào thi đua đã nỗ lực bền bỉ, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ, của cải, tạo nên những giá trị tốt đẹp trong phong trào thi đua yêu nước. Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh, việc phát động và tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua có ý nghĩa hết sức quan trọng, là động lực to lớn, tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của TP. Các phong trào thi đua cần tiếp tục được tổ chức có mục tiêu cụ thể, nội dung tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, tạo điều kiện bứt phá trong các năm tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục