Lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Nhằm khuyến khích những tác phẩm báo chí khắc họa các gương điển hình người tốt việc tốt, các nhân tố mới trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội, với những việc làm, hoạt động, nghĩa cử cao đẹp đóng góp tích cực và có nhiều ý nghĩa cho cộng đồng cũng như trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng - phát triển đất nước, kể từ tháng 8-2019, Báo SGGP đã khởi động cuộc thi phóng sự - ký sự Người tốt - Việc tốt và kéo dài đến tháng 3-2020. 
Vợ chồng bác sĩ Phạm Đình Vinh (Phòng khám Khương Sơn, Hà Nội) trao thuốc tặng miễn phí bệnh nhân nghèo. Ảnh: VĂN CÔNG
Vợ chồng bác sĩ Phạm Đình Vinh (Phòng khám Khương Sơn, Hà Nội) trao thuốc tặng miễn phí bệnh nhân nghèo. Ảnh: VĂN CÔNG

1. Từ hơn 50 năm trước, Bác Hồ từng nói: “Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Bác nhấn mạnh, người tốt, việc tốt ở đâu cũng có, ngành giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Những việc làm của họ, dù nhỏ, nhưng giống như những giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng thành suối, thành sông và hợp thành biển cả... có một ý nghĩa lớn lao, thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như lòng nhân ái “thương người như thể thương thân”, “mình vì mọi người” của nhân dân ta. Những việc làm đó cần được khen thưởng đúng mức để động viên, khuyến khích mọi người hăng hái làm những việc ích nước, lợi nhà. Bác chỉ thị và động viên các cơ quan tuyên truyền viết báo và xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”, và viết thì phải ngắn gọn, dễ hiểu mà có duyên.

Làm theo lời Bác, các cơ quan báo chí và các nhà xuất bản nước ta trong những năm qua đã có nhiều thành quả trong việc nêu gương người tốt, việc tốt và điều này cần được phát huy cao độ hơn nữa trong thời gian tới. Việc tìm tòi, phát hiện, lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt để mọi người noi theo, cũng là một biện pháp hữu hiệu để lấy cái đẹp dẹp cái xấu, nhân rộng cái đẹp, đề cao, tôn vinh những giá trị tích cực trong xã hội. 

Hơn 5 tháng sau ngày phát động, ban tổ chức cuộc thi đã tiếp nhận gần 200 bài viết của đông đảo cây bút trên toàn quốc gửi về. Có tác giả là những cây bút chuyên nghiệp, là những phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí; cũng có những tác giả không chuyên, vì cảm động trước nghĩa cử, hành động của những người hết lòng vì cộng đồng mà nắn nót viết tay từng trang giấy. 

Được ban tổ chức cuộc thi giao nhiệm vụ tiếp nhận và sàng lọc các bài viết gửi về, chúng tôi coi đó là công việc nhiều may mắn, khi mỗi ngày trước vô vàn trăn trở, âu lo, vẫn có thể nở nhẹ nụ cười hạnh phúc khi bắt gặp những chú Hai, anh Ba, chị Năm… cùng những công việc cao đẹp mà các chú, các chị không mong mỏi được vinh danh.
 
2. Như chị Năm. Chị nghỉ hưu, về quê chăm mẹ chồng, đâu có được nghỉ ngơi, bởi chị đang ôm bầy con cả trăm đứa kia mà! Chị làm giám đốc một ngôi trường nuôi dạy rất nhiều trẻ khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ, bệnh Down, bại não… Tác giả Dương Minh Anh viết về chị Năm Hà - Nguyễn Thị Thu Hà, người từng là lãnh đạo Thành ủy TPHCM, gần gũi đến vậy. Lại nhớ những ngày chị tham gia quyết định chủ trương trị giá hàng trăm tỷ đồng để chăm lo công nhân nghèo TPHCM được dùng điện đúng giá; nhớ những chỉ đạo của chị với chính quyền liên quan cuộc sống của hàng vạn nông dân các huyện ngoại thành; cả những chuyến cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt, hạn hán, đồng bào gặp khó khăn ở mọi miền đất nước. Thì nay, trông cảnh chị “ky cóp” từng đồng tiền để lo lương, chế độ cho giáo viên; xoay vần với những bữa cơm sạch - ngon - nhưng phải rẻ cho hàng trăm miệng ăn mỗi ngày, mới thấy bản chất yêu thương con người ở chị chính là lẽ sống của chị.

Tìm xem Tạo hóa đã mắc lỗi ở đâu để sửa, hay nói cách khác là chữa bệnh bằng gen, được coi là phương pháp chữa bệnh từ gốc của y học hiện đại, nhưng đồng thời cũng là con đường gian nan nhất. PGS-TS, bác sĩ Trần Vân Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gen-Protein, Trường Đại học Y Hà Nội (trái) đã chọn dấn thân vào con đường đó để mang lại hạnh phúc cho rất nhiều gia đình bất hạnh.Ảnh: BÍCH QUYÊN
Xanh lá cây là màu nổi bật của vùng đất trù phú, màu của loại tảo nảy nở khi nguồn nước trong lành thuận lợi cho con tôm phát triển, đó cũng là màu sắc mà nữ Tiến sĩ Vi sinh vật học Mai Thi đam mê theo đuổi từ hồi công tác ở cơ quan bảo vệ môi trường của tỉnh Sóc Trăng đến bây giờ là ở Tập đoàn Minh Phú kinh doanh tôm có tiếng toàn cầu. Cuộc đời chị, qua những trang viết của tác giả Sáu Nghệ, đầy nụ cười, nhưng cũng không ít nước mắt. Với người làm khoa học như chị, hạnh phúc nào bằng khi nghiên cứu của mình góp phần cứu sống cả vựa tôm của tỉnh Sóc Trăng hồi năm 2016; nhưng cái đau nào bằng khi sau “công trạng” ấy, chị nhận quyết định kỷ luật về Đảng lẫn chính quyền, bởi chị dám thử nghiệm chế phẩm “khi chưa xin phép cấp trên”. Kỷ luật khiển trách về Đảng với chị Mai Thi được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng xóa ngày 14-8-2018. Được Tập đoàn Minh Phú mời về làm việc, chị liền bày tỏ ước nguyện: được tiếp tục nghiên cứu sản xuất chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường làm một nguồn phúc lợi xã hội.


Còn với ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam, người được tác giả Hồng Hải ví như người “mắc nợ người dưng!”, hơn 20 năm làm cán bộ công đoàn cũng là khoảng thời gian ông đấu tranh gan lỳ, không ngại đụng chạm với cả ban giám đốc công ty để cùng tập thể ký được các thỏa ước giúp phúc lợi của người lao động ngày càng được nâng lên. Như hồi công ty xây nhà ăn cho người lao động, ông Đạt phải trầy trật đeo đuổi suốt 2 đời giám đốc. Nhờ thế mà một nhà ăn khang trang với kinh phí xây dựng hơn 40.000 EUR được hình thành - một điều trước đó chưa ai từng nhắc. Tiền ăn cũng được nâng dần từ 11.000 đồng đến nay là trên 32.000 đồng. Cả đến lúc nghỉ hưu, tâm của ông Đạt vẫn dành trọn cho quyền lợi chính đáng của người lao động. Còn việc của mình, xưa giờ ông coi nhẹ tênh.

Cô Nguyễn Thị Kim Phương, giáo viên lớp Kỹ năng 7, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, ngày ngày tỉ mẩn hướng dẫn các em khuyết tật học những kỹ năng phụ bếp để giúp ích cho gia đình và xã hội.
Ảnh: HOÀNG HÙNG 
Các chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) đâu phải lúc nào cũng gắn với hình ảnh “núp lùm”, “mặt lạnh tanh” như nhiều người vẫn nghĩ. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo của Thượng úy Lê Thái Vương (Đội CSGT An Lạc) khi vá đường để dân đi lại thuận tiện hơn; 2 chiến sĩ CSGT - Thượng úy Vũ Đình Nam và Trung úy Đoàn Tấn Phú (công tác tại Đội CSGT Tân Sơn Nhất (PC67) - một người điều khiển mô tô, một người tay ôm cháu bé vào lòng, kịp thời đưa cháu bé đến bệnh viện cấp cứu; Thượng úy Nguyễn Năng Dũng, Tổ phó Tổ 2 Đội Chỉ huy và điều khiển đèn giao thông, cùng đồng đội đội mưa bão vừa phân luồng giao thông, vừa dọn dẹp các nhánh cây ngã đổ… đều là những hình ảnh xúc động được người dân ghi lại. “Hình ảnh dũng cảm, hết lòng vì nhân dân của các chiến sĩ CSGT đã viết nên những câu chuyện đẹp cho thành phố mang tên Bác!”, tác giả Thái Phương kết lại trong bài viết của mình. 


Bỏ phố, bỏ những cơ hội tốt, hai cô giáo trẻ Riáh Uối và Trà Thị Thu đã tình nguyện gắn tuổi thanh xuân của mình nơi đỉnh núi Ngọc Linh (Quảng Nam), dùng tâm sức đưa con chữ đến gần hơn với những trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số. Sau bao năm sống cùng bà con, họ đã thành người con của nóc, của làng. “Học sinh, đồng bào cần chúng tôi. Chúng tôi sẽ ở lại”, đó là tâm niệm của 2 cô giáo trẻ vừa là để tri ân, vừa thể hiện khát vọng tuổi trẻ không lùi bước trước mọi gian nan thử thách.

Chúng tôi tin rằng, trên khắp đất nước này, còn nhiều và rất nhiều những tấm gương, điển hình chưa được nhắc tên, dù việc làm của họ âm thầm từng ngày đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cho việc giữ gìn “nét đẹp” tâm hồn của người Việt. 

Lan tỏa những gương điển hình, việc làm tốt, hay bất kỳ giá trị sống tích cực nào cũng là phương cách để đấu tranh phản bác, ngăn chặn hiệu quả thông tin xấu, độc hại đang ngồn ngộn hiện nay. Nhất là, trước tác động có nhiều mặt tiêu cực của truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở nước ta, hơn lúc nào hết, báo chí phải phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt trong thông tin tích cực.

Như đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trong bài viết với tựa đề “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam”, đã nhấn mạnh: Báo chí cách mạng cần khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong thời đại kỹ thuật số. Dòng thông tin tích cực của báo chí vẫn phải là dòng thông tin chủ lưu với thông tin chất lượng, chính xác, kịp thời, khách quan, là bộ lọc đáng tin cậy về mọi vấn đề xã hội, dư luận quan tâm.

Tin cùng chuyên mục