Lan tỏa lối sống xanh từ học đường

Vài năm trở lại đây, Việt Nam nở rộ các phong trào kêu gọi lối sống xanh. Với thông điệp “Hãy nói không với nhựa sử dụng một lần”, hàng trăm ca sĩ, diễn viên, người mẫu nổi tiếng đã mang thông điệp bảo vệ môi trường đến gần hơn với các bạn trẻ, kêu gọi mỗi cá nhân trong cộng đồng thực hiện lối sống xanh, thay đổi thói quen tiêu dùng hướng đến một hành tinh không rác thải nhựa. 

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, mô hình “trường học xanh” do 2 Sở GD-ĐT TPHCM và Sở TN-MT TPHCM phát động đã được triển khai từ năm 2018. Đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện, chương trình đã lan tỏa rộng khắp các trường học từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT, qua đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố. 

Thông qua các hoạt động như phát triển mảng xanh, phân loại rác thải tại nguồn, tiết kiệm điện, nước, trang trí lớp học từ vật liệu tái chế, nhiều trường học đã có những mô hình, sáng kiến hay, góp phần tiết kiệm tài nguyên nước và năng lượng sử dụng trong nhà trường. Tại Trường THCS Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), tận dụng khuôn viên rộng rãi, nhà trường đã xây dựng mô hình vườn trường nhằm giúp học sinh không chỉ học kiến thức về khoa học tự nhiên mà còn trải nghiệm các phương pháp trồng cây, ủ phân hữu cơ, chăm sóc cây xanh, qua đó tăng thêm mảng xanh tươi mát cho sân trường.

Tương tự, Trường Tiểu học Lê Văn Việt (quận 9) đang áp dụng là hệ thống vòi nước rửa tay lắp đặt tại các gốc cây xanh trong khuôn viên trường. Hệ thống sẽ tận dụng nước thải từ hoạt động rửa tay của học sinh thành nước tưới cây, giúp tiết kiệm nước một cách hiệu quả. Đặc biệt, nhiều trường có diện tích khuôn viên hạn chế đã tận dụng sân thượng, cải tạo các khu vực hành lang, đất trống để làm “Vườn cây của bé”, thực hiện công trình mảng xanh trên không...  

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, tính đến cuối tháng 1-2021, 100% cơ sở giáo dục từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung cấp, cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và đơn vị trực thuộc trên địa bàn TP đều có kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU (ban hành ngày 19-10-2018) của Thành ủy TPHCM về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” và Kế hoạch số 3098/KH-UBND (ngày 29-7-2019) của UBND TP về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2021. 

Theo các chuyên gia giáo dục, để hình thành và phát triển mô hình trường học xanh cần 3 yếu tố. Đó là xây dựng cơ sở vật chất, áp dụng chương trình giảng dạy và lan tỏa ý thức trong cộng đồng. Trong đó, việc thực hiện các hoạt động về truyền thông và bảo vệ môi trường cần được các trường thực hiện một cách thường xuyên, liên tục với nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, mang tính bền vững, ưu tiên trước hết các giải pháp tự nhiên và nguồn lực con người, sau đó mới đến công nghệ. Học sinh sau khi được giáo dục về ý thức và tinh thần trách nhiệm sẽ trở thành những hạt nhân tuyên truyền, lan tỏa lối sống xanh cho gia đình, bạn bè và cộng đồng xã hội.

Có thể thấy, trong xu hướng phát triển bền vững hiện nay, giải pháp trường học xanh được kỳ vọng góp phần khơi nguồn lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng. Trong đó, mục tiêu giáo dục ý thức cho học sinh được lồng ghép trong nhiều môn học, không quy định bằng bài kiểm tra, điểm số mà bắt nguồn từ những hành động nhỏ hàng ngày như không xả rác bừa bãi, hạn chế sử dụng ly uống nước, ống hút và túi nhựa sử dụng một lần, thay thế bằng các dụng cụ chứa nước bằng thủy tinh, ly giấy, túi giấy, các vật dụng bằng bằng tre, hướng đến mô hình “Lớp học không rác”, “Trường học không rác” và “Lễ hội không rác”. 

Tin cùng chuyên mục