Lan tỏa âm nhạc cổ điển trong đời sống xã hội

Những năm gần đây, Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) tổ chức thành công nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật. Hàng loạt đêm diễn cháy vé, khán giả phải xếp hàng mua vé vào xem. Đặc biệt, những đêm diễn Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu đang diễn ra, khán giả đến xem và ngồi chật khán phòng. 

Trong khuôn khổ Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu năm 2022, BTC liên hoan thực hiện buổi tọa đàm các vấn đề xung quanh sự tồn tại phát triển của loại hình âm nhạc cổ điển trong đời sống hiện nay, qua đó, đã ghi nhận ý kiến đóng góp của nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc cổ điển.

Âm nhạc cổ điển kén khán giả, luôn là câu chuyện khó với những người tổ chức. Theo PGS-NGND Hoàng Cương: “Vấn đề là chúng ta có sự định hướng và đầu tư phát triển loại hình nghệ thuật này như thế nào, sáng tạo cái mới để quảng bá và lan tỏa các tác phẩm âm nhạc cổ điển đến với công chúng cho hiệu quả. Thực tế, nhạc nào cũng có khán giả, thể loại nhạc nào thì có khán giả đó. Xưa, khi mới thành lập nhà hát, chương trình biểu diễn chỉ có 20 khán giả đến xem, trong khi nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu hơn 30 người. Nay, khán giả xếp hàng mua vé, đến xem chật khán phòng”. 

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cũng nhận định, phải tạo môi trường cho âm nhạc cổ điển sống với nhiều chương trình biểu diễn phong phú đậm chất Việt: “Cần thiết xây dựng các chương trình phục vụ người Việt và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Khi thực hiện các chương trình âm nhạc hàn lâm, cần Việt Nam hóa, nâng cao chất lượng, mời ngôi sao tham gia, vì hơn hết, âm nhạc có khả năng phổ cập rất rộng, có thể mang giá trị và nhận thức nghệ thuật đến từng khán giả”.

Rõ ràng, âm nhạc nào muốn phát triển cũng cần phải có khán giả, cộng đồng, vậy nên phải chú trọng thêm đến công tác giáo dục âm nhạc từ nhỏ cho con trẻ.

Chính vì vậy, để thúc đẩy và lan tỏa sâu rộng hơn nữa nghệ thuật âm nhạc hàn lâm, nhất thiết phải xây dựng chuỗi hòa nhạc cổ điển mang thương hiệu TPHCM, nâng chất các chương trình bằng việc mời gọi nhiều ngôi sao lĩnh vực nghệ thuật này cùng tham gia góp sức để tạo chất lượng cho các đêm diễn.

Với khán giả, nhất là công chúng trẻ, cần tạo điều kiện để các bạn tìm đến với chương trình, thử nghe, xem, thưởng thức để cảm nhận và tìm thấy sự yêu thích đối với các thể loại nghệ thuật từ âm nhạc thính phòng, múa ballet, nhạc kịch…

Anh Trần Ngọc, một khán giả yêu nhạc cổ điển, cho hay: “Tôi luôn mong TPHCM có một chuỗi hòa nhạc cổ điển mang thương hiệu riêng. Với một đô thị phát triển như TPHCM, đó là điều cần thiết. Không mấy bạn trẻ biết đến những tài năng của lĩnh vực âm nhạc này, trong khi họ nhớ tên không ít người từ gameshow, thậm chí tôn sùng quá đáng. Đó là điều bất công cho nghệ sĩ và dòng nhạc hàn lâm”. 

NSƯT Trần Vương Thạch, nguyên Giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch cho biết: “Dự án xây dựng nhà hát HBSO kéo dài mấy chục năm và hiện vẫn là dự án trên giấy. Trong khi đó, từ thành công của Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu, nếu chúng ta muốn xây dựng chuỗi hòa nhạc cổ điển mang thương hiệu TPHCM, cần thiết phải có điểm diễn thường xuyên và ổn định. Vì thế, TPHCM cần có nhà hát và các thiết chế văn hóa xứng tầm đô thị hiện đại của cả nước”.

Nhạc trưởng Trần Nhật Minh chia sẻ: “Nghệ thuật luôn dành cho tất cả mọi người. Việc thưởng thức nghệ thuật cũng giống như đi phượt vậy. Khán giả, nhất là các bạn trẻ không cần phải lo lắng khi chưa vào xem đã nghĩ loại hình nghệ thuật này khó nghe, khó hiểu, khó cảm nhận. Thay vào đó, nên dũng cảm đến với bất cứ loại hình nghệ thuật nào để thưởng thức, tìm hiểu và để yêu thích. Đặc biệt, sức mạnh của nhạc cổ điển chính là tự do tưởng tượng, tự do cảm xúc”. 

Tin cùng chuyên mục