Làn sóng nợ thứ tư tấn công các nước châu Phi

Hôm nay 10-2, lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) thảo luận về tình trạng nợ của các nước có thu nhập thấp. WB hồi tháng 1 vừa qua đã nâng mức cảnh báo đối với 11 quốc gia có thu nhập thấp liên quan tới nợ quá mức, thay vì 6 quốc gia trong năm 2015.
Công nhân làm việc tại Công ty giày quốc tế Huajian, thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Ảnh: CNN
Công nhân làm việc tại Công ty giày quốc tế Huajian, thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Ảnh: CNN

Tỷ lệ đáng ngại

Trong báo cáo, WB lo ngại về những rủi ro trượt dốc ở nhóm các quốc gia (27/30 nước) nằm ở khu vực hạ Sahara châu Phi. Theo đó, năm 2017 nợ trung bình của các nước thu nhập thấp đã vượt quá 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với khoảng 30% trong năm 2013. Một số nước có tỷ lệ tăng nợ rất mạnh như Gambia, từ 60% GDP lên 88% GDP trong 4 năm và dịch vụ nợ hiện chiếm 42% doanh thu của chính phủ; Mozambique nợ công tăng từ 50% lên 102% GDP trong giai đoạn 2013-2018. Theo WB, các nước khu vực này hiện đang mắc nợ quá mức hoặc đang trong quá trình trở nên mắc nợ quá mức. Những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các quốc gia đang có xung đột hoặc quá phụ thuộc vào tài nguyên, nguyên liệu thô. Rủi ro nợ ở các quốc gia có thu nhập thấp đang tăng lên. Mặc dù vốn vay có vai trò hiệu quả trong việc hỗ trợ nhiều nước đối phó với các nhu cầu phát triển quan trọng, nhưng tỷ lệ nợ so với GDP đang leo thang, và tỷ trọng nợ dồn về các nguồn vốn thị trường có chi phí cao.

Việc duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức thấp và ổn định như thời gian trước sẽ không còn dễ dàng đối với các quốc gia đang phát triển và quốc gia mới nổi. Các áp lực theo chu kỳ có vai trò quan trọng trong việc kìm hãm lạm phát suốt một thập niên qua đang dần biến mất. Trong khi đó, các nhân tố dài hạn hỗ trợ việc giảm lạm phát trong 5 thập niên qua như thương mại toàn cầu, hội nhập tài chính hay các chính sách tiền tệ mạnh mẽ cũng đã mất đà hoặc đảo chiều.

Chưa có giải pháp hiệu quả

Theo WB, điều mà các nền kinh tế này cần làm là đẩy mạnh huy động các nguồn lực trong nước, tăng hiệu quả quản lý nợ và đầu tư, đồng thời xây dựng các khung chính sách vĩ mô, tài khóa có khả năng kháng cự tốt hơn. Khu vực kinh tế phi chính thức đang chiếm khoảng 70% lực lượng lao động và 30% GDP ở các quốc gia đang phát triển và quốc gia mới nổi. Khu vực này gắn liền với năng suất lao động, doanh thu thuế thấp và tỷ lệ nghèo đói, bất bình đẳng cao…

Các biện pháp để cân bằng khu vực kinh tế chính thức và kinh tế phi chính thức có thể bao gồm giảm gánh nặng về thuế và chính sách, tăng khả năng tiếp cận tài chính, nâng cao chất lượng giáo dục, dịch vụ công và củng cố hệ thống thu chi ngân sách. Dù vậy, các biện pháp can thiệp của chính phủ chỉ có thể giúp giải quyết trong ngắn hạn nhưng nếu thực hiện trên diện rộng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đẩy giá lương thực, mà người nghèo là đối tượng chịu tác động mạnh mẽ nhất.

Giám đốc Nhóm dự báo viễn cảnh của WB, ông Ayhan Kose cho rằng thế giới đang chứng kiến làn sóng nợ thứ tư. Trong 50 năm qua đã có đến bốn làn sóng nợ. Làn sóng gần đây nhất, bắt đầu từ năm 2010, được coi là làn sóng tăng nợ lớn nhất, mạnh nhất và đồng loạt nhất trong cả bốn làn sóng. Các phương án chính sách nhằm giảm khả năng diễn ra khủng hoảng và giảm nhẹ tác động khi khủng hoảng xảy ra bao gồm xây dựng khung chính sách tài khóa và tiền tệ đảm bảo khả năng chống chịu, tạo cơ chế giám sát và quản lý nhà nước chặt chẽ, tuân thủ các thông lệ về quản lý nợ minh bạch.

Tin cùng chuyên mục