Lần đầu tiên triển khai kỹ thuật y học hạt nhân tại bệnh viện chuyên khoa Nhi

Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố thực hiện thành công kỹ thuật xạ hình thận để đánh giá tình trạng bệnh lý thận tắc nghẽn cho 5 bệnh nhi. Đây chỉ là một trong rất nhiều ứng dụng Y học hạt nhân trong chuyên ngành Nhi khoa, mở ra hướng phát triển chuyên sâu ngang tầm quốc tế cả trong chẩn đoán, điều trị và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Nhi khoa. 

Dự kiến trong hôm nay 7-3, bệnh viện sẽ tiếp tục thực hiện thêm hơn 10 ca xạ hình thận, xương.

Theo Bác sĩ Nguyễn Xuân Cảnh, cố vấn chuyên môn cho Đơn vị y học hạt nhân Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trước đây, đối với những bệnh nhi cần chẩn đoán, điều trị các bệnh liên quan đến kỹ thuật Y học hạt nhân, các bệnh viện nhi đều chuyển bệnh nhân qua Bệnh viện Chợ Rẫy để thực hiện, trung bình mỗi ngày 10 em.

Việc thành lập Đơn vị y học hạt nhân trực thuộc Khoa Ung bướu - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thì việc các em được chẩn đoán và điều trị ở bệnh viện nhi là rất thuận lợi. Việc đầu tư nguồn lực để triển khai ứng dụng Y học hạt nhân trong lĩnh vực Nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố sẽ mở ra hướng tiếp cận mới trong phát triển chuyên ngành Nhi khoa ngang tầm quốc tế. 

Với hai hệ thống thiết bị Y học hạt nhân hiện đại bao gồm máy SPECT và SPECT CT-Scaner, bệnh viện sẽ thực hiện được kỹ thuật xạ hình trong chẩn đoán các bệnh lý mà các bác sĩ chuyên khoa Nhi vốn còn gặp rất nhiều khó khăn trước đây như: xạ hình thận đánh giá viêm thận bể thận, trào ngược bàng quang niêu quản, thận đôi, thận móng, xạ hình xương, tuyến giáp, túi thừa Merkel, chẩn đoán các bệnh lý gan mật, não, tim, phổi và tuyến giáp…

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Xuân Cảnh, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như CT canner, MRI, X-quang, siêu âm… là những hình ảnh về giải phẫu, không thể hiện hình ảnh chức năng bệnh lý đang hoạt động của các cơ quan. Còn xạ hình là chẩn đoán chuyên sâu từng bệnh lý khưu trú của các cơ quan và cho biết chính xác chức năng các cơ quan đó hoạt động như thế nào, khả năng hoạt động ra sao... Nhờ đó giúp các bác sĩ để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

“Trước kia người ta thường lo ngại việc sử dụng thuốc phóng xạ ở trẻ em nhưng hầu hết các số kỹ thuật Y học hạt nhân chỉ gây ra liều chiếu xạ thấp hơn các kỹ thuật chụp tia X. Vì vậy người ta thường phải cân nhắc giữa mặt lợi và hại mà kỹ thuật chẩn đoán bằng phóng xạ đem lại cho trẻ em. Trong nhiều trường hợp việc áp dụng một số kỹ thuật Y học hạt nhân đã đem lại nhiều lợi ích cho lâm sàng nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân trẻ em”, bác sĩ Nguyễn Xuân Cảnh nhấn mạnh.

Ở Việt Nam hiện nay, nhiều bệnh viện tuyến trung ương như: Chợ Rẫy (TPHCM), Bạch Mai (Hà Nội), Quân đội 108 và nhiều bệnh viện khác, đã có khoa Y học hạt nhân đang phát triển mạnh, với nhiều thiết bị hiện đại như máy SPECT, SPECT-CT, PET-CT, máy gamma counter đang thực hiện những kỹ thuật định lượng miễn dịch phóng xạ, ghi hình, đem lại nhiều lợi ích trong y học trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị, và định lượng các nội tiết tố, nhất là trong ung thư học.

"Trước kia nói đến Y học hạt nhân người ta cũng chỉ nghĩ đến chẩn đoán trong ung thư tuyến giáp hoặc là chẩn đoán về đánh giá chức năng thận, hay là gần đây người ta nói về vai trò của y học hạt nhân trong ung thư. Tuy nhiên trong tương lai thực tế ở Khoa Y học hạt nhân Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, Y học hạt nhân sẽ được ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực khác nhau, phục vụ tốt hơn cho bệnh nhi trong TP và các tỉnh lân cận trong việc chẩn đoán chính xác các bệnh lý về thận, xương, gan, mật, tim phổi, não… và đánh giá chức năng hoạt động của các cơ quan này", bác sĩ Nguyễn Hoàng Mai Anh, Phó Trưởng Khoa Ung bướu - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết.

Tin cùng chuyên mục