Làm việc từ xa

Telework Day được Chính phủ Nhật Bản phát động nhằm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại của người lao động tới các cơ quan, công sở trong thời gian nước này đăng cai Olympic 2020. 
Quang cảnh vắng vẻ tại trụ sở một công ty ở Nhật Bản ngày 24-7, ngày làm việc từ xa đầu tiên được phát động ở nước này. Ảnh: JAPAN TIMES
Quang cảnh vắng vẻ tại trụ sở một công ty ở Nhật Bản ngày 24-7, ngày làm việc từ xa đầu tiên được phát động ở nước này. Ảnh: JAPAN TIMES
Trong chiến dịch Telework Day (Ngày làm việc từ xa) hay còn gọi là làm việc tại nhà diễn ra chỉ trong vòng một ngày vào tháng 7 vừa qua, đã có 60.000 người lao động tại hơn 900 công ty, tổ chức và các cơ quan công sở của Nhật Bản cùng hưởng ứng.
Chỉ tính riêng tại công ty NTT Data Corp, hơn một nửa nhân viên đăng ký tham gia chiến dịch này với 5.800 người. Trong số đó, một nửa làm việc tại nhà, số còn lại giảm thời gian đến văn phòng.
Telework Day được Chính phủ Nhật Bản phát động nhằm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại của người lao động tới các cơ quan, công sở trong thời gian nước này đăng cai Olympic 2020. Nhật Bản coi chiến dịch trên là bước thử nghiệm để chuẩn bị cho sự kiện thể thao lớn này. Không chỉ nhằm vào Olympic 2020, Telework Day cũng nhằm phục vụ một mục đích khác  là thay đổi văn hóa làm việc tại Nhật Bản. 
Đây vốn là một đề tài gây tranh cãi nhiều nhất từ trước đến nay. Người lao động Nhật Bản có thói quen làm việc trong thời gian quá dài, kể cả đã xong việc nhưng không ai dám rời văn phòng sớm hơn so với người khác.  Do dốc sức làm việc tại công ty nên họ không có thời gian cho gia đình, cho bản thân và dẫn đến tình trạng kiệt sức, đột tử hay tự tử. Kết quả một cuộc khảo sát của Chính phủ Nhật Bản mới đây cho thấy nhân viên của rất nhiều công ty làm thêm giờ đến hơn 80 giờ/tháng, ngưỡng bị coi như đe dọa đến sức khỏe con người.  
Đã có nhiều khuyến cáo cho rằng cái người Nhật Bản cần chính là tăng năng suất lao động cho mỗi giờ làm việc chứ không phải tăng số giờ làm việc nhưng hiệu quả làm việc không cải thiện bao nhiêu. Với phương thức làm việc từ xa, thay vì phải lao ra đường cho kịp giờ tới công sở, người Nhật Bản có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Trong những năm qua, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện các chính sách nhằm cắt giảm giờ làm việc, tăng lương cho những lao động theo hợp đồng và hạn chế tình trạng lạm dụng các điều luật về lao động. Con số thống kê của Chính phủ Nhật Bản cho thấy trong năm ngoái đã có 21.897 người tự tử. Con số này tuy giảm nhưng vẫn cao hơn so với các nước công nghiệp khác như Mỹ và Anh. Chính phủ Nhật Bản đề ra mục tiêu tới năm 2026 sẽ giảm được con số này xuống còn dưới 13/100.000 người. Phương thức làm việc từ xa được kỳ vọng sẽ giúp Chính phủ Nhật Bản sớm thực hiện được mục tiêu này.
Phương thức làm việc từ xa có nhiều lợi ích mang lại, nhưng không phải không có rủi ro trong quá trình thực hiện phương thức làm việc này. Trong trường hợp khi mạng thông tin không được thông suốt, sẽ gây ra những thiệt hại khó lường. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Takaichi Sanae, đúng ngày phát động phong trào tại tỉnh Akita cũng có một sở gặp rủi ro khi mạng thông tin bị đứt quãng.
Ngoài ra có một số tỉnh khác, một số cơ quan gặp sự cố tương tự. Hơn thế nữa, vấn đề quản lý người lao động như thế nào cũng được đặt ra trong khi thực hiện phương thức làm việc này. Nhân viên các công ty, cơ quan nhà nước chưa thực sự quen với phương thức này, bởi nó chỉ mới được áp dụng. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia đây vẫn là một hình thức mang lại hiệu quả tích cực trong công việc. Các nghiên cứu cho thấy nhân viên làm việc từ xa có xu hướng nghỉ giữa giờ nhiều hơn nhưng hiệu quả công việc lại tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục