Làm tình nguyện không phải để được ghi nhận

“A lô, ba ơi, hè này con ở lại thành phố đăng ký đi mùa hè xanh nghen ba?”. “Thôi thôi! Nhà mình đang trăm công ngàn việc, việc nhà, việc đồng, con không về giúp gia đình mà đi giúp ở tận đẩu tận đâu vậy con? Mùa hè xanh ở ngay nhà mình, quê mình chứ còn ở đâu nữa?”.
Sinh viên tham gia thi công công trình trong chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh
Sinh viên tham gia thi công công trình trong chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh
Đi hay về?

Cuộc nói chuyện qua điện thoại của H.V. (sinh viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM) với người cha đang tần tảo, vất vả ngoài quê, cũng gần giống câu chuyện của không ít bạn trẻ hiện nay khi mùa chiến dịch tình nguyện hè đang đến gần. Chỉ khác một điều, H.V. chọn về quê với “mùa hè xanh” bên gia đình, còn một số bạn trẻ bây giờ vẫn nằng nặc nhất quyết đòi ở lại TPHCM đi mùa hè xanh cho bằng được.

“Mình vừa gọi điện mắng thằng em họ một trận. Ở nhà mùa gặt, bố mẹ nó không có ai giúp, đến mình còn phải chạy qua phụ, thế mà nó thi xong ở lại Hà Nội để đi làm... sinh viên tình nguyện. Trên Facebook thì toàn đăng ảnh phượt, đi xem phim rạp, trà chanh chém gió. Đi tình nguyện là tốt, nhưng hãy nghĩ đến bố mẹ ở quê vất vả như thế nào. Đừng vì mấy tấm ảnh sống ảo trên Facebook mà để bố mẹ buồn”. Đoạn chia sẻ trên mạng xã hội của tài khoản H.T. và cậu em “mê tình nguyện” những ngày qua đã làm dấy lên những ý kiến trái chiều xung quanh việc sinh viên tình nguyện không thích làm việc nhà, giúp gia đình mà chỉ thích đi “giúp đỡ” người khác. Bạn Nguyễn Thị Thùy T. (quận Thủ Đức), nói: “Tôi thấy người này nói đúng. Bạn trẻ trong phần chia sẻ đúng kiểu việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng. Nói chung tình nguyện cũng tốt nhưng hãy lo cho gia đình mình trước đã rồi lo cho xã hội sau”. 

Còn Võ Thị Ánh Ngọc (cựu sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, hiện công tác tại Bệnh viện Hùng Vương), cho rằng đi tình nguyện không sai và không nên chỉ nhìn vào một trường hợp để quy chụp tất cả: “Đó chỉ là một phần nhỏ thôi. Bản thân mình thấy chỉ khi bạn có nhiệt huyết cống hiến, đóng góp sức trẻ thì mới tham gia thôi, chứ không đơn giản chỉ a dua. Đi tình nguyện là xác định chịu cực khổ, thiếu thốn chứ không sung sướng như ở nhà mình”. 

Giữa rất nhiều bình luận trái chiều, cũng có một vài ý kiến phân tích rõ ràng. Trong đó, chị Trần Thúy Liễu (32 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH KHXH-NV TPHCM), người có “thâm niên” tham gia các hoạt động tình nguyện, chia sẻ: “Theo tôi, hoạt động tình nguyện bản chất là tốt và đáng được phổ biến trong giới trẻ. Nó khơi dậy sự chia sẻ của người trẻ, giúp họ trưởng thành và biết ý thức trách nhiệm với bản thân, xã hội. Tất nhiên, môi trường nào cũng có những cá nhân có quan điểm hơi chút lệch lạc, chẳng hạn như đi tình nguyện vì ham vui, tham gia cho biết, hoặc mục đích cá nhân nào đó. Nhưng tôi nghĩ, ít nhiều bản thân các bạn ấy sẽ trở nên hữu ích, suy nghĩ rộng mở hơn và biết đâu sẽ quan tâm gia đình hơn nữa”. 

Còn anh Dương Thành Thông (cựu sinh viên Trường ĐH KHXH-NV TPHCM), nêu ý kiến: “Nguyên nhân là do khác biệt trong cách nhìn nhận vấn đề. Người tình nguyện cần xác định rằng, tình nguyện không phải là ban phát cho người nhận, mà cũng là tự hoàn thiện, tự rèn luyện mình. Khi đó nhận thức của xã hội sẽ thay đổi, phụ huynh sẽ không bao giờ thấy rằng con cái mình làm những việc vô bổ, rỗi hơi. Việc chỉ trích (nếu có) là do các bạn trẻ chưa làm cho dư luận hiểu rõ ý nghĩa. Tâm thế của người tình nguyện là cống hiến, không cần thiết phải được ghi nhận, nên nếu sợ người khác không biết và hiểu lầm những điều mình làm thì không nên làm tình nguyện”. 

Nặng hình thức, trọng thi đua 

Mùa hè - mùa tình nguyện lại đến. Câu hỏi tham gia tình nguyện hay không và tham gia như thế nào để hiệu quả cho chính bản thân và xã hội, lại được đặt ra. Không phải cứ rầm rộ, đông đảo là hiệu quả; mà việc nâng chất hoạt động tình nguyện luôn là yêu cầu cấp thiết.

Đã từng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện hè, anh Dương Thành Thông cho rằng, cần có sự thay đổi quyết liệt trong cách làm tình nguyện: “Phải tạo điều kiện để sinh viên cho đi cái họ giỏi nhất; tức là gắn chuyên môn của họ với công việc, khai thác tối đa khả năng của người tình nguyện. Cho cái mà người dân cần, xã hội cần, đừng cho cái mà người ta không cần. Ngoài ra, cần có những dự án dài hơi, không phải chỉ đến hè mới làm tình nguyện và gói ghém trong mấy tuần. Ví dụ như dạy tiếng Anh, hiệu quả chắc chắn không thể như ý nếu chỉ trong vài tuần. Do đó cần những dự án dài, không nhất thiết phải hiện diện đông đảo như kiểu “chiến dịch” qua rồi thôi. Cuối cùng, cải tiến thêm bộ máy chỉ huy các dự án. Việc tổ chức hiện nay theo tôi là chưa tốt, mang nặng tính hình thức, hành chính nên cần chuyên môn hóa các bộ máy để sâu sát hơn trong chỉ đạo, điều hành”. 

“Mỗi phong trào tình nguyện phải xác định được đúng nội dung cần làm là thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội tại địa phương, đơn vị mình”. Đó là ý kiến của nhiều người từng làm công tác tình nguyện. Anh Trần Văn Thông (28 tuổi, Bệnh viện Ung bướu TPHCM) góp ý thêm: “Từ việc xác định đúng nội dung đó, sẽ có những hoạt động mang đúng ý nghĩa mà xã hội cần. Rồi đa dạng các hình thức và phương thức tổ chức để thu hút thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên vừa tham gia tình nguyện theo lĩnh vực chuyên môn vừa đảm bảo các hoạt động khác. Ngoài nhân rộng các mô hình hay còn phải chỉ ra các yếu kém phải khắc phục, chứ không thể chỉ tổng kết rồi khen thưởng các loại”.

Tình nguyện là một việc làm đáng trân trọng và cần phát huy. Nhưng làm tình nguyện cũng cần được nâng chất theo xu thế chung của xã hội. Nếu tình nguyện cũng nặng hình thức, trọng thi đua và phải đông mới vui, thì sẽ làm mất đi ý nghĩa cao đẹp của hoạt động này.

Tin cùng chuyên mục