Làm sạch thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản ấm lại từ năm 2016, nhưng bên cạnh thị trường chính quy lại xuất hiện một thị trường bát nháo, thông qua những “dự án ma” để lừa lọc lấy tiền người dân. Những tháng cuối năm 2019, cơ quan điều tra đã tóm gọn hàng loạt kẻ chuyên đẻ “dự án ma” để lừa đảo. 

Cụ thể, ngày 19-12-2019, Cơ quan Cảnh sát Điều tra tỉnh Bình Thuận đã khởi tố và bắt tạm giam giám đốc Công ty Địa ốc Hưng Thịnh Phát về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Công ty này mở bán 10 dự án mang tên “Khu dân cư cao cấp” tại tỉnh Bình Thuận, với hàng trăm nền đất, thu tiền khách hàng từ TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai... Tất cả chỉ là đất nông nghiệp, chưa hề có văn bản chấp thuận đầu tư theo quy định của pháp luật. Sự việc vỡ lở khi tháng 11-2019, rất nhiều khách hàng đã kéo đến chi nhánh của công ty này tại TP Phan Thiết (trụ sở chính tại quận 9, TPHCM) để đòi lại tiền.

Tại TPHCM, vào cuối tháng 11-2019, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM đã bắt tạm giam Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư bất động sản Hoàng Kim Land để điều tra về “Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Công ty này đã ký kết các hợp đồng chuyển nhượng đất nền tại các dự án không có thật tại huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận 12. 

Đến thời hạn nhận đất theo hợp đồng đã hứa, công ty không có nền đất để giao khách hàng và cũng không có tiền trả lại, nên bị khách hàng tố cáo đến các cơ quan chức năng. Trước đó, vào đầu tháng 11-2019, cơ quan điều tra cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty Angel Lina, để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vẽ 9 “dự án ma” trên khắp địa bàn TPHCM, lãnh đạo Công ty Angel Lina chiếm đoạt khoảng 285,6 tỷ đồng và cơ quan điều tra đã tiếp nhận đơn tố giác của 200 bị hại. Đình đám nhất vẫn là Công ty Alibaba trùm “dự án ma”, mà một số lãnh đạo công ty này đã bị cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam hồi tháng 9-2019.

Mặc dù cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã có một số giải pháp tích cực nhưng thực tế các công ty vẽ “dự án ma” đã để lại hệ lụy cho xã hội không hề nhỏ. Họ thu nhiều ngàn tỷ đồng, trong đó không ít sử dụng vào hoạt động nuôi bộ máy, thuê văn phòng, quảng cáo, mua sắm, tiêu xài... Việc người dân có lấy lại đủ số tiền đã bỏ ra không còn phải chờ kết quả xét xử và khắc phục hậu quả của các đối tượng lừa đảo, nhưng dự báo không hề đơn giản. Có thể thấy, sự vào cuộc của cơ quan chức năng chậm hơn so với hành động của đối tượng lừa đảo, giống như “mất bò mới lo làm chuồng”! Tiếp nữa, dư luận đang chờ câu trả lời vì sao các công ty làm “dự án ma” lại có thể tồn tại, tung hoành ngang dọc một thời gian dài? Tại sao nhiều địa phương không quyết liệt từ đầu trước khi cơ quan điều tra ra tay, khi có sự xuất hiện của “dự án ma”, như: cắm bảng thông báo tại khu đất khẳng định không có dự án, đưa thông tin lên trang web của chính quyền và các cơ quan truyền thông để người dân nắm rõ.

Dọn dẹp sạch sẽ sự bát nháo của thị trường bất động sản, không để những công ty lừa đảo có đất sống, hạn chế người nghèo bị mất tiền oan uổng là việc phải làm, làm nhanh. Thế nhưng, thị trường đang tồn tại nghịch lý: thị trường chính quy với giá nhà trên mây mà ngay cả người có thu nhập khá cũng không thể với tới, còn nhà ở xã hội thì lại xây dựng một cách nhỏ giọt. Từ đó, “dự án ma” giá rẻ đã nảy nòi, đánh vào tâm lý muốn có “mảnh đất cắm dùi”. Vì vậy, cơ quan công quyền cần triển khai nghiêm túc chương trình nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp; xóa bỏ những thủ tục phi lý để xây dựng nhanh chóng hàng loạt dự án nhà ở xã hội đã có quy hoạch. Đây cũng chính là giải pháp tổng thể, giải quyết giấc mơ an cư cho người nghèo, vừa dẹp “dự án ma”, vừa góp phần không nhỏ trong việc điều tiết thị trường!

Tin cùng chuyên mục