Làm rõ trách nhiệm về hơn 3.000 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí ​

Báo cáo giám sát nêu yêu cầu “làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu có liên quan và thực hiện các giải pháp khắc phục đối với 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước trong giai đoạn 2016-2021 có thất thoát, lãng phí”. Báo cáo Quốc hội việc xử lý các vi phạm tại kỳ họp thứ 6 năm 2023. 

Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn 2016-2021” do Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày tại phiên họp toàn thể sáng 31-10 nêu yêu cầu “làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu có liên quan và thực hiện các giải pháp khắc phục đối với 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước trong giai đoạn 2016-2021 có thất thoát, lãng phí”.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Nhiều kiến nghị quan trọng đã được nêu rõ trong Báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP giai đoạn 2016-2021”. Trong đó có yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu có liên quan và thực hiện các giải pháp khắc phục đối với 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước trong giai đoạn 2016-2021 có thất thoát, lãng phí; 74.378,7ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất…

Báo cáo được trình bày tại phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng nay, 31-10.

Đánh giá khái quát công tác thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP giai đoạn 2016-2021, Đoàn giám sát ghi nhận nhiều kết quả tích cực và cho rằng công tác này đã song hành với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước và thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi kinh tế trong các năm 2020-2021.

Làm rõ trách nhiệm về hơn 3.000 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí ​ ảnh 2 Các vị ĐBQH tham dự phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG 

Mặc dù vậy, kết quả giám sát cũng cho thấy việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP còn nhiều tồn tại, hạn chế; trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất đi cơ hội phát triển.

Nêu ra những kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan trung ương, Đoàn giám sát yêu cầu trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 phải hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP giai đoạn 2016-2021; làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước khác, tài sản công, đất đai, khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên khác; quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực công phát hiện đến thời điểm báo cáo và trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu.

Trước mắt, cần tập trung xử lý 52 dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả; 21 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn vướng mắc và 908 dự án, công trình có khó khăn, vướng mắc không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng.

“Báo cáo Quốc hội kết quả rà soát, thống kê thông tin, số liệu và việc xử lý các vi phạm tại kỳ họp thứ 6 năm 2023”, báo cáo giám sát nêu rõ.

Trong năm 2022 và năm 2023, công tác hoàn thiện các cơ chế, chính sách sẽ được đẩy mạnh, trong đó, đáng lưu ý là nhiệm vụ rà soát và đẩy nhanh lộ trình cải cách các chính sách thuế.

Cụ thể, trong năm 2023, hoàn thành việc rà soát lại toàn bộ việc miễn, giảm, giãn, hoàn thuế… xử lý bằng công văn, quyết định hành chính không đúng thẩm quyền; tăng cường chống chuyển giá trong các doanh nghiệp FDI; kịp thời thu hồi và giải quyết dứt điểm các trường hợp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trong quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; tập trung xử lý các khoản nợ đọng thuế bảo đảm quyền lợi nhà nước và các nhà đầu tư, bảo đảm mặt bằng cho môi trường đầu tư kinh doanh; tạo chuyển biến trong xử lý các khoản nợ đọng tiền thuế và tổ chức tổng kết đánh giá kết quả xử lý nợ đọng tiền thuế.

Cùng với đó là chỉnh lý, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; quản lý biên chế, vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực, bảo đảm phù hợp với từng vùng, miền. Các quy định về định mức học sinh/lớp, giáo viên/lớp tại các bậc học; định mức viên chức y tế/giường bệnh, viên chức y tế/giường bệnh…

Tin cùng chuyên mục