Làm rõ khái niệm “biển số đẹp”

Qua tổng hợp các ý kiến thảo luận dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, hầu hết các ý kiến đều bày tỏ tán thành việc triển khai thí điểm. 

Nhưng triển khai cụ thể thế nào? Chiếm số lượng nhiều thứ 2, chỉ sau các ý kiến bày tỏ tán thành, là nhóm ý kiến về lựa chọn biển số đưa ra đấu giá. Nhiều ý kiến nhất trí với quy định biển số đưa ra đấu giá là biển ô tô nền trắng chữ đen. Nhiều ý kiến đề nghị mở rộng thí điểm đấu giá cả biển số ô tô nền vàng chữ đen (xe hoạt động kinh doanh vận tải) và mở rộng đấu giá cả biển số mô tô, xe gắn máy. Có ý kiến đề nghị có danh mục biển số độc, lạ để đưa ra đấu giá nhằm tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước; không phát hành các biển số xấu theo quan niệm dân gian (có số cuối 49, 53…).

Đáng lưu ý, có hàng chục ý kiến đề nghị làm rõ khái niệm “biển số đẹp”. Bên cạnh những biển số được thừa nhận rộng rãi là “đẹp” (tứ quý, lộc phát…), một loại biển số có người mong muốn sở hữu như: ngày tháng năm sinh của bản thân, kỷ niệm ngày cưới…, nhưng nếu bấm số ngẫu nhiên thì cơ hội trúng rất thấp. 

Nếu nhìn nhận như thế, hẳn là không nên giới hạn chỉ đấu giá một số biển số nhất định. Nên chăng mở rộng cánh cửa kho số có thể sử dụng để mọi người lựa chọn những con số mong muốn và quy định về trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người trả giá để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Cùng với đó, phương thức đấu giá trực tuyến, trả giá lên sẽ là phù hợp để người dân trên phạm vi cả nước tham gia một cách thuận tiện nhất…

Sẽ còn nhiều điều phải quy định. Song trên thực tế, gần 15 năm trước, một số địa phương (như Nghệ An...) đã thí điểm thành công, thu về hàng tỷ đồng, tạo nguồn thu cho Quỹ Vì người nghèo. Lần này, sau khi cân nhắc, cơ quan lập pháp đã quyết định thí điểm với sự thận trọng cần thiết, hy vọng một chủ trương hợp lòng dân sẽ sớm đi vào cuộc sống. 

Tin cùng chuyên mục