Làm rõ hơn nữa vai trò, quyền hạn cơ quan thanh tra

Thanh tra Chính phủ (TTCP) đang nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến để tiến hành sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Thanh tra năm 2010. Liên quan tới vấn đề này, Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (TTCP). 

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, qua gần 10 năm triển khai, Luật Thanh tra năm 2010 có những hạn chế gì? 

- Ông ĐINH VĂN MINH: Luật Thanh tra được Quốc hội thông qua ngày 15-11-2010 và có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2011. Qua gần 10 năm triển khai, luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, luật cũng bộc lộ một số hạn chế, gây khó khăn vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra. 

Làm rõ hơn nữa vai trò, quyền hạn cơ quan thanh tra ảnh 1  Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ. 

Bất cập, hạn chế rõ nhất là tổ chức, bộ máy các cơ quan thanh tra nhà nước hiện nay dàn trải, phân tán và thiếu thống nhất. Mặc dù được tổ chức từ Trung ương đến địa phương nhưng hoạt động thanh tra thiếu sự chỉ đạo điều hành thông suốt. Các cơ quan thanh tra ở bộ, ngành, địa phương gần như lệ thuộc vào cơ quan quản lý cùng cấp, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra.

Quá trình thực hiện cho thấy, sự chỉ đạo của cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên trở nên hình thức, kém hiệu quả, chủ yếu thông qua việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm, sơ kết, tổng kết và hướng dẫn về nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi nâng ngạch...

Thực tế nêu trên dẫn đến việc kiểm soát các hoạt động trong toàn ngành trở nên khó khăn và xuất hiện những tiêu cực, vi phạm xảy ra thời gian gần đây tại một số cơ quan thanh tra bộ, ngành, địa phương. 

Cùng đó, sự phân định về phạm vi thanh tra, sự phân biệt giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, giữa thanh tra chuyên ngành và kiểm tra thường xuyên theo chức năng quản lý nhà nước không rõ ràng, khiến hoạt động thanh tra, kiểm tra trở nên dày đặc, gây bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra.

* Thưa ông, tình trạng không hoàn thành kế hoạch thanh tra diễn ra khá phổ biến. Vì sao vậy?

- Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do cơ quan thanh tra phải thực hiện nhiều cuộc thanh tra ngoài kế hoạch. Với lực lượng khá mỏng về số lượng và không thực sự tinh nhuệ về chất lượng, khi có các cuộc thanh tra đột xuất do cấp trên giao, cơ quan thanh tra phải tạm hoãn hoặc đẩy lùi các cuộc thanh tra theo kế hoạch.

Tình trạng này ngày càng nhiều (có năm đến hơn 60% là các cuộc thanh tra ngoài kế hoạch). Phần lớn các cuộc thanh tra ngoài kế hoạch đụng chạm đến những vụ việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, đòi hỏi sự tập trung nhiều thời gian, nhân lực của cơ quan thanh tra.

Bên cạnh đó, các cuộc thanh tra quá thời hạn cũng khá phổ biến, mà sự chậm trễ chủ yếu ở giai đoạn ban hành kết luận thanh tra (theo quy định là 15 ngày kể từ khi có báo cáo kết quả thanh tra của đoàn thanh tra đối với tất cả các cuộc thanh tra). Đây có thể coi là “căn bệnh kinh niên” của ngành thanh tra, rất khó khắc phục.

Nguyên nhân ngoài sự hạn chế về năng lực còn xuất phát từ sự phụ thuộc của cơ quan thanh tra vào cơ quan quản lý, khó có thể bảo đảm tính độc lập tương đối, tính khách quan vốn là yêu cầu không thể thiếu trong hoạt động thanh tra.

* Hoạt động thanh tra đang có sự chồng chéo, ví dụ trong một số lĩnh vực, Kiểm toán Nhà nước cũng có những hoạt động “thanh tra” giống với Thanh tra Chính phủ?

- Sự chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước là tồn tại khó khắc phục. Kiểm toán Nhà nước là công cụ kiểm soát việc sử dụng tài chính công và tài sản công nên có phạm vi rộng lớn.

Luật Kiểm toán Nhà nước vừa được sửa đổi, bổ sung cũng theo hướng tăng cường hoạt động kiểm toán như một công cụ kiểm soát của cơ quan quyền lực nhà nước để thực hiện quyền giám sát tối cao của mình. Với vị thế là một thiết chế hiến định, một cơ quan của Quốc hội, thì chương trình, kế hoạch kiểm toán hàng năm khó có thể thay đổi. Vì thế, các cố gắng phối hợp trong quá trình xây dựng kế hoạch cũng như thực tiễn hoạt động chỉ là giải pháp tình thế, không căn cơ cho vấn đề này.

* Luật Thanh tra hiện hành đang xác định mục đích, nguyên tắc chung cho thanh tra hành chính và chuyên ngành để tăng “sức mạnh”, “không bỏ sót” các dấu hiệu vi phạm. Nhưng điều này cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế. Quan điểm của TTCP như thế nào?

- Hoạt động thanh tra chuyên ngành hiện nay thực chất là hoạt động kiểm tra thường xuyên đã bị “thanh tra hóa”. Thanh tra chuyên ngành hiện nay chủ yếu là phát hiện và xử lý vi phạm với đối tượng là các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội để bảo đảm trật tự quản lý.

Trong khi đó, thanh tra hành chính hướng vào việc chấn chỉnh cơ chế quản lý và bảo đảm thực hiện công vụ, sự chấp hành pháp luật trong các cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.

Chính vì vậy, Luật Thanh tra xác định mục đích, nguyên tắc chung cho cả 2 loại hình thanh tra hành chính và chuyên ngành là điều bất hợp lý. Điều đó dẫn đến những lộn xộn về mặt tổ chức của thanh tra bộ, ngành.

* Vậy hướng sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra mới sẽ như thế nào?

- Luật sẽ thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Việc sửa đổi phải tập trung làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan thanh tra; tạo bước đổi mới về tổ chức và hoạt động thanh tra; tăng cường tính chủ động, tính tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Bên cạnh đó, dự thảo luật lần này phải đáp ứng yêu cầu đồng bộ với cải cách tư pháp, với đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra của Đảng; bảo đảm phối hợp có hiệu quả giữa các công cụ giám sát, thanh tra, kiểm tra của bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Các cơ quan thanh tra sẽ được tổ chức theo hướng tinh gọn, hoạt động thực sự hiệu quả, hiệu lực, trở thành một thiết chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, thực hiện công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần chấn chỉnh, hoàn thiện cơ chế quản lý, xây dựng một nền công vụ liêm chính và phục vụ, phù hợp với yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính và hành động hiện nay. 

* Xin cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục