Làm rõ các quyền của chủ rừng

Chiều 7-6, Quốc hội thảo luận tại các tổ ĐBQH về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng sửa đổi (được Chính phủ đề xuất đổi tên thành Luật Lâm nghiệp).

Tại tổ ĐBQH TPHCM, các ý kiến nhận định, dự thảo Luật đã phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp.

Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, chỉnh sửa về phạm vi điều chỉnh, phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong việc quản lý để được rõ hơn, tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tương thích với điều ước quốc tế liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng mà Việt Nam là thành viên.

Đáng lưu ý, nhiều ý kiến bày tỏ quan tâm đến khái niệm “chủ rừng”, cũng như quyền sở hữu và một số quyền khác của chủ rừng. ĐB Trương Trọng Nghĩa nhận xét: “Nói chủ rừng sở hữu rừng thì chắc là nói đến cây cối trên đất rừng thôi, chứ không phải bao gồm cả đất, vậy phải có định nghĩa thế nào cho chính xác, việc khai thác cũng cần phải quy định cụ thể hơn. Sinh cảnh và các loài vật quý hiếm trên đó thì có thuộc sở hữu của chủ rừng không”. Đồng tình quy định những hành vi bị cấm trong dự thảo Luật, nhưng ông Nghĩa đề nghị rà soát để đảm bảo bao quát hết những hành vi làm tổn hại đến rừng.

ĐB Dương Ngọc Hải thì băn khoăn về quy định “kinh doanh” rừng và cho rằng ở đây khái niệm này hàm ý “làm dịch vụ và khai thác, chứ đất rừng thì không thể đem bán được”.  Cùng quan điểm bảo vệ tối đa diện tích đất rừng, ĐB Ngô Tuấn Nghĩa nhất trí với quan điểm của Ban soạn thảo không quy định “người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất, cho thuê đất để phát triển rừng” là chủ rừng; đồng thời hạn chế các trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. ĐN Ngô Tuấn Nghĩa phát biểu: “Những quy định về khai thác kinh doanh lâm sản phải giữ được kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc, là những người trực tiếp giữ rừng và có cuộc sống gắn bó hữu cơ với rừng”.

Liên quan đến dự án Luật Thủy sản sửa đổi, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, dường như dự luật đã “bỏ quên” vai trò của Bộ Y tế, cơ quan quản lý nhà nước đầu mối về an toàn thực phẩm. Bà Lan nói: “Từng đã có việc Bộ Nông nghiệp cho phép sử dụng tới 50 loại kháng sinh trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm, trong khi Bộ Y tế chỉ cho phép chưa tới 20 loại. Phải có sự thống nhất giữa hai Bộ này mới đảm bảo được an toàn thực phẩm đối với thủy hải sản”.

Tin cùng chuyên mục