Làm nông thời công nghệ

Khi chiếc drone (máy bay không người lái) lần đầu cất cánh, mang theo dưới bụng bình phân bón bay chấp chới trên cánh đồng, bà con nông dân ở Đồng Tháp Mười cứ xuýt xoa, trầm trồ. Đến giờ, hình ảnh này đã trở nên quen thuộc với nông dân vùng này.
Trình diễn máy bay không người lái bón phân cho đồng ruộng. Ảnh: SAO NAM
Trình diễn máy bay không người lái bón phân cho đồng ruộng. Ảnh: SAO NAM

1.Nông nghiệp công nghệ cao giờ đây không còn là khái niệm xa lạ với đồng ruộng miền Tây Nam bộ nữa. Cách đây 3 năm, khi Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ (Tổng Giám đốc Công ty Rynan AgriFoods) trình diễn kỹ thuật quản lý thông tin nguồn nước bằng điện thoại thông minh, ai cũng thấy bất ngờ. Nhưng giờ đây, với mạng lưới quan trắc nước thông minh đã được xây dựng ở một số vùng, nông dân thông qua điện thoại di động có thể biết được thông tin về nước sông. Hơn thế, mạng lưới giám sát sâu rầy thông minh sẽ giúp nông dân biết sắp tới có loại sâu rầy nào, mật độ ra sao… Tại trang trại của mình, người quản lý có thể quan sát, điều khiển hệ thống tưới, bón phân, gia giảm ánh sáng chỉ bằng phần mềm trên điện thoại đi động, điều mà lâu nay người nông dân không thể tưởng tượng đến. 

Ông Nguyễn Hồng Quang, Chủ tịch Công ty cổ phần Nông trại sinh thái Ecofarm (Đồng Tháp), cho biết, trang trại của ông có hơn 30.000m2 nhà màng, với đầy đủ hệ thống tưới nước điều khiển tự động theo công nghệ Israel, trồng dưa lê, dưa lưới, các loại hoa cảnh và phục vụ hoạt động du lịch trải nghiệm. Du khách có thể quan sát các hoạt động sản xuất như: thụ phấn hoa, nhân giống hoa, thu hoạch dưa, các hoạt động của hệ thống tưới nước, dinh dưỡng tự động, nuôi ong mật...

Không chỉ doanh nghiệp, những năm gần đây, các tỉnh, thành trong vùng rất chú trọng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để thay đổi chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho nông dân. Một trong những địa phương đi đầu về tư duy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp là Đồng Tháp. Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết, tư duy sản xuất nông nghiệp là lấy sản lượng làm mục tiêu, còn tư duy kinh tế nông nghiệp là lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu. Giá trị gia tăng đó là “tiền tươi, thóc thật” nằm lại trong túi nông dân. Tư duy sản xuất nông nghiệp là bán cái mình có, tư duy kinh tế nông nghiệp là bán cái thị trường cần (bao gồm giá trị, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiện ích). Vì thế, nhiều năm trở lại đây, Đồng Tháp đã áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất để đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp. Tại An Giang, ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết, từ năm 2015 đến nay, An Giang đã đầu tư trên 90 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN các lĩnh vực, bao gồm 70 đề tài KHCN cấp tỉnh, 116 đề tài cấp cơ sở và 50 dự án ứng dụng tiến bộ KHCN; trong đó khoảng 50% phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh và khu vực ĐBSCL. Trong lĩnh vực nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tỉnh đã quan tâm đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch cho mặt hàng nông sản chủ lực như công nghệ sấy lạnh bảo quản xoài Ba Màu (Chợ Mới), công nghệ sấy năng lượng mặt trời cho bánh phồng (Phú Mỹ), các đối tượng dược liệu...

2.Cuộc chuyển đổi sang nông nghiệp công nghệ cao của vùng bước đầu thu về những kết quả đáng phấn khởi. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các địa phương tích cực huy động nhiều nguồn lực vào nông nghiệp, tạo đột phá cho ngành thế mạnh của mình. Tỉnh Bạc Liêu đã đưa vào hoạt động khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với diện tích 418,91ha, tổng mức đầu tư hơn 3.217 tỷ đồng. Đây là nơi phát triển tôm Bạc Liêu hướng tới mục tiêu làm hạt nhân tác động, dẫn dắt và nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh, vùng bán đảo Cà Mau, ĐBSCL và cả nước. Đồng thời, là nòng cốt, động lực để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Với quy mô 5.200ha, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang được xem là trung tâm KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, là đầu tàu quan trọng để đưa kết quả ươm tạo, nghiên cứu vào sản xuất. Các phân khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nơi đây sẽ cho ra những sản phẩm chủ lực địa phương. Hiện nay Long An đã cơ bản hình thành vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao với 10 hợp tác xã và 30 tổ hợp tác trong vùng đề án, trong đó 4 hợp tác xã đã làm điểm để triển khai nhân rộng trên địa bàn các huyện, thị xã và hiện có khoảng 1.500ha đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau (đạt 72% kế hoạch của đề án).

Làm nông thời công nghệ ảnh 1 Khu nuôi tôm công nghệ cao ở Bạc Liêu.  Ảnh: SONG HỶ
Với vai trò là đầu mối hỗ trợ các địa phương tiếp cận công nghệ 4.0 và ứng dụng KHCN vào sản xuất ở ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh cho biết, để hình thành chuỗi liên kết sản xuất các sản phẩm chủ lực của vùng, vai trò của các doanh nghiệp đầu đàn rất quan trọng. Chuỗi giá trị của các sản phẩm chủ lực ở ĐBSCL cũng cần được định vị lại, gắn với định hướng quy hoạch vùng nguyên liệu, hình thành các mô hình tổ chức sản xuất để triển khai ứng dụng KHCN đồng bộ. Theo Bộ NN-PTNT, cơ hội đầu tư vào nông nghiệp vùng ĐBSCL còn rất lớn. Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ, ưu đãi thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao thông qua miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao... Thời gian tới, Bộ NN-PTNT tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao cho vùng ĐBSCL. 

Tin cùng chuyên mục