Làm mới hạt gạo miền Tây

Xuất khẩu gạo Việt Nam đang tăng về số lượng nhưng lại giảm về giá trị. Trong bối cảnh xuất khẩu gạo ngày càng cạnh tranh khốc liệt, việc “làm mới” hạt gạo để đáp ứng nhu cầu các thị trường khó tính được xem là cách tiếp cận cấp bách hiện nay của hạt gạo Việt Nam.

9 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam khoảng 5,2 triệu tấn, đạt giá trị 2,24 tỷ USD, tăng 5,9% về khối lượng nhưng giảm 9,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

“Giá gạo giảm nguyên nhân chủ yếu do tác động chung của mặt bằng giá gạo thế giới. Năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ có thể đạt khoảng 6 triệu tấn - khó có thể đạt ngưỡng xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo như mong muốn của Bộ NN-PTNT”, ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng giám đốc Công ty Gentraco, cho biết.

Theo các chuyên gia lúa gạo, nhu cầu gạo hạn chế do thị trường toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi thương mại, suy thoái và đồng USD tăng giá làm hạn chế sức mua.

Hiện Philippines đứng đầu về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Về chủng loại xuất khẩu, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 47% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 39,8%; gạo nếp chiếm 7,2% và gạo Japonica, gạo giống Nhật chiếm 5,7%.

Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, phân tích: Những năm gần đây, diện tích gieo trồng các nhóm giống lúa thơm, đặc sản và giống lúa chất lượng cao liên tục được gia tăng và giảm dần nhóm giống lúa có chất lượng trung bình và thấp. Tuy nhiên, giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn thấp so với của các nước lân cận. Hiện tại, các giống lúa thơm, đặc sản chủ lực của Việt Nam cho xuất khẩu vẫn tập trung ở nhóm giống Jasmine 85.

Tuy nhiên, chất lượng gạo không ổn định do chất lượng nguồn giống và đặc điểm mùa vụ nên khó cạnh tranh với các giống lúa mùa thơm, đặc sản của Thái Lan hay Campuchia. Ngoài ra, việc kiểm soát quy trình canh tác và truy xuất nguồn gốc cũng là một bất lợi cho việc gia tăng giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nhận định: “Chương trình “tái cơ cấu ngành lúa gạo” được coi như một giải pháp căn bản, toàn diện để xử lý vấn đề khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam đang bị suy giảm”.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Việt Nam cần tập trung nghiên cứu chọn tạo và phát triển các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm có giá trị và khả năng cạnh tranh cao, chống chịu tốt với sâu bệnh điều kiện bất thuận (mặn - hạn - úng). Quan tâm phục tráng giống và phục hồi sản xuất các giống lúa địa phương, lúa đặc sản để đáp ứng phân khúc thị trường có nhu cầu chất lượng cao. Tăng cường ứng dụng công nghệ hỗ trợ và máy móc trong sản xuất, chế biến, bảo quản và đóng gói sản phẩm gạo, nâng cao chất lượng khả năng cạnh tranh của sản phẩm; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất, chế biến, đóng gói sản phẩm gạo tại các vùng sản xuất gạo thương hiệu Việt Nam. Đầu tư xây dựng phòng kiểm định chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn quốc tế; thúc đẩy áp dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Quan trọng hơn là đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị nghiên cứu để tiếp nhận, quảng bá các giống lúa mới có phẩm chất tốt ra thị trường và duy trì sự ổn định của chất lượng giống và lúa hàng hóa trong vùng nguyên liệu”, đề xuất “làm mới” hạt gạo ở miền Tây của nhiều chuyên gia là điều rất cần được cơ quan chức năng có liên quan xem xét.

Tin cùng chuyên mục