Làm lợi tiền bạc và thời gian cho dân

Trong 2 nhiệm kỳ Chính phủ gần đây, công tác cải cách hành chính (CCHC) đặc biệt được thúc đẩy để đáp ứng sự phát triển, cũng là để góp phần chống tiêu cực, sách nhiễu, nhất là tham nhũng vặt. Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ do Thủ tướng làm Trưởng ban, cho thấy tầm quan trọng của công tác này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo số liệu của Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ, ngay từ năm 2020, khi thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 3.893 thủ tục đăng ký kinh doanh (đạt 63%); 6.776 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành (đạt 68%) thì chúng ta đã tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương 6.300 tỷ đồng/năm.

Đến năm 2021, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ dù trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp: đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.101 quy định kinh doanh; đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 924 quy định và sửa đổi, bổ sung 166 văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 7 bộ. Chỉ số về cải thiện chất lượng các quy định pháp luật năm 2021 trong bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới đánh giá tăng 6 bậc.

Hiện nay, việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại bộ phận một cửa các cấp (thông qua trung tâm phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa tại các bộ ngành, địa phương) ngày càng được cải thiện theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch. Đến nay, người dân, doanh nghiệp đã dần quen với việc thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công qua mạng một cách nhanh gọn, tiện lợi hơn. Như trong lĩnh vực thuế, theo Bộ Tài chính, hiện đã có tới gần 100% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử và sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế. Ở nhiều địa phương, trên 90% doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Bộ Tài chính đặt mục tiêu năm 2022, tối thiểu 30% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó…

Tuy nhiên, công tác CCHC vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới và mong muốn của người dân, doanh nghiệp. Vẫn còn những băn khoăn về “giấy phép con”, vẫn còn đó những phàn nàn: “thủ tục hành chính = hành là chính”… Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu năm 2022 phải tạo ra được bước đột phá trong CCHC, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân và doanh nghiệp để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh.

Vừa qua, một số cơ quan, trong đó có Bộ GD-ĐT đã rà soát, bỏ các văn bằng, chứng chỉ quy định không cần thiết, tránh hình thức, tiêu cực, việc này được dư luận và xã hội đồng tình, ủng hộ. Như vậy, nếu bộ, ngành, địa phương nào cũng bám sát thực tiễn, cái gì thực sự cần thì đưa vào quy định, quy trình, tiêu chuẩn, cái gì không cần thì dứt khoát bỏ… thì sẽ rất lợi cho người dân. Để CCHC thực chất, cần tập trung triển khai số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hướng tới người dân chỉ phải cung cấp thông tin, giấy tờ một lần. Kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu đối với ngành hải quan, thuế, ngân hàng… để người dân, doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần, góp phần giảm chi phí. Nói cách khác, làm sao để ở thời đại 4.0 này, người dân chỉ cần một cái nhấp chuột trên máy tính, hoặc chỉ đến đúng 1 điểm để làm hồ sơ là có thể hoàn tất thủ tục hành chính. 

Khi làm được những điều này, chúng ta không chỉ làm lợi tiền bạc, thời gian cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, mà còn tinh gọn được tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao năng lực, hiệu quả, điều hành, thực hiện công vụ và tất nhiên, sẽ góp phần chống tiêu cực, sách nhiễu, đặc biệt là tham nhũng vặt - vốn rất gây bức xúc trong nhân dân.

Tin cùng chuyên mục