Làm giàu từ “sa mạc cát”

Sau hàng thập niên chòi đạp với đói nghèo, những năm gần đây, rất nhiều nông dân ở xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã tiếp cận những mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, phất lên làm giàu. Những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều hộ dân nơi đây tất bật xuất chuồng hàng ngàn con gà, vịt; chuyển cả ngàn chậu mai đưa ra thị trường phục vụ tết. 

Nuôi gà, trồng mai

Những ngày này, trang trại gà trên 6ha của nông dân Phạm Văn Tam nằm giữa vùng “sa mạc cát” của xã Võ Ninh chộn rộn thương lái vào ra. Hàng ngàn con gà đến lứa đang được xuất chuồng phục vụ dịp tết. Đó là thành quả sau thời gian dài khai phá, chịu thương chịu khó, quyết chí làm giàu của vợ chồng ông Tam.

“Hồi mới lấy vợ ra ở riêng, hai vợ chồng có được ít đất lập nghiệp nhưng như dã tràng xe cát. Đổ bao mồ hôi, nước mắt mà trồng cây gì cũng không hiệu quả, kiếm miếng ăn nuôi 4 đứa con thật khốn đốn. Trồng trọt không đủ ăn, vợ chồng chuyển qua chăn nuôi. Trước thì nuôi ít lợn, sau thấy nuôi gà cho kinh tế khá hơn nên dần dà xây dựng chuồng trại quy mô”, ông Tam nói.

Sinh ra từ vùng cát, ông Phạm Văn Tam chăm bẵm từng con gà để có một nông trại trù phú như hôm nay. Với mô hình trang trại gà hiệu quả, ông tận tình chỉ dẫn cho những hộ khác để cùng thoát nghèo. Ông liên tục cập nhật, chia sẻ các kỹ thuật chăn nuôi mới lên Internet để quảng bá, tìm bạn hàng, đối tác.

Nhờ vậy mà mỗi năm, trang trại gà của ông Tam thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi. Năm 2020, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích nỗ lực vươn lên trong khó khăn để làm giàu, là nông dân điển hình tiên tiến đi lên từ hai bàn tay trắng.

Làm giàu từ “sa mạc cát” ảnh 1 Nông dân Phạm Văn Tam biến sa mạc cát thành trang trại

Giữa cánh đồng thôn Tiền (xã Võ Ninh) là “đảo mai” hơn 5.000m2 đang vào vụ thu hoạch bán phục vụ tết của nông dân Phạm Văn Thuận (62 tuổi). Từ chỗ mua vài gốc mai từ Cần Thơ về trồng chơi, nay ông Thuận đã ươm trồng được cả ngàn gốc, mỗi năm thu về vài trăm triệu đồng.

“Tôi thuở nhỏ nhà nghèo, bố mất sớm, mẹ tảo tần nuôi 6 anh chị em ăn học. Dừng việc đèn sách, tôi ở nhà làm ruộng nhưng mê cây cảnh nên sưu tầm nhiều cây lạ, mua đi bán lại. Sau đó thấy cây mai đẹp, hợp thổ nhưỡng nên thuê đất của xã trồng, vừa thỏa đam mê, vừa cho thu nhập khá”, ông Thuận kể.

Ông Phạm Xuân Thiết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Võ Ninh, cho hay: “Hiện vườn mai của ông Thuận là mô hình tốt, vì nhu cầu người chơi mai ngày mỗi tăng do kinh tế phát triển hơn trước đây, dịp tết càng nhiều người chơi hơn”. 

Theo ông Phạm Xuân Thiết, không chỉ nông dân lớn tuổi mà nhiều thanh niên trong xã cũng học hỏi mô hình, mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở trang trại. Điển hình như nông dân Trương Công Minh (38 tuổi) với mô hình nuôi ốc bươu đen, ngan đen, gà kiến rất thành công.

“Làng làm nghề nông thì mình phải theo nghề một cách cần cù, cuộc sống mới vươn lên được. Than khó hoài không tiến bộ lên được, tuột lại phía sau thì chỉ vợ con khổ”, Trương Công Minh thổ lộ và cho biết vừa sắm được ô tô bán tải gần 1 tỷ đồng phục vụ cho công việc.

“Bí quyết” thoát nghèo

Ông Phạm Xuân Thiết tâm sự: “Bây giờ nông dân xã Võ Ninh được đánh giá đi đầu cả huyện trong canh tác bền vững. Từ vùng quê ruộng chỉ làm một vụ thì nay ruộng đã làm 2 vụ. Sa mạc cát gần 2.000ha hoang hóa nay biến thành nhiều trang trại nổi tiếng, vừa chăn nuôi vừa làm nhà màng trồng dưa lưới, các loại hoa quả hữu cơ cung cấp cho cả tỉnh và nhiều thị trường khác. Nhờ đó mà nông dân giàu lên”.

Theo ông Nguyễn Duy Tiễn, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh, trước đây, ruộng của bà con nhỏ xíu, khó canh tác hiệu quả nên chính quyền xã vận động người dân dồn điền đổi thửa, đưa máy móc vào, thâm canh tăng vụ nên năng suất cao.

“Đất trên cát hay đất sình lầy cũng nên giao cho dân thửa lớn. Bà con mạnh dạn vay vốn đầu tư thì cát hay sình lầy đều cho ra tiền bạc”, ông Tiễn nói về “bí quyết” thoát nghèo của nông dân quê mình. 

Chủ trương đúng, nên từ chỗ nghèo nhất huyện, đến nay Võ Ninh vươn lên là xã giàu nhất huyện.  “Võ Ninh có 6 thôn thì có 638 nhà 1 tầng trị giá 1,5 tỷ đồng/nhà trở lên; nhà 2 tầng có 557 căn xây mới, kiến trúc đẹp; nhà cấp 4 kiên cố có 1.093 nhà. Bây giờ nông dân không chỉ là nông dân mà còn làm dịch vụ thương mại nên về lâu dài, bà con còn phát triển bền vững trên các trụ cột nông nghiệp sạch và kinh doanh dịch vụ với mạng lưới rộng khắp khu vực miền Trung”, ông  Nguyễn Duy Tiễn chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục