Làm giàu từ cây có múi

Sau nhiều năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây có hiệu quả kinh tế thấp sang cây có múi cho sản lượng, giá trị kinh tế cao, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác xã (HTX), cá nhân làm giàu từ chính mảnh đất trước đây trồng cao su, khoai mì; nếu trước đây thu nhập chỉ ở mức vài chục triệu đồng/ha/năm, nay đã tăng lên hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.
Ông Trần Thành Có, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và trồng trọt Nhân Đức, bên vườn cam ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương
Ông Trần Thành Có, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và trồng trọt Nhân Đức, bên vườn cam ở xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương

Thu nhập cao

Chúng tôi ghé thăm vườn bưởi trĩu quả của anh Lê Minh Sang (39 tuổi, ngụ xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) đúng vào dịp thu hoạch bưởi bán cho các siêu thị và xuất sang Trung Quốc. Anh cho biết: “Gia đình có khoảng 10ha đất nông nghiệp, trước đây chủ yếu trồng các giống cây ngắn ngày, doanh thu trên mỗi hécta khoảng 40 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, thuê mướn nhân công thì thu nhập rất thấp. Từ năm 2015, huyện thành lập HTX Tân Mỹ và gia đình tôi tham gia đầu tiên, sau đó có thêm 20 thành viên khác, nâng tổng diện tích canh tác của HTX lên 61ha với cây trồng chính là bưởi da xanh. Tính trung bình mỗi hécta cho thu hoạch khoảng 40 tấn bưởi/năm, với giá bán hiện tại là 30.000 đồng/kg thì doanh thu mỗi năm đạt khoảng 1,2 tỷ đồng, trong đó chi phí sản xuất là khoảng 200 triệu đồng/ha”. 

Ông Lâm Thành Thương có vườn cam thuộc diện lớn nhất tỉnh Bình Dương với hơn 120ha cho lợi nhuận hàng chục tỷ đồng chia sẻ về cách trồng cam cho năng suất cao, ông Thương bộc bạch: “Vùng đất này màu mỡ và thoáng khí, có cao độ tốt, dễ áp dụng phương pháp dùng tấm bạt ni lông phủ lên những liếp cam, tạo khô hạn tạm thời, rồi tưới nước giúp cây ra hoa, kết trái nghịch mùa. Nhờ vậy, nông dân chủ động cho trái bất kỳ thời điểm nào trong năm nên bán được giá cao, không sợ được mùa mất giá”.

Để có được thành quả trên, các hộ dân, hội viên HTX đã vượt qua những khó khăn ban đầu về nguồn vốn và kỹ thuật nhân giống, chăm sóc. Từ chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ cho vay tối đa cho mỗi HTX là 7,5 tỷ đồng và mỗi cá nhân là 850 triệu đồng, lãi suất 0,43%/năm giúp các hộ dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, học cách chăm sóc theo hướng dẫn của kỹ sư trồng trọt, hình thành những vườn bưởi, cam liền khoảnh rộng lớn, xanh tốt. Điển hình như HTX Tân Mỹ hiện nay đã có 17ha bưởi cho thu hoạch đều, doanh thu đạt mức 20 tỷ đồng/năm và sau 5 năm tham gia HTX trồng bưởi, các thành viên đã trả xong khoản vay ngân hàng, có gia đình đã đầu tư mua thêm đất canh tác, sửa sang nhà cửa, mua được xe tải và ô tô. 

Gắn với du lịch sinh thái

Từ nhiều năm trước, UBND tỉnh Bình Dương đã chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất với quy trình khép kín, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển cây ăn quả, nhất là cây có múi. Diện tích cây ăn trái có múi như cam, bưởi da xanh, quýt và chanh dây không hạt trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, hình thành nên những vùng sản xuất tập trung tại các huyện Bắc Tân Uyên, thị xã Tân Uyên, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng. Báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương cho thấy, diện tích cây có múi trên địa bàn tỉnh hiện là gần 3.900ha, chiếm 54,9% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh, tăng 3,6% so với năm 2019; sản lượng ước đạt gần 38.000 tấn, tăng 11,7% so với năm 2019. Huyện Bắc Tân Uyên là vùng trồng cây có múi chủ lực (chiếm 62%) và có lợi nhuận cao nhất, từ 800 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm với nhiều thương hiệu trái cây nổi tiếng như: cam Bắc Tân Uyên, bưởi Bắc Tân Uyên, quýt Bắc Tân Uyên. 

Tại những vùng được quy hoạch phát triển cây có múi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, người dân được khuyến khích tiếp tục đầu tư, nhân rộng mô hình có sự hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt bảo vệ thực vật tỉnh Bình Dương, thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác, chăm sóc, giới thiệu địa chỉ cung cấp giống tin cậy, có chứng nhận đạt chuẩn và theo hướng đẩy mạnh việc sản xuất theo chuỗi có sự gắn kết từ sản xuất đến tiêu thụ thông qua việc hình thành các tổ hợp tác, HTX, đặc biệt là các HTX kiểu mới với vai trò liên kết sản xuất đảm bảo truy nguyên nguồn gốc, kết nối các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ sản phẩm, tăng niềm tin cho khách hàng, tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu. 

 Hiện nay, cây ăn quả đã được Sở NN-PTNT Bình Dương quy hoạch là nhóm cây trồng ưu tiên phát triển theo hướng tăng diện tích, năng suất, sản lượng; hình thành các vùng sản xuất tập trung có ứng dụng công nghệ cao, suất đầu tư thấp, lợi nhuận cao và bền vững. Theo định hướng đến năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển tổng diện tích cây ăn quả lên khoảng 10.300ha, trong đó diện tích cây có múi khoảng 4.140ha; phát triển thành vùng chuyên canh cây ăn quả tại các huyện phía Bắc (Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng…) và các vùng cây ăn quả đặc sản gắn với du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé.

Tin cùng chuyên mục