Làm giàu nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Tại TP Đà Nẵng, quá trình đô thị hóa nhanh đã kéo theo diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Sự vào cuộc một cách quyết liệt của địa phương cùng với sự nỗ lực của bản thân đã giúp nhiều nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Trừ hết các khoản chi phí, mỗi tháng, cơ sở nấm của gia đình anh Tùng, chị Thảo thu lãi từ 30-35 triệu đồng
Trừ hết các khoản chi phí, mỗi tháng, cơ sở nấm của gia đình anh Tùng, chị Thảo thu lãi từ 30-35 triệu đồng

Ứng dụng công nghệ “xóa” lệ thuộc thời tiết

Từ hỗ trợ của Sở KHCN, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các cấp và sự nỗ lực của bản thân, vợ chồng anh Đào Huy Tùng và chị Lê Thị Phương Thảo (quản lý trại nấm Huy Tùng, ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) đã thành công với mô hình trồng nấm rơm công nghệ cao, mang về nguồn thu nhập ổn định.

Theo anh Tùng, tất cả các dòng nấm phụ thuộc rất lớn vào thời tiết và là dòng sản phẩm “thuần sạch”, hoàn toàn tự nhiên. Sở dĩ nấm rơm luôn neo ở mức giá cao bởi nhiệt độ tại địa phương thường xuyên thay đổi rất dễ gây sốc nhiệt cho nấm. Đáng chú ý hơn, nấm rơm là sản phẩm dùng ngay. Sau khi thu hoạch nếu không sử dụng trong 24 giờ, dù bảo quản tốt, nấm vẫn chuyển màu từ trắng đục sang nâu đậm trên thân. Chính vì vậy, dù các địa phương có thể sản xuất được nấm rơm và giá thành thấp cũng không thể đưa về TP Đà Nẵng để tiêu thụ.

Từ suy nghĩ ấy, 2 vợ chồng mạnh dạn vay vốn mở rộng cơ sở sản xuất, áp dụng kỹ thuật và công nghệ cao vào trồng nấm với phương pháp canh tác mới. Một nhà xưởng sản xuất rộng khoảng 450m² với kinh phí 650 triệu đồng được dựng lên. Đó là kết quả của 3 năm tìm tòi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm từ thất bại.

Làm giàu nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ảnh 1 Ứng dụng công nghệ giúp giữ nhiệt độ luôn ở mức 30 - 35°C tạo điều kiện thuận lợi cho nấm rơm sinh trưởng tốt

Hiện tại gia đình anh Tùng đang có 8 phòng nấm (diện tích 35m² mỗi phòng), thiết kế trồng theo tầng để tối ưu hóa diện tích sử dụng. Mỗi phòng thiết kế sử dụng khoảng 600kg nguyên liệu và cho ra khoảng trên dưới 90kg nấm rơm thành phẩm và sản xuất 1 vụ/tháng, thời gian còn lại để khử khuẩn, làm sạch phòng. Đối với lượng bã thải trồng nấm sau mỗi vụ thu hoạch, anh Tùng ủ để làm phân bón hữu cơ và bán ra thị trường với giá rẻ.

Thu hoạch và bán đúng 2 ngày là mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Sản phẩm làm ra được bỏ sỉ tại chợ đầu mối Hòa Cường (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) và luôn ở tình trạng cung không đủ cầu.

Trung bình mỗi tháng, trại nấm của anh Tùng sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 700kg nấm rơm chất lượng cao. Trừ mọi chi phí gồm chi phí kỹ thuật, 2 lao động thường xuyên, 3 lao động thời vụ, mỗi tháng, trại nấm mang về cho anh Tùng từ 30 - 35 triệu đồng.

Để người dân “sống” với mô hình

Tương tự mô hình trồng nấm rơm như gia đình anh Tùng và chị Thảo, hiện các mô hình nấm Bào ngư, Linh chi,... mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, cải thiện đời sống, nhất là đưa thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, gắn liền với thực tiễn nông nghiệp đô thị.

Nấm rơm trồng từ 12 đến 15 ngày là có thể thu hoạch

Sau khi tiếp nhận quy trình, cán bộ Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở KHCN Đà Nẵng) thường xuyên cải tiến, hoàn thiện quy trình nhằm nâng cao tính ứng dụng, tính hiệu quả khi áp dụng tại địa phương. Trên cơ sở các quy trình đã cải thiện, Trung tâm tiến hành xây dựng các mô hình trồng nấm thương phẩm tại nhiều điểm thích hợp trên địa bàn. Ngoài việc sản xuất các loại nấm thương phẩm, đây là mô hình phục vụ công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ và mở rộng mô hình sản xuất nấm cho các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nấm.

Đến nay, Trung tâm phối hợp với Hội Nông dân, Phòng NN-PTNT và các đơn vị liên quan hỗ trợ chuyển giao nhiều quy trình kỹ thuật vào sản xuất nấm theo hướng nông nghiệp đô thị như: công nghệ sản xuất giống nấm có hệ số nhân và thời gian nhân giống tối ưu; công nghệ nuôi trồng tăng năng suất, chất lượng của nấm... với 19 lớp tập huấn cho gần 500 lượt nông dân, chuyển giao và hỗ trợ 9 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở KHCN Đà Nẵng) thường xuyên cải tiến quy trình nhằm nâng cao tính ứng dụng, tính hiệu quả khi áp dụng tại địa phương

Bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH-CN Đà Nẵng cho biết, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là một hướng đi mới, thiết thực đối với nhiều địa phương trong quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Trong đó, TP Đà Nẵng cũng là một địa phương không ngoại lệ khi triển khai được nhiều mô hình có giá trị thực tiễn cao. Tuy nhiên, để mang lại hiểu quả sau khi dự án kết thúc thì đòi hòi người dân luôn có nhu cầu tiếp cập kiến thức mới, sẵn sàng thay đổi để thích ứng cũng như đầu tư vốn lớn hơn thông thường.

“Sự vào cuộc một cách quyết liệt của chính quyền địa phương và các sở ngành liên quan là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần tạo nên sự hiệu quả của mô hình. Ngoài hỗ trợ kinh phí thông qua vay vốn, cần chú trọng bổ sung cơ chế bảo hộ và tiêu thụ sản phẩm địa phương; tăng cường các lớp tập huấn theo dạng “cầm tay chỉ việc” cũng như triển khai nhiều mô hình trình diễn, bởi chỉ có “mắt thấy, tai nghe, tay sờ” thì người dân mới tin tưởng và mạnh dạn đầu tư”, bà Hậu cho hay.

Tin cùng chuyên mục