Làm được gì sau khi học?

Trăn trở này không chỉ có tôi mà rất nhiều phụ huynh. Dù chương trình mới hay cũ, điều quan trọng nhất là ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Môn tiếng Việt theo tinh thần là dạy cho học sinh 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho thành thạo nhưng không ít lần tôi bắt gặp những lá đơn xin phép đầy lỗi chính tả, chữ viết cẩu thả, dấu chấm, dấu phẩy loạn xạ của những em học sinh dù đang học ở cấp 2.

Dường như hiện nay, vấn đề chữ viết của học sinh chưa được quan tâm đúng mức. Tôi nhớ những ngày đi học, các thầy cô giáo rất chú trọng đến việc rèn chữ viết cho học sinh. Tư thế cầm viết, ngồi vào bàn thế nào để không mỏi tay, hoa mắt. Đặc biệt là phải dùng bút bơm mực thì nét chữ mới được chỉnh chu. Một bài chính tả có thể được viết đi, viết lại nhiều lần để nhớ những từ khó cũng như để nét chữ được cứng cáp hơn. Có nhiều lúc đầu óc mệt mỏi, tay lấm lem mực nhưng trong lòng thì vui vô cùng vì được thầy cô khen là cân đối và đúng chính tả.

Tôi và bạn bè của mình luôn cố gắng luyện tập bởi vì viết không rõ ràng và sai chính tả thì sẽ bị trừ điểm.

Bây giờ, trẻ con phải học nhiều môn hơn ngày xưa nên có ít thời gian luyện chữ viết chăng? Các em cũng đã bắt đầu làm quen với cây viết bi. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân làm cho nét chữ mất đi vẻ đẹp chân phương của nó?  Ngày xưa, chúng tôi phải viết những bài tập thầy cô cho về nhà để làm và xem đây là dịp để rèn luyện chữ viết của mình. Bây giờ, mọi việc đã có trong sách bài tập, tài liệu photo với những dòng chừa trống bên dưới để làm bài, học sinh chỉ cần điền vào đó là xong!

 Xã hội hiện đại, việc dạy và học cũng được nhiều thiết bị hỗ trợ hơn nhưng nét chữ dần mất đi cái hồn của nó. Hàng năm vẫn có những cuộc thi Văn hay chữ tốt hay Vở sạch chữ đẹp nhưng chỉ dành cho học sinh khá, giỏi và được các thầy cô bồi dưỡng theo kiểu luyện gà chọi. Đại bộ phận còn lại thì cứ vô tư với chữ viết của mình. Các em viết theo kiểu văn nói hàng ngày hay dùng ngôn ngữ mạng, có đôi lúc còn dùng những từ ngữ mà chỉ có các em mới hiểu và ít quan tâm đến vấn đề chính tả đúng hay sai.

“Con cá này làm thế nào cho sạch vậy mẹ ?" – Một lần, đến thăm nhà một người bạn, chợt nghe con gái của chị - Một cô bé học lớp 10 hỏi chị như thế. Lần khác, khi đi dã ngoại cùng gia đình, tôi chứng kiến 2 cô cậu đang ở độ tuổi teen cứ  loay hoay với nồi cơm nửa sống nửa chín và cuối cùng là đem bỏ đi!

Quả thật, có những việc hết sức đơn giản nhưng nhiều cô cậu bé đang ở độ tuổi mới lớn không thể nào làm được. Ở góc độ xã hội, tôi gọi những cô cậu bé này là những đứa trẻ nhiều tuổi bởi vì cách ứng xử của các em cho thấy rằng các em còn thiếu những kỹ năng sống cần thiết ở lứa tuổi của mình.

Những bài học về kỹ năng qua những hoạt động học tập, trải nghiệm chưa được các em thẩm thấu một cách nghiêm túc. Có em còn được cha mẹ cho tham gia những câu lạc bộ, trại hè … với mục đích tích lũy thêm kinh nghiệm cho bước đường đời sau này, tuy nhiên đâu lại vào đấy khi các em trở về nhà! 

Nhiều cô cậu thành thạo trong việc sử dụng mạng xã hội nhưng không biết làm thế nào để chuẩn bị một bữa ăn cho gia đình hay sửa chữa những vật dụng hư hỏng trong nhà.

Bộ môn Giáo dục thể chất trong nhà trường chỉ đơn thuần là giảng dạy các động tác, bài tập liên quan đến từng phân môn thể thao chứ ít chú trọng đến vấn đề bảo vệ sức khỏe khi tham gia thể  thao. Việc thiếu giáo viên chuyên trách am hiểu về những kiến thức y sinh học để nâng cao sức khỏe và thành tích của người tập cũng như định hướng cho học sinh chọn lựa môn thể thao thích hợp ảnh hưởng đến việc rèn luyện và nâng cao thể chất cho học sinh.

Đó là chưa kể việc cơ sở vật chất phục vụ tập luyện chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản, có nhiều khi phải tập "chay ". Đa số các tiết thể dục trong tuần chỉ giúp cho học sinh thư giãn, giải tỏa áp lực học tập chứ không thể coi là tập luyện thể thao, rèn luyện sức khỏe đúng nghĩa. Chỉ vì được luyện tập một cách máy móc nên giờ học thể dục chưa thực sự tạo được sự hứng khởi cho học sinh cũng như hiệu quả tích cực của việc làm thế nào để chơi thể thao đúng cách lan tỏa đển cộng đồng .

Môn Âm nhạc đã được giảng dạy tại bậc tiểu học, trung học cơ sở và theo lộ trình thực hiện chương trình mới bậc trung học phổ thông cũng sẽ thực hiện môn năng khiếu này. Ở góc độ chuyên môn, tôi cho rằng các giáo trình soạn thảo hiện nay quá hàn lâm với lý thuyết, nhạc lý mà quên đi tính quần chúng của âm nhạc hay nói đúng hơn là hướng học sinh đến với âm nhạc theo cách dân gian thường làm – Dạy cho các em biết hát những ca khúc  theo kiểu bắt chước trước khi hiểu thế nào là cao độ, trường độ, dấu thăng, dấu giáng … Khi học sinh mệt mỏi với những kiến thức âm nhạc bác học, cảm hứng để hát cũng dần dần tan biến và mất đi. Có quá lời không khi nói rằng : Âm nhạc hiện nay đang thiếu những ca khúc hay cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng.

Ngày xưa, có những thế hệ nhạc sĩ yêu trẻ con, gần gũi và đồng cảm vì thế luôn có những sáng tác đi vào lòng người : Chiếc đèn ông sao của Phạm Tuyên, Trường làng tôi của Phạm Trọng Cầu hay Em là hoa hồng nhỏ của Trịnh Công Sơn… Đời sống âm nhạc hiện nay dường như có sự không công bằng khi nhạc trẻ, nhạc giải trí được phổ biến nhiều hơn, lực lượng sáng tác những thể loại này và người nghe cũng nhiều hơn và chính những yếu tố như thế ảnh hưởng đến việc cảm thụ và thẩm thấu âm nhạc của trẻ. Có những thí sinh lứa tuổi thiếu niên lại vô tư hát những ca khúc của người lớn tại những cuộc thi trên truyền hình và những lời nhận xét có cánh của ban giám khảo vô tình làm cho các thí sinh và ngay cả khán giả cùng trang lứa hay thậm chí là các bậc cha mẹ ngộ nhận rằng điều đó là đúng và thế là việc bắt chước hát theo cũng xuất phát từ đây.

Có rất nhiều điều đáng nói trong việc giáo dục trẻ tại nhà trường hiện nay. Người lớn sẽ có lỗi nếu để trẻ tiếp nhận kiến thức một cách thụ động mà không vận dụng được nhiều vào cuộc sống với những kiến thức chỉ nằm trên sách giáo khoa mà không được tương tác hiệu quả với môi trường bên ngoài. Định hướng và lan tỏa cái hay, cái đẹp theo tâm sinh lý lứa tuổi là một việc rất cẩn thiết để trẻ có được những kỹ năng sống cần thiết cho chính mình và phục vụ tích cực cho cộng đồng chứ không phải là những con điểm đẹp làm tiêu chí cho những thành tích ghi nhận trên giấy hiện nay.

Tin cùng chuyên mục