Lạm dụng vitamin: Coi chừng rước bệnh

Với tâm lý ăn thật nhiều đồ bổ, uống thật nhiều vitamin để tăng sức đề kháng, nhất là trong mùa dịch Covid-19, không ít người dân đã lạm dụng các loại vitamin, thực phẩm chức năng không cần thiết. Trên thị trường đã xuất hiện hàng loạt sản phẩm vitamin hỗ trợ tăng sức đề kháng, tiếp thị đến từng nhà thuốc, mạng xã hội làm hoa mắt người tiêu dùng.
Theo nhiều chuyên gia y tế, nên cung cấp vitamin từ các nguồn thực phẩm tự nhiên. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo nhiều chuyên gia y tế, nên cung cấp vitamin từ các nguồn thực phẩm tự nhiên. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Lạm dụng thái quá

Thời gian gần đây, số trẻ em nhiễm Covid-19 tại TPHCM tăng cao khiến không ít phụ huynh tỏ ra lo lắng, bất an. Nhiều gia đình bắt con uống các loại thực phẩm chức năng, vitamin hỗ trợ tăng đề kháng, gây ra tình trạng loạn đồ bổ.

Chị Trần Thị Thành (phường 11, quận Gò Vấp) có 2 con 8 và 10 tuổi đều mắc Covid-19, cháu liên tục sốt, ho và nôn sau khi ăn. Gia đình lo lắng nên tìm thuốc điều trị, nước bù điện giải, thuốc hạ sốt, mua trên mạng thực phẩm chức năng bổ sung vitamin C, kẽm, giúp tăng đề kháng từ nước ngoài giá 500.000 đồng/hộp. “Tôi không rõ công dụng thuốc có như quảng cáo hay không, người ta tư vấn thế nào tôi cho con uống như vậy. May mắn sau 7 ngày điều trị, sức khỏe 2 cháu đã ổn định”, chị Thành chia sẻ.

Sau khi khỏi Covid-19, em L.H.Y. (9 tuổi, ở quận 7, TPHCM) luôn trong tình trạng sút cân, chán ăn. Khi phát hiện con mắc Covid-19, ngoài tăng cường ăn rau củ quả, đồ bổ, chị H.T.Y.N., mẹ bé Y. còn cho uống thêm 1.000mg vitamin C mỗi ngày. Đến khi bé có dấu hiệu chán ăn, sút đến 7kg trong 1 tháng, cơ thể luôn mệt mỏi thì cả nhà mới tá hỏa, đưa bé đến khoa dinh dưỡng của một phòng khám ở quận 7. “Nghe nói sau khi nhiễm Covid-19, sức khỏe sẽ giảm sút, tôi lên mạng tìm hiểu kinh nghiệm chăm con. Ngoài 3 bữa chính, tôi cho con ăn thêm nhiều bữa phụ như trái cây, sữa, yến, đông trùng hạ thảo, đặc biệt uống đủ các loại vitamin mới tốt”, chị N. kể.

Sáng 22-3, chúng tôi tìm đến một số nhà thuốc trên địa bàn quận Gò Vấp, Tân Bình, TP Thủ Đức… hỏi mua thuốc điều trị Covid-19. Tại nhà thuốc T.V.C., đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, ngoài bán thuốc, nhân viên còn tư vấn thêm một số vitamin C viên sủi và viên nén, thực phẩm chức năng chiết xuất thảo dược, hỗ trợ tăng sức đề kháng, giảm nhiễm khuẩn đường hô hấp, bổ phổi… có giá từ vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng.

Ngoài ra, ăn theo dịch bệnh, mạng xã hội cũng xuất hiện hàng loạt tài khoản bán các loại vitamin, thực phẩm chức năng. Trong vai người cần tư vấn cách để tăng sức đề kháng cho trẻ, chị T.L., ngụ quận 12, giới thiệu với chúng tôi loại siro có tên G.K, xuất xứ từ châu Âu có tác dụng bổ sung vitamin A và C cho trẻ giúp tăng cường sức đề kháng, trẻ ăn ngon, hạn chế mắc cúm và các bệnh hô hấp. Chị L. cho biết: “Chỉ cần cho trẻ uống 1 lần/ngày vào buổi sáng hoặc tối là sẽ phát huy tối đa tác dụng”.

Phải theo chỉ định bác sĩ

Theo BS CK1 Phan Thị Hiền Thu, Khoa Nhi, Bệnh viện (BV) Quốc tế Hạnh Phúc TPHCM, vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, giúp chống lại các bệnh thường gặp như nhiễm khuẩn, virus… Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch của cơ thể không phải chỉ cần vitamin C mà được cấu thành từ nhiều chất dinh dưỡng như protein, vitamin A, các vitamin nhóm B, vitamin D và các khoáng chất như sắt, kẽm, selen… Như vậy, nếu chỉ bổ sung vitamin C thôi thì chưa đủ.

Về liều lượng, trẻ em cần khoảng 35-40mg vitamin C/ngày, với người lớn khoảng 100mg vitamin C/ngày. Để tăng sức đề kháng, phòng bệnh trong mùa dịch, chúng ta có thể uống cao gấp 5 lần, tối đa 10 lần liều lượng khuyến cáo và chỉ nên sử dụng liều cao như vậy trong thời gian khoảng 15 ngày. Sau đó, nên có thời gian nghỉ để cơ thể tự dung nạp vitamin C từ thực phẩm hàng ngày, không nên hoàn toàn lệ thuộc vào thuốc.

“Nhiều phụ huynh cho rằng cứ ăn nhiều đồ bổ là khỏe nhưng suy nghĩ này không đúng. Quan trọng nhất là chúng ta cần ăn cân đối, ăn đủ nhu cầu cơ thể cần, tránh dư thừa. Phòng khám đã gặp rất nhiều trẻ tăng cân quá mức, trẻ tăng trưởng quá nhiều so với lứa tuổi, có trẻ mới 3 tháng đã tăng 6kg, sự tăng trưởng cao làm trẻ có nguy cơ béo phì. Không riêng một thực phẩm nào là đồ bổ, vì mỗi loại đều có chức năng và dinh dưỡng khác nhau. Vì vậy, nên ăn đa dạng thực phẩm càng tốt, trẻ sẽ hấp thu các loại vi chất cần thiết cho cơ thể, tạo cho trẻ thói quen ăn uống tốt và hợp lý”, BS Hiền Thu khuyến cáo.
Trao đổi về việc lạm dụng quá nhiều vitamin C, BS CK2 Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, BV Thống Nhất TPHCM, cho rằng, quá liều vitamin C khi sử dụng sẽ gây đau bụng, tiêu chảy, nôn ói, nguy hiểm hơn có thể làm tăng men gan, tăng acid urid máu, nhiễm toan lactic. Liều cao vitamin C dài ngày có thể gây sỏi thận, quá tải hấp thu chất sắt. Do vậy, để tăng sức đề kháng cho cơ thể cần ưu tiên tăng cường cung cấp vitamin C từ nguồn thực phẩm tự nhiên; nếu việc ăn uống hạn chế, không đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng thì cần uống bổ sung sữa dinh dưỡng giàu đạm, giàu năng lượng, có đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Nếu chế độ dinh dưỡng không đủ hay bệnh lý làm tăng nhu cầu, buộc phải dùng bổ sung vitamin C thì phải theo chỉ định của bác sĩ.


Theo nhiều chuyên gia y tế, để cơ thể khỏe mạnh, chúng ta cần ăn uống đa dạng thực phẩm, đủ nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng sẽ đảm bảo vi chất giúp cơ thể hoạt động bình thường, sức đề kháng tốt. Ngoài ra, cần kết hợp vận động thể lực giúp cơ thể chống chọi được bệnh tật, đặc biệt là Covid-19.

Tin cùng chuyên mục