Làm đúng hay làm khó

Trong khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đang điêu đứng, lẽ ra các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, nhưng mới đây các doanh nghiệp vận tải đường thủy có văn bản kiến nghị về những khó mà mình gặp phải do cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan quản lý về cùng một sự việc.

2 công văn của Tổng cục Hải Quan và của Chi Cục Hải Quan Cảng Sài Gòn Khu Vực I
2 công văn của Tổng cục Hải Quan và của Chi Cục Hải Quan Cảng Sài Gòn Khu Vực I

Bỗng nhiên kiểm tra

Ngày 15-8-2020, các doanh nghiệp vận tải với thị phần tổng cộng trên 90% lượng hàng hoá container tuyến đường thủy nội địa giữa Việt Nam và Campuchia từ các cảng khu vực TPHCM và Cái Mép (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đi Phnôm Pênh (Campuchia) và ngược lại, gồm các công ty Công ty Cổ Phần Tân Cảng Cypress; Công ty TNHH MTV Vận Tải Biển Gemadept; Công ty TNHH Hoyer Transport Việt Nam; Công ty TNHH Dịch Vụ Tiếp Vận Toàn Cầu đã có công văn gửi Văn Phòng Chính Phủ, Bộ Tài Chính và Tổng Cục Hải Quan khẩn cấp xem xét tháo gỡ vướng mắc cho các công ty như sau:

Từ ngày 10-8-2020, Chi Cục Hải Quan Cảng Sài Gòn Khu Vực I yêu cầu các doanh nghiệp này xuất trình hàng hoá để cơ quan Hải Quan kiểm tra niêm phong hãng vận chuyển đồng nghĩa với việc phải hạ các container xếp tầng trên trong bãi cảng xuống mặt đất khi làm thủ tục khai báo tờ khai vận chuyển độc lập cho các container từ nước ngoài vận chuyển đi Phnôm Pênh quá cảnh qua Việt Nam tại cảng Cát Lái, cảng SP-ITC (thuộc Chi Cục Hải Quan Cảng Sài Gòn Khu Vực I giám sát quản lý).

Để đáp ứng yêu cầu trên, các doanh nghiệp sẽ chịu phát sinh chi phí lớn cho việc đảo chuyển, hạ container trong bãi cũng như chi phí lưu bãi do kéo dài thời gian thông quan của lô hàng. Tuy nhiên, trong điều kiện bến bãi hiện tại doanh nghiệp cảng chưa tìm được phương án khả thi cho chúng tôi đáp ứng yêu cầu của cơ quan Hải Quan khi phải đảo chuyển, bố trí bãi hạ số lượng lớn các container nằm tầng trên (container xếp chồng trong bãi cao 5 tầng, các container nằm từ tầng 2 đến tầng 5 sẽ phải hạ xuống kiểm tra. Như vậy xác suất là phải hạ 80% số lượng container quá cảnh vận chuyển đi).

Do vậy, từ khi nhận được yêu cầu trên các doanh nghiệp không thông quan được bất cứ tờ khai hải quan nào để thực hiện việc vận chuyển. Tính đến ngày 15-8-2020, một số lượng lớn container bị ách tắc chưa thể thông quan và số lượng container sẽ tiếp tục tăng lên trong tuần này do hàng hoá vẫn liên tục được dỡ từ các tàu biển. Hiện gần 1.000 container của các doanh nghiệp này đang bị “treo” tại cảng.

Cũng trong thời gian trên, các công ty này đã cố gắng thực hiện yêu cầu của cơ quan Hải Quan nhưng cũng chỉ kiểm tra niêm phong được chưa đến 50 container trong tổng số các container nói trên.

Các vướng mắc trên chưa có phương án giải quyết đã gây thiệt hại to lớn cho các doanh nghiệp. Trong tuần qua các phương tiện sà lan đã phải khởi hành không hàng để kịp lịch trình lấy hàng quá cảnh từ Campuchia kết nối tàu biển cập tại cụm cảng Cái Mép và TPHCM.

Trong đơn trình bày, các doanh nghiệp viện dẫn: Theo điểm c) khoản 4 điều 43 nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 04 năm 2018 (sau đây gọi tắt là nghị định 59) và điểm e) khoản 4 điều 50 thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20 tháng 04 năm 2018 (sau đây gọi tắt là thông tư 39) thì hàng quá cảnh đóng trong container vận chuyển bằng đường thuỷ nội địa không phải niêm phong hải quan nếu còn nguyên niêm phong hãng vận chuyển ghi trên chứng từ vận tải khi chuyển đến Việt Nam. Theo điểm c.3) khoản 1 điều 51 thông tư 39 quy định trách nhiệm của người khai hải quan thì chúng tôi chỉ phải xuất trình hàng hoá để cơ quan hải quan thực hiện việc niêm phong hải quan nếu hàng hoá thuộc đối tượng phải niêm phong hải quan. Còn theo điểm d) khoản 1 điều 51 thông tư 39 quy định trách nhiệm của chi cục hải quan nơi hàng hoá vận chuyển đi không quy định cơ quan hải quan kiểm tra đối chiếu niêm phong hãng vận chuyển mà chỉ kiểm tra “số lượng, số hiệu container”

Như vậy, dựa trên quy định pháp luật việc hạ toàn bộ container các tầng trên xuống tầng một trong bãi cảng là bất khả thi tương tự như việc kiểm tra niêm phong của hãng vận chuyển khi hàng hoá vận chuyển vào Viêt Nam bằng phương tiện thuỷ nội địa. Việc này đã được quy định tại điểm c) khoản 4 điều 43 nghị định 59 thực hiện bằng cách giao cho người khai hải quan chịu trách nhiệm bảo quản nguyên trạng hàng hoá…

Quan điểm khác nhau…?
Ngay sau khi nhận được văn bản, ngày 4-9-2020, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu chuyển đề nghị Bộ Tài Chính và Tổng cục Hải Quan xem xét, xử lý theo quy định và có văn bản trả lời doanh nghiệp.
Tuy nhiên, do tính bức bách của sự việc, trước đó một ngày, vào ngày 3-9-2020, Tổng cục Hải Quan đã có công văn khẩn số 5808/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan TPHCM trong đó nêu rõ “Trường hợp hàng hóa quá cảnh vận chuyển bằng đường thủy nội địa còn nguyên niêm phong của hãng vận chuyển ghi trên chứng từ vận tải để vận chuyển đến Việt Nam thuộc trường hợp không phải niêm phòng của hải quan”. Công văn cũng yêu cầu “Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển phải sử dụng phương tiện vận tải gắn thiết bị theo dõi hành trình và kết nối với hệ thống của cơ quan hải quan trong quá trình vận chuyển hàng hóa đến cửa khẩu theo đúng quy định…”.

Đến ngày 8-9-2020, các doanh nghiệp đã có đơn gửi Cục Hải Quan TPHCM và Chi cục Hải Quan Cảng Sài Gòn Khu Vực I đề nghị áp dụng thủ tục theo đúng công văn  số 5808/TCHQ-GSQL của Tổng Cục Hải Quan ngày 3-9-2020.

Về việc “gắn thiết bị theo dõi hành trình” các doanh nghiệp đã gửi đến cơ quan hải quan 04 phong bì niêm phong nội dung thông tin về các tài khoản AIS, GPS để cơ quan hải quan thuận tiện truy cập giám sát nếu cần thiết.

Tuy nhiên, ngày 12-9-2020, Chi Cục Hải Quan khu vực I đã có công văn số 4020/KVI-ĐGSKS phúc đáp các doanh nghiệp có tên trong đơn kiến nghị. Theo đó, đơn vị này khẳng định “Việc chi cục kiểm tra, đối chiếu thực tế niêm phong (seal) của hãng vận chuyển với chứng từ vận tải container hàng quá cảnh được vận chuyển bằng tàu biển đến Việt Nam, đang được xếp tại các bãi, địa điểm cảng Cát Lái, cảng SP-ITC để vận chuyển đến Chi cục hải quan cửa khẩu nơi hàng hóa vận chuyển đến là đúng theo quy định”.

Như vậy vấn đề đặt ra là có hay không sự khác nhau về quan điểm cách triển khai thực hiện giữa Tổng cục Hải Quan và Chi Cục Hải Quan khu vực I về cùng 1 vấn đề. Cụ thể là sự khác nhau giữa 2 công văn số 5808/TCHQ-GSQL của Tổng Cục Hải Quan ngày 3-9-2020 và công văn số 4020/KVI-ĐGSKS Chi Cục Hải Quan khu vực I.

Một vấn đề nữa là từ trước đến nay mọi việc vẫn diễn ra theo tinh thần của công văn số 5808/TCHQ-GSQL của Tổng Cục Hải Quan. Chỉ từ giữa tháng 7-2020 đến nay Chi Cục Hải Quan khu vực I mới thực hiện việc kiểm tra theo tinh thần công văn số 4020/KVI-ĐGSKS Chi Cục Hải Quan khu vực I.

Việc công văn nào đúng, công văn nào sai đó là việc của Tổng cục Hải Quan và Bộ Tài chính. Với doanh nghiệp, mà cụ thể là các doanh nghiệp đứng đơn kiến nghị thì trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh và khai thác nay lại phát sinh thêm các chi phí, tác nghiệp nhằm duy trì dịch vụ nhưng vẫn đảm bảo hoạt động phòng tránh, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh như: bố trí gấp đôi số lượng thuyền viên phân bổ ở hai nước để thay đổi thuyền bộ điều khiển phương tiện khi xuất cảnh, nhập cảnh; lưu lượng hàng hóa lưu thông sụt giảm, các phương tiện hoạt động dưới năng lực vận chuyển. Phương tiện không đủ hàng hoá, năng lực dư thừa dẫn đến giá cước vận chuyển giảm mạnh.

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, trong lúc này các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh… góp phần phục hồi nền kinh tế của đất nước.

Với doanh nghiệp, để tồn tại qua dịch Covid -19 đã là nỗ lực to lớn, nếu không được sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước thì rất khó để vực dậy nhanh chóng như kỳ vọng của chính phủ.

Tin cùng chuyên mục