Làm du lịch - dịch vụ “xanh”

Do giữ được môi trường sạch đẹp, nên Emic đã bán được những bữa tiệc cảnh quan – môi trường cho khách nước ngoài, với giá có thể lên tới 750 USD/suất. Thực khách được dùng bữa giữa vườn rau, dưới ánh sao trời và những cơn gió ruộng đồng mát rượi. 
Nông dân chèo thuyền thúng đưa khách tham quan sông Cổ Cò. Ảnh: TRUNG CHÂU
Nông dân chèo thuyền thúng đưa khách tham quan sông Cổ Cò. Ảnh: TRUNG CHÂU

Bữa tiệc cảnh quan – môi trường

Theo hẹn trước, khi chúng tôi vừa ngồi xuống ghế quanh bàn ăn, anh Phan Xuân Thanh, Giám đốc điều hành công ty Emic (Hội An, Quảng Nam) xuất hiện. Nhưng thay vì mời khách chọn món, Thanh bắt đầu đãi khách bằng câu chuyện thú vị về cách làm “du lịch xanh” của doanh nghiệp mình. Ngay từ khi từ TPHCM trở về đầu tư, làm ăn tại Hội An năm 2012, Thanh và các cộng sự đã quyết định chọn cách làm dịch vụ theo hướng thân thiện môi trường.

Nhưng trở ngại đầu tiên xuất hiện: nếu đầu tư lớn cho xử lý môi trường đạt chuẩn khắt khe ngay từ đầu, sẽ là gánh nặng lớn về chi phí. Họ chọn cách làm bài bản, nhưng chia ra làm nhiều giai đoạn vừa sức. Khi hình thành chiến lược kinh doanh theo hướng “xanh”, điều cốt lõi nằm ở chính đội ngũ nhân sự sẽ mỗi ngày thực hiện nó. Một chương trình đào tạo chi tiết được vạch ra cho đội ngũ quản lý và nhân viên, bắt đầu từ khu vực bếp. “Làm nhà hàng sạch, trước hết cái bếp phải sạch”. Sạch không chỉ là đảm bảo vệ sinh, mà còn là thu gom, phân loại, xử lý rác… gắn với xây dựng cảnh quan hoà hợp môi trường xung quanh.

“Người bếp trưởng rất quan trọng trong vai trò xử lý rác. Cái khó là đa số đầu bếp ở Việt Nam đều làm theo kinh nghiệm, nên không dễ để họ thay đổi các thói quen cố hữu” – anh Thanh cho biết. Anh cũng không ngần ngại dẫn khách vào xem khu vực bếp, với ba thùng chứa rác được dán nhãn phân loại (rác hữu cơ, rác vô cơ, rác vô cơ tái chế). Trong sáu tháng đầu tiên, toàn bộ nhân viên các bộ phận đều được đào tạo về quy trình làm dịch vụ “xanh” phù hợp với công việc cụ thể. Riêng khu vực bếp, có hẳn một quy trình theo dõi định lượng rác thải trong mỗi kg nguyên liệu thực phẩm. Tiếp đó, là hạn chế ở mức thấp nhất việc sử dụng túi nilon, bao bì nhựa. Doanh nghiệp cũng cung cấp giỏ kích thước lớn đựng thực phẩm cho các đầu mối cung cấp. Mỗi lần mua hàng, chỉ cần mang giỏ đến thay cho giỏ đựng hàng đã nhận. 

Một phần việc nữa là lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý rác. Các loại rác hữu cơ dễ phân huỷ đều được xay nhuyễn, xử lý vi sinh. Rác từ dầu mỡ và chất tẩy rửa sẽ được xử lý riêng bằng máy lọc, để không gây ô nhiễm.

Bếp có hệ thống phân loại, xử lý rác trong nhà hàng của Emic. Ảnh: VŨ THƯỢNG

Do giữ được môi trường sạch đẹp, nên Emic đã bán được những bữa tiệc cảnh quan – môi trường cho khách nước ngoài, với giá có thể lên tới 750 USD/suất. Thực khách được dùng bữa giữa vườn rau, dưới ánh sao trời và những cơn gió ruộng đồng mát rượi. Đó vừa là điểm nhấn của trải nghiệm cho du khách, mà vừa là lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp.

Lợi ích bền vững của dịch vụ xanh

Trở ngại khi làm kinh doanh dịch vụ theo hướng thân thiện môi trường dĩ nhiên là không nhỏ. Trong năm đầu tiên thực hiện hướng đi này, số nhân sự bỏ việc ở Emic lên tới 20-30% tuỳ thời điểm. Lý do là họ phản ứng với cách quản lý mới, đòi hỏi phải đảm bảo sự an toàn cho sinh thái. Nhưng sau đó, có nhiều người trở về. Bởi họ dần dà nhận ra lợi ích bền vững của công việc gắn chặt với bảo vệ môi trường.

“Cái khó vượt ra khỏi phạm vi một doanh nghiệp là không ai có thể hoạt động đơn độc. Càng kết nối rộng, bảo vệ môi trường, cảnh quan mới càng có hiệu quả”. Vì vậy, doanh nghiệp đã tài trợ kinh phí sản xuất cho hợp tác xã rau hữu cơ Thanh Đông (Cẩm Thanh, Hội An) và bao tiêu một phần sản phẩm theo nhu cầu tiêu thụ. Các nông dân ngoài thời gian canh tác, cũng trở thành những tay chèo thuyền thúng, đưa du khách dọc tuyến sông Cổ Cò, tham quan sông nước trước khi ghé nhà hàng. Thu nhập tăng lên gấp 2-3 lần so với trước từ việc trồng rau sạch và chèo thuyền khiến người nông dân càng hứng thú và gắn bó với doanh nghiệp.

Khách tham quan vườn rau hữu cơ Thanh Đông. Ảnh: TRUNG CHÂU

Vòng tay làm du lịch, dịch vụ “xanh” đã mở rộng ra nhiều doanh nghiệp khác. Chính quyền thành phố Hội An ủng hộ doanh nghiệp làm dịch vụ xanh bằng nhiều động thái hỗ trợ. Những người đứng đầu nhiều doanh nghiệp khác đều từ từ nhìn thấy rõ lợi thế của hướng kinh doanh này. Các du khách đến từ các nước phát triển Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… đều rất chuộng các dịch vụ thân thiện môi trường, và sẵn sàng trả phí cao để được thụ hưởng. Phí dịch vụ cao tương xứng với trải nghiệm là nguồn thu vững cho doanh nghiệp thu lợi nhuận, tái đầu tư. “Hiệu quả thực tế của du lịch, dịch vụ xanh khiến chúng tôi ngày càng tự tin để tiếp tục hướng đi này” – Phan Xuân Thanh cho biết.

Tin cùng chuyên mục