Làm dâu gia đình nhiều thế hệ

Cuối tuần rảnh rỗi, tôi lướt Facebook và bị thu hút bởi câu chuyện của cô gái trẻ chuẩn bị về làm dâu một gia đình có 4 thế hệ. Những dòng bình luận phía dưới, hầu hết đều khuyên cô gái hoặc là đấu tranh tới cùng để được ra ở riêng, hoặc phải suy nghĩ kỹ xem có nên bước vào cuộc hôn nhân mà gia đình chồng cổ hủ, lạc hậu ấy không. Tình thế và tâm trạng của cô gái y như tôi của 5 năm về trước. Lắm hoang mang...

1. Nhớ ngày còn yêu chồng tôi bây giờ, tôi năm lần bảy lượt đòi chia tay chỉ vì gia đình anh cũng có tới 4 thế hệ cùng sống trong một mái nhà. Nghĩ đến từng ấy con người, từng ấy tính cách mình phải làm quen, chưa gì tôi đã thấy rùng mình.

Gia đình tôi cũng gốc Bắc nhưng có lối sống phóng khoáng của người Sài Gòn. Còn gia đình anh vẫn giữ một số thói quen đặc trưng của vùng quê miền Bắc. Ông bà anh giữ nguyên miếng đất thời mới vào Nam lập nghiệp nên sau này có điều kiện, xây căn nhà rộng rãi để con cháu cùng sinh sống. Ông bà nội chỉ có ba chồng tôi là con duy nhất, sau này ba có hai người con trai là chồng tôi và một anh lớn. Ngày về ra mắt nhà anh, tôi không phải nấu nướng để thể hiện khả năng bếp núc, cũng không phải một mình rửa “núi chén dĩa” như nhiều chị em vẫn than thở trên mạng xã hội. Nhưng tôi sốc khi mọi người đề cập đến chuyện chúng tôi cưới nhau thì về đây sống chung. Đếm vội trên đầu ngón tay, chưa tính tôi là nhà anh đã có tới 9 người, thêm tôi là 10, rồi sau này các con tôi nữa…
Làm dâu gia đình nhiều thế hệ ảnh 1 Bốn thế hệ trong một mái nhà cần lắm sự sẻ chia, thông cảm để duy trì hạnh phúc. Ảnh: HÙNG HOÀNG
Nhà rộng, các thành viên trong nhà cũng cởi mở, dễ gần nhưng làm sao tôi có thể làm quen với từng ấy con người, từng ấy tính cách? Rồi trên mạng có đầy rẫy lời khuyên không nên sống chung, nào là “ngoài miệng thì người ta nhỏ nhẹ nhưng trong lòng mới thật đáng sợ”; nào là đêm đến nhớ khóa cửa kỹ và khóa cả… miệng kỹ, kẻo bao nhiêu thói hư tật xấu nhà chồng biết hết… Hàng loạt câu hỏi bủa vây, tôi căng thẳng đến mức đòi chia tay. Tuy nhiên, tình yêu quá lớn, tôi không thắng được bản thân mình và rồi tổ chức đám cưới.
Những ngày đầu về làm dâu, tôi luôn trong trạng thái căng thẳng. Tôi “thủ thế” với mọi lời nói, hành động của các thành viên trong gia đình, từ ông bà nội đến đứa cháu 4 tuổi, con anh chị hai. Tôi tìm mọi cớ để đi sớm, về trễ hoặc thể hiện sự khác biệt về nếp sinh hoạt với hy vọng mọi người thấy... chướng mắt mà cho ra ở riêng.
2. Hơn 5 tháng làm quen nếp sống mới ở nhà chồng, tôi mở lòng mình lúc nào không hay. Nhìn lại, những thói quen ngày trước của tôi dần được thay thế nhưng bản thân lại không nhận ra. Đơn cử như tôi hào hứng hơn với chuyện ăn uống, bếp núc ngày cuối tuần - nếp sinh hoạt mà trước đây tôi không thích. Tôi cũng thấy vui khi mỗi tối cả nhà chờ vợ chồng tôi về cùng ăn cơm. Rồi những lúc tôi thủ thỉ tâm sự với mẹ chồng rằng “món này con làm ngon lắm, món kia con làm dở ẹc, có gì mẹ chỉ con làm đi”. Tôi thấy mẹ vui hẳn và tôi cũng vui vì điều đó.
Thi thoảng cuối tuần, ngắm đứa cháu 4 tuổi con anh chị hai lẽo đẽo theo bà cố tưới rau, tíu tít bên ông cố chơi cờ tướng, tối lại rúc vào lòng cố nghe kể chuyển cổ tích, chuyện ngày xưa, thật thú vị. Tôi tưởng tượng đám con mình sau này cũng vậy. Chúng sẽ có khoảnh vườn trước nhà để trồng vài ba loại rau quen thuộc, có con chó, con mèo đuổi bắt trong sân, rồi được vuốt ve con gà tre mà ông cố nuôi ở góc vườn - những điều mà đứa trẻ sống trong một gia đình hiện đại, sáng ra ngoài ăn sáng, tối đặt đồ ăn nhanh, sẽ khó mà có được. Ngay cả bản thân tôi cũng chưa từng được trải nghiệm.
Dĩ nhiên, ở chung cũng có rất nhiều vấn đề phát sinh. Tôi phải ý tứ hơn trong cư xử, chịu gò bó trong bộ đồ kín đáo, bỏ thói quen ngủ nướng cuối tuần và kha khá thói quen sinh hoạt khác để phù hợp với mọi người. Tôi cũng từng mất công, dồn sức để dò ý từng thành viên trong nhà, xem mẹ chồng thích gì, bà nội chồng hay ăn món chi… Nhưng công bằng mà nói, nó không đáng sợ như những gì tôi nghe, đọc được đâu đó trên mạng xã hội, nhất là những gì tôi tưởng tượng trước đó.
Nhiều người bảo tôi may mắn khi ông bà nội, ba mẹ chồng tôi dễ tính. Nói vậy cũng đúng, nhưng tôi nghĩ, ngoài bản thân tôi thay đổi, các thành viên trong gia đình chồng tôi cũng sẵn sàng thay đổi để tiếp nhận thêm một con người mới, một tính cách và một nếp sống khác trở thành một thành viên của đại gia đình mình. Họ cũng kiên nhẫn thử và động viên khi tôi làm những món ăn “cũ người mới ta”, thay đổi khung giờ ăn cơm để chúng tôi kịp ăn cùng…
Cuộc sống hiện đại, những gia đình còn giữ nếp nhiều thế hệ cùng sinh sống dưới một mái nhà không nhiều, bởi vậy họ luôn bị mang tiếng là lạc hậu, là gia trưởng và người ta thường rỉ tai nhau: “Ai về làm dâu hẳn sẽ khó sống”. Thế nhưng, nếu bản thân mở lòng để đón nhận những tình cảm mới bằng sự chân thành thì ắt sẽ dễ xóa bỏ được những rào cản về quan niệm cũ. Cuộc sống mới không thiếu sự thú vị, nếu chúng ta tập sống quan tâm đến những người xung quanh nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn… Cái mà chúng ta nhận được nhiều vô kể, không thể đong đếm! 

Tin cùng chuyên mục