Làm đậm thêm cái gạch nối xưa - sau

Không phải ngẫu nhiên (vì đã nằm trong kế hoạch chỉnh trang đô thị) nhưng lại gần như “tình cờ” khi TPHCM vừa trải qua một “trận ốm lịch sử”, nay gượng dậy và đang khỏe lên từng ngày, thì việc chỉnh trang, tổ chức một số hoạt động tưởng niệm gắn với các di chỉ lịch sử đã thực sự mang lại một luồng sinh khí mới, vừa ấm áp vừa tươi tắn.
Bến Bạch Đằng, quận 1, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bến Bạch Đằng, quận 1, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

LTS: Hệ thống sông ngòi, kênh rạch tại TPHCM vừa là đặc trưng vừa có vai trò quan trọng trong phát triển không gian đô thị nói chung. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, các công trình dần dần che khuất các dòng sông, nhiều đoạn sông không còn có thể tiếp cận đối với mọi người. Nhiều dải đất dọc các bờ sông bị chiếm dụng và xây dựng tùy tiện, cảnh quan sông nước bị hủy hoại, môi trường bị ô nhiễm và cộng đồng dân cư thành phố mất cơ hội tiếp cận không gian rộng lớn, tươi đẹp của sông nước…

Công trình cải tạo công viên Bến Bạch Đằng vừa hoàn thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng tạo ra điểm nhấn về du lịch của TPHCM. Từ câu chuyện công viên Bến Bạch Đằng, nhiều vấn đề về cảnh quan đô thị sông nước đang được đặt ra. Báo SGGP trân trọng giới thiệu bài viết của TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu Công nghệ Phần mềm, Đại học Quốc gia TPHCM; Tổ phó Tổ tư vấn chính sách cho TPHCM, về vấn đề này. 

Không phải ngẫu nhiên (vì đã nằm trong kế hoạch chỉnh trang đô thị) nhưng lại gần như “tình cờ” khi TPHCM vừa trải qua một “trận ốm lịch sử”, nay gượng dậy và đang khỏe lên từng ngày, thì việc chỉnh trang, tổ chức một số hoạt động tưởng niệm gắn với các di chỉ lịch sử đã thực sự mang lại một luồng sinh khí mới, vừa ấm áp vừa tươi tắn. Những nỗ lực này đang ngày một tạo nên, làm đậm thêm cái gạch nối xưa - sau, hôm qua - ngày mai từ chính tâm thế, cách thức ứng xử, vận hành, giữ gìn, phát triển của người hôm nay.

Việc chỉnh trang, tái tạo không gian văn hóa trên bến dưới thuyền như một đặc thù bản địa của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn - thành phố Hồ Chí Minh, thông qua hình ảnh mới nhất của khu vực công viên Bến Bạch Đằng, trong đó có tôn tạo, phục dựng tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo, công trường Mê Linh… Trước đó, là việc “trả lại” tên đường Lê Văn Duyệt đoạn từ cầu Bông đến khu vực Lăng Ông cùng hoạt động khai ấn của lãnh đạo thành phố ngay di chỉ lịch sử tôn nghiêm này. Nó cộng hưởng thành một không gian văn hóa trong tổng thể văn hóa Sài Gòn - TPHCM với thái độ ứng xử của con người với lịch sử, sự thành kính trước tiền nhân, đó chắc chắn là thái độ đúng, phải lẽ, nhân văn để dẫn dắt đi tới tương lai.

Một tham vấn của tổ chức Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 11-2021 “Tăng cường phát triển bền vững cho TPHCM”, ở phần quy hoạch không gian đã nêu ra khuyến cáo “thiếu quy hoạch không gian hợp lý”, “phát triển đô thị được tài trợ bởi chuyển đổi đất làm giảm mật độ đô thị và dẫn đến tiếp tục phát triển mở rộng tràn lan, tắc nghẽn và logistics kém hiệu quả”. Trong quy hoạch không gian ấy, có quy hoạch không gian công cộng nhằm giải quyết bài toán về sự đảm bảo mật độ dân cư trên từng mét đất ở, đất có cây xanh... đặt cạnh cơ cấu không gian đô thị kiểu Haussmann, từ chia ô bàn cờ đến các điểm nhấn dinh thự, nhà thờ - chùa, quảng trường - công viên, các ngã năm, ngã bảy mà Sài Gòn - TPHCM là một module mở tiêu biểu.

Tái quy hoạch, chỉnh trang thành phố sau cơn đại dịch Covid-19 là một nhu cầu tất yếu; trong đó với nguyên tắc giãn cách, tạo môi trường thông thoáng, vừa tận hưởng vừa nương cậy vào thiên nhiên thì việc càng có nhiều không gian công viên như Bến Bạch Đằng là một hướng khai thác, vận hành khoa học, đúng đắn, hữu dụng. Nó không chỉ đáp ứng mong mỏi, nhu cầu thụ hưởng thiết thực của người dân mà còn là một “tiêu chí” bền vững để thuyết phục, giữ chân lẫn mời gọi các du khách, nhà đầu tư khi nhận ra tầm nhìn xanh của các nhà lãnh đạo, quản trị thành phố.

Bởi, từ cụm không gian di tích này, nhìn lên là Khách sạn Majestic nối dài kiến trúc châu Âu còn lưu cữu với Khách sạn Grand, Caravelle, Continental, tòa nhà UBNDTP, Bưu điện thành phố, Nhà thờ Đức Bà. Phía đối diện là chuỗi cafe Ru Nam, mặt sau của tòa nhà Time Square… như những đại diện cho nhịp điệu phát triển mới, năng động. Như ý kiến của kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất đã nêu cách đây trên dưới 20 năm: “Xu hướng phát triển đô thị ngày nay chỉ ra kinh nghiệm: nên xây dựng khu đô thị mới hài hòa với trung tâm đô thị cũ, nhưng chính đô thị cũ mới chứa đựng nhiều giá trị bản sắc. Không được bỏ quên nó, nhưng cũng hết sức cân nhắc trong các dự án chỉnh trang”.

Một thành phố Ngã ba đường, cách gọi của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, không chỉ là hợp lưu của các dòng chảy văn hóa, của cư dân các vùng miền, của ẩm thực tứ phương mà còn là của tư duy, thái độ, phong cách điều hành mở, có bản lĩnh và tầm nhìn vừa đón nhận cái mới vừa giữ gìn cái cũ một cách hài hòa, ích lợi cho mọi cư dân đến, đi và… quay lại, ở lại.

Từ công viên Bến Bạch Đằng, công trường Mê Linh, tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo, khu Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt đến quảng trường, phố đi bộ Nguyễn Huệ, tượng đài Hồ Chí Minh và hàng trăm di chỉ theo dòng lịch sử đã, đang được tôn tạo, giữ gìn trong thành phố này, tất cả như một chỉnh thể văn hóa được người thời nay thụ hưởng. Và đó là cách chúng ta, sẽ là một phần của lịch sử mai sau, còn lưu giữ, trân trọng - như cách chúng ta trân trọng, lưu giữ lịch sử hôm qua 

Tin cùng chuyên mục