Lãi suất huy động khó có thể giảm

Tại báo cáo về thị trường tài chính tiền tệ tháng 3 vừa phát hành, Công ty Chứng khoán SSI bình luận, với việc tín dụng toàn ngành ngân hàng tính đến cuối tháng 3 tăng 2,28% (thấp hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng 3,56% trong quý 1-2018) thì áp lực tăng trưởng tín dụng (nguồn mang lại lợi nhuận chính cho các ngân hàng) sẽ chuyển sang quý 2, kéo theo nhu cầu huy động vốn cao và lãi suất vẫn khó có thể giảm bớt.
Lãi suất huy động khó có thể giảm

Tháng 3, lãi suất huy động ghi nhận mức tăng khoảng 20-30 điểm cơ bản ở các kỳ hạn trên 6 tháng tại một số ngân hàng, duy trì ở mức 4,3%-5,5%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 5,5%-7,5% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4%-8%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Theo SSI, lãi suất neo cao ở mặt bằng đã được tạo lập từ cuối tháng 12-2018 đến nay. Ngoài lý do gia tăng huy động, đáp ứng yêu cầu giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, thì việc neo cao còn bởi nhiều ngân hàng thương mại chuyển hướng đẩy mạnh cho vay đối tượng khách hàng cá nhân với lãi suất cho vay tốt, đảm bảo mức sinh lời cần thiết. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng khác cũng phải duy trì lãi suất tốt để không bị mất thị phần huy động.

Cũng theo SSI, dù nguồn cung ngoại tệ các tháng tới có thể bớt thuận lợi hơn nhưng tỷ giá USD/VND vẫn sẽ duy trì ổn định nhờ vào: diễn biến tích cực của đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc hỗ trợ sự ổn định của đồng nhân dân tệ, từ đó giảm sức ép với VND; chênh lệch lãi suất VND/USD vẫn duy trì ở mức khá cao (1,5%-1,7%/năm); dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã được củng cố và đang ở mức tốt nhất từ trước tới nay sẽ gia tăng nguồn lực để Ngân hàng Nhà nước bình ổn thị trường khi có biến động. Do đó, theo SSI, mặt bằng tỷ giá sẽ vẫn duy trì ổn định quanh mức 23.200 đồng/USD.

Trong quý 1-2019, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 80.689 tỷ đồng thông qua thị trường mở nhưng cũng mua vào khoảng hơn 6 tỷ USD - tương đương 150.000 tỷ đồng được bơm ra.

Tin cùng chuyên mục