Lãi suất cho vay rục rịch tăng

Mới đây, lãi suất liên ngân hàng bất ngờ tăng cao khiến không ít người lo lắng, liệu sắp tới đây lãi suất cho vay của ngân hàng có tăng trong khi tình hình kinh doanh, sản xuất đang khó trăm bề do dịch Covid-19. Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế cho thấy hiện nay nhiều ngân hàng vẫn giữ lãi suất cho vay mức “ủng hộ” người dân và doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất.
Lãi suất tiết kiệm kém hấp dẫn nên tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng vẫn thấp. Ảnh: PHAN LÊ
Lãi suất tiết kiệm kém hấp dẫn nên tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng vẫn thấp. Ảnh: PHAN LÊ

Ngân hàng nhỏ bắt đầu thiếu vốn?

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tuần đầu tháng 5-2021, lãi suất liên ngân hàng ở 3 kỳ hạn: qua đêm, 1 tuần và 2 tuần đã tăng lên lần lượt là 1,21%/năm, 1,35%/năm và 1,41%/năm - vượt trên mức trung bình tính từ đầu năm 2021 và cao hơn mức trung bình trong năm 2020. 

Đến ngày 26-5, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm vẫn từng bước tiếp cận mốc 1,5%/năm. Đây cũng là mức cao nhất kể từ nửa cuối tháng 2-2021 tới nay. Việc các ngân hàng vay mượn lẫn nhau với lãi suất cao thể hiện thanh khoản ngân hàng không còn như trước. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm giữ ở mức thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay, việc huy động vốn của hệ thống ngân hàng những tháng đầu năm 2021 thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng.

Cụ thể, tính đến ngày 16-4 tăng trưởng tín dụng tăng 3,34% so với cuối năm 2020 nhưng huy động vốn có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn tín dụng. Theo số liệu mới nhất, tính đến ngày 19-3, tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt 0,54%, trong khi tại thời điểm này, tín dụng đã tăng hơn 1,5%. 

Tại TPHCM, tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng 3%, vượt xa tốc độ tăng trưởng huy động, khi chỉ tăng ở mức 0,65%. Lý giải tình trạng này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính- ngân hàng cho rằng, tăng trưởng huy động vốn đang thấp hơn tăng trưởng tín dụng nên thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang giảm, dẫn tới lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong tháng 4 và dẫn tiếp sang tháng 5. 

Đại diện Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, lãi suất vay mượn lẫn nhau ở liên ngân hàng bất ngờ tăng cao từ mức gần 0%/năm lên 1,41%/năm phản ánh tình trạng ngân hàng nhỏ bắt đầu thiếu vốn. Theo thống kê của BVSC, đầu tháng 5-2021, lãi suất huy động tại các ngân hàng nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) đã tăng khoảng 0,06%/năm so với tháng trước đó, đối với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Các ngân hàng thương mại lớn hầu như không thay đổi, một số chỉ tăng nhẹ 0,01%/năm nhưng cũng có 1 số ngân hàng giảm lãi suất. Nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn duy trì mức lãi suất huy động của tháng trước đó vì lãi suất trung bình của nhóm ngân hàng này đang ở mức thấp nhất thị trường. “Mặc dù lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh nhưng vẫn chưa thể bằng đợt cao điểm sát tết vừa qua, khi lãi suất qua đêm khoảng 2,5%/năm nên tình hình không đến mức căng thẳng. Điều đó cũng thể hiện qua việc tuần gần cuối tháng 5-2021, chưa có ngân hàng nào cần hỗ trợ từ phía NHNN trên kênh cầm cố (thị trường mở - OMO) vì không phát sinh giao dịch mới”- đại diện BVSC cho hay. 

Hài hòa lợi ích người gửi và người vay

Thời gian qua, lãi suất tiết kiệm ở mức thấp nên một lượng tiền nhất định từ kênh gửi tiết kiệm đã chảy qua các kênh đầu tư khác như trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản… Bù vào đó, ngân hàng phải huy động lượng lớn nguồn vốn dài hạn thông qua phát hành trái phiếu. 

Thống kê cho thấy, thời gian qua, VIB đã huy động 4.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất từ 3,7 - 4%/năm; VietinBank huy động gần 1.600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm; ACB huy động được 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất 4%/năm; TPBank thu hút 2.800 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 3 - 4,1%/năm cho kỳ hạn 3 năm; VPBank thu hút hơn 5.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất từ 3,9 - 4,2%/năm... Bên mua trái phiếu ngân hàng phần lớn là các công ty chứng khoán. Các công ty chứng khoán đánh giá, mức lãi suất huy động qua trái phiếu của ngân hàng hiện rẻ hơn nhiều so với lãi suất huy động từ người dân. 

Từ động thái của các ngân hàng thương mại, nhiều chuyên gia nhận định, hiện thanh khoản khá tốt nên trước mắt lãi suất vẫn ổn định. Các chuyên gia cũng cho rằng, ngành ngân hàng phải cân đối lợi ích của người gửi lẫn người vay, trong bối cảnh của lạm phát và biến động tỷ giá… để đưa ra lãi suất cho vay phù hợp với người dân, doanh nghiệp.

Thực tế, mặc dù lãi suất đầu vào ở mức thấp nhưng rất nhiều ngân hàng vẫn đưa ra các gói tín dụng với lãi suất tốt để đẩy vốn ra thị trường. Cụ thể, PVCombank vừa đưa ra gói cho vay 9.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm, còn từ 5%/năm cho cả khách hàng vay cá nhân lẫn doanh nghiệp. Mới đây, MSB cũng mở gói tài trợ ưu đãi riêng cho doanh nghiệp tham gia các dự án đầu tư công với chính sách tài trợ vốn 100% không tài sản bảo đảm, hạn mức lên đến 15 tỷ đồng, duyệt trong 24 giờ. MSB còn tăng thêm hạn mức tài trợ tối đa 200 tỷ đồng dựa trên hợp đồng đầu ra của doanh nghiệp. Là ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống nhưng lãnh đạo Vietcombank khẳng định, vẫn duy trì lãi suất ở mức thấp, cải tiến quy trình cấp tín dụng để hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn.

Tin cùng chuyên mục