Lại phải “giải cứu” Bolero?

Ngẫm lại, sự đời cũng nhiều cái hay đáo để, không ai biết trước đâu là khởi đầu, đâu là kết thúc, có cái hay cho ngày hôm nay nhưng lại là cái dở cho ngày mai, thật thật giả giả, giả giả thật thật như chính cuộc đời. Và lại càng mông lung khi thẩm định, đánh giá lãnh vực nghệ thuật vốn dĩ được liệt vào hạng kén chọn “văn mình, vợ người”. Không nói đâu xa, chỉ nhìn vào thể loại nhạc Bolero đang được hát vang lừng từ góc bếp đến màn hình nhỏ mới thấy không hát cũng khổ mà càng hát… lại càng khổ người nghe với 2 luồng ý kiến trái chiều: người thì cho rằng Bolero là “bất hủ”, là “mãi mãi”; kẻ lại nhếch mép “thế mà là nhạc à! bật truyền hình mà thấy phát Bolero là tớ tắt béng luôn”. 
Đỉnh điểm là vào đầu tháng 5, nhạc sĩ Dương Thụ khi tổ chức buổi ra mắt live concert lần thứ 10 của 4 nhạc sĩ tên tuổi làng nhạc nhẹ đương đại đã có phát biểu thẳng thắn “…Tôi rất buồn khi các ca sĩ ngày nay cứ chạy theo nhạc xưa, giờ là chạy theo Bolero. Tôi không chê, nhưng những người đó không phải ca sĩ hát Bolero. Họ có đủ tâm thế, trình độ, văn hóa để hát nhạc khác, nhưng lại cứ chạy theo Bolero để kiếm tiền. Chúng ta đang bị vùi dập, đẩy lùi vào trong xó. Bây giờ toàn những bạn teen teen hát Bolero rồi phong thánh nọ thánh kia, chẳng ra sao cả”. 

Phát ngôn trên của nhạc sĩ cao gần 1m8, tác giả của một số ca khúc trữ tình có ca từ độc đáo như “tiếng sóng mênh mông thế!…”, đã nhanh chóng tạo làn sóng dư luận. 
Tất nhiên là sự thật thường làm mếch lòng khi hàng loạt tên tuổi sáng giá của làng nhạc đã bức xức nói rằng những lời lẽ vậy thật là “ăn nói khó nghe” rồi thì “làm show muốn PR lại lôi nhạc của người khác hát ra để dè bỉu lần này đến lần khác thì hơi tồi”… Nhưng thật ra, ý tứ của nhạc sĩ Dương Thụ lại khác. Có lẽ, ông muốn hàm ý “rừng nào, cọp nấy”, mỗi diva có thế mạnh riêng, có lãnh địa của riêng mình, có bài hát riêng, tóm lại là “bản sắc” riêng, không thể nhảy cóc từ quãng 8 xuống quãng 1. Đó không phải là sự chê bai, sự phân biệt giữa dòng nhạc “bác học” và dòng nhạc “bình dân”, khi mỗi dòng nhạc có chỗ đứng riêng, phục vụ cho một đối tượng nhất định.

Cái đáng lo nhất là người ta đã thổi phồng, biến cái thầm lặng, trữ tình, êm ái thành một phong trào, một trào lưu… không gì ngoài Bolero. Dòng nhạc này đã đổ bộ, càn quét sóng truyền hình từ đài trung ương đến đài tỉnh mà theo ước tính có khoảng 40 - 50 chương trình truyền hình thực tế ăn theo Bolero. Nào “Thần tượng Bolero”, “Duyên dáng Bolero”, “Tình Bolero hoan ca”, “Kịch cùng Bolero”, rồi thì các chương trình không đính kèm chữ Bolero cũng nhan nhản các bài Bolero như “Người hát tình ca”, “Sol vàng”, “Tình khúc vượt thời gian”… Và người ta chen chúc nhau làm giám khảo, khách mời danh dự trong các chương trình mang tính reality (thực tế), đến mức có nhạc sĩ phải thốt lên “trong hàng ca sĩ cả trong và ngoài nước có lẽ chỉ còn mỗi Tuấn Vũ là chưa tham gia Bolero”. 

Với sự Bolero hóa nền âm nhạc đất nước, dễ hiểu là ai cũng trở thành “nữ hoàng Bolero”, “ngọc nữ Bolero”, hay “thánh Bolero” dù giọng hát không phù hợp hoặc giả… cũng không cần có giọng hát. Để hút khách, các nhà sản xuất đã bày nhiều chiêu trò làm mới, kết hợp Bolero với vũ đạo hay là biến thể cả Bolero sang với Rock, với Jazz, thậm chí với nhạc kịch cùng dàn giao hưởng…

Và cái gì đến cũng sẽ phải đến. Đêm chung kết cuộc thi ồn ào nhất trong vài năm gần đây - cuộc thi “Thần tượng Bolero 2018” - đã khép lại lặng lẽ “như chưa từng có cuộc chia ly” bởi một lẽ nhiều quá hóa bội thực, không đủ sức hút kéo khán giả đến với màn hình. Đó là sự phát triển “nóng” quá đà và sự “giảm nhiệt”, sự thoái trào của Bolero là tất yếu. Theo kết quả kiểm tra mới đây của hệ thống đo lường khán giả truyền hình của Vietnam - Tam (thuộc Bộ TT-TT), tính từ đầu năm, lượng khán giả theo dõi chương trình truyền hình thực tế đã giảm từ 4,5% xuống 2,3% tại thị trường Hà Nội, và từ 7,5% xuống 3,4% tại TPHCM. Và đó cũng là lỗi tại sự lạm dụng Bolero quá đà khi thượng vàng hạ cám, các chiêu trò câu khách, tất tật đổ lên đầu loại hình âm nhạc thầm lặng, muốn rón rén sống cuộc đời “nhỏ” mà không xong.

Cũng như nuôi heo, trồng dưa hấu nếu chúng ta không lường trước được hậu quả phát triển kiểu phong trào “nhà nhà Bolero, người người Bolero” thì kết cục của Bolero sẽ không mấy sáng sủa với cái chết của sự sáng tạo - điều kiện tối quan trọng trong sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Chả lẽ lại phải “giải cứu” Bolero?

Tin cùng chuyên mục