Lại nở rộ dạy thêm, học thêm

Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ban hành tháng 5-2012 quy định cụ thể về điều kiện được dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, những bất cập trong quá trình quản lý khiến hoạt động này trở nên biến tướng, khó kiểm soát. Tại TPHCM, các lò luyện thi cấp tốc, lớp học thêm dạy chui vẫn được mở tràn lan suốt nhiều năm qua. 
Học sinh học thêm tại một địa chỉ trên địa bàn phường 4, quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: TÂM HIỀN
Học sinh học thêm tại một địa chỉ trên địa bàn phường 4, quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: TÂM HIỀN

Có cầu, có cung

Gần 20 giờ, tại một con hẻm trên đường Thống Nhất, quận Gò Vấp, có khá nhiều học sinh đang tập trung học thêm tại nhà riêng của một nữ giáo viên sau những giờ học tập chính khóa tại trường. Phía bên ngoài hẻm, hàng chục phụ huynh đứng xếp hàng, chờ đợi để đón con về. Một số phụ huynh cho biết, lớp dạy thêm này do một giáo viên tại trường trên địa bàn tổ chức, chủ yếu nhận dạy từ lớp 1 đến lớp 5. 

Dù có quy định cấm, nhưng thực tế vẫn còn nhiều giáo viên dạy thêm cho học sinh do mình phụ trách, xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Chị N.C.H. (ngụ quận Gò Vấp) cho hay, con gái chị hiện đang học lớp 4, trong mùa dịch Covid-19 học online nhưng hiệu quả không như mong đợi, tương tác, trao đổi bài vở giữa cô và trò qua màn hình máy tính rất hạn chế.

“Đợt họp phụ huynh vừa rồi, nghe giáo viên phàn nàn con học chậm tiếp thu, tính toán kém, mất kiến thức căn bản nên tôi ngỏ lời nhờ cô giáo tại trường dạy kèm 6 buổi/tuần, chi phí 1,5 triệu đồng/tháng. Nhiều phụ huynh trong lớp cũng đăng ký cho con tới đây học”, chị H. kể.

Có nhu cầu tìm lớp học thêm môn Toán và Tiếng Việt cho con đang học lớp 2, chúng tôi được cô T.X. ngụ đường TTH 21, quận 12, chỉ tới nhà riêng cô X. để đăng ký. Cô X. là giáo viên tiểu học, có thâm niên 10 năm và đang nhận dạy thêm từ lớp 1 đến lớp 5. Lớp học có 2 ca (từ 16 giờ 30 đến 19 giờ), mỗi ca chỉ nhận tối đa 10 học sinh. Nếu học 3 buổi/tuần thì chi phí 500.000 đồng/tháng, còn 6 buổi thì 1 triệu đồng/tháng.

Qua tìm hiểu, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay một phần xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh. Đa phần đều sợ con bị hổng kiến thức, thua kém bạn bè, mong con đạt điểm cao trong các kỳ thi, hay đơn giản chỉ là cách để giáo viên trông con sau giờ tan trường. Một số giáo viên tâm sự, họ dạy thêm với mong muốn cải thiện thu nhập khi đồng lương hiện tại còn quá thấp. Trong khi đó, chiếu theo quy định tại Thông tư 17, muốn dạy thêm phải đến các trung tâm dạy thêm được cấp phép để hợp tác, nhưng số lượng các trung tâm này còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Do vậy, dù được nhà trường phổ biến các quy định, quy chế nhưng một số giáo viên vẫn tổ chức dạy thêm tại nhà riêng và chấp nhận bị cắt thi đua hoặc kỷ luật nếu chẳng may bị phát hiện. 

Chạy đua ôn thi

Kỳ thi tuyển lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT đang đến rất gần, không ít phụ huynh hối hả cho con đăng ký học thêm, luyện thi. Đa số phụ huynh đều không ngại đầu tư thời gian, tiền bạc với mong muốn con được điểm cao, được vào các trường chuyên, tốp đầu, trường đại học có danh tiếng. Vì vậy, nhiều học sinh ban ngày học chính khóa ở trường, còn buổi tối tất bật chạy đua học thêm tại trung tâm, các lò luyện thi.

Lại nở rộ dạy thêm, học thêm ảnh 1 Học sinh rời lớp học thêm trên đường Thống Nhất, quận Gò Vấp. Ảnh: BÙI TUẤN

Thu Hà, học sinh lớp 12 Trường THPT Quang Trung, quận Gò Vấp, dự định thi vào khối D, ngành Tâm lý học, nên đã học thêm 3 môn Toán, Văn, Anh văn ngay từ khi mới bước vào lớp 10. Vừa qua, kết quả thi 2 môn Lý, Hóa đều dưới điểm trung bình nên gia đình bắt học thêm 2 môn này để lấy lại kiến thức căn bản. Hà tâm sự: “Dịch bệnh bùng phát từ khi em vào lớp 10, trở lại bình thường mới thì em đã học gần hết cấp 3. Thực tế, học online hiệu quả không cao, nhờ có học thêm nên mới không bị hổng kiến thức, để sẵn sàng cho kỳ thi đại học sắp tới”.

Theo đại diện Trung tâm luyện thi Q. (quận 10), nhiều phụ huynh tỏ ra rất lo lắng vì trong giai đoạn học online, các em tiếp thu kiến thức không vững, nhất là các học sinh lớp 9, sắp thi chuyển cấp. Do đó, trung tâm mở khóa luyện thi nhưng chỉ dám mở nhiều lớp nhỏ, trung bình 7-10 em/lớp để dễ dàng kèm cặp, giúp các em nhanh lấy lại kiến thức. Còn Trung tâm bồi dưỡng văn hóa N. (quận Gò Vấp) cũng đang mở nhiều lớp dạy thêm từ ngày học sinh được trở lại trường học trực tiếp. Theo khảo sát, đa phần các trung tâm vẫn giữ mức học phí cũ để giữ chân và thu hút học sinh đến học.

Tin cùng chuyên mục