Lại lo xử lý nợ xấu

Dịch Covid-19 bùng phát lần 4 đã khiến nhiều doanh nghiệp gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ. Đây cũng là đối tượng khách hàng của ngân hàng, khi thu nhập của họ giảm, khả năng trả nợ ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Thực tế này kéo theo nguy cơ nợ xấu cao trở lại.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán BOS, nợ xấu của các ngân hàng đã tăng nhẹ so với cuối năm 2020. Giá trị nợ xấu của các ngân hàng hiện đang niêm yết đạt trên 91.000 tỷ đồng vào ngày 31-3, tăng gần 4.000 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cũng tăng nhẹ 0,02 điểm phần trăm lên mức 1,41%. Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế. Các ngân hàng không phải trích lập dự phòng, làm giảm chi phí dự phòng, gia tăng lợi nhuận nhưng rủi ro cũng tăng lên.

Ông Nguyễn Huy Tài, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP SHB, cho biết, do dịch Covid-19, các dòng tiền của khách hàng đều bị ảnh hưởng, từ đó làm giảm hoạt động của ngành ngân hàng. Khi dịch bệnh xảy ra, việc xử lý nợ xấu và tương tác với khách hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị từ chối gặp gỡ trong bối cảnh dịch trong khi phương thức trao đổi qua email, điện thoại cũng không hiệu quả.

Để tiếp tục hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Thông tư 03 đã hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp hơn trong việc cơ cấu lại dòng tiền, phục hồi sản xuất - kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại, từ đó có điều kiện đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục các khó khăn.

“Nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nói tại tọa đàm về vấn đề nợ xấu trong bối cảnh dịch Covid-19 do Báo Tiền Phong và Hiệp hội Ngân hàng tổ chức ngày 23-6. Trong khi đó, Nghị quyết 42 sẽ hết thực hiện thí điểm vào tháng 8-2022. Vì vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị Chính phủ, Quốc hội kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42; đồng thời đánh giá, tổng kết những mặt được, mặt chưa được và sửa đổi, bổ sung để tổ chức tín dụng có hành lang thông thoáng để xử lý vấn đề nợ xấu.

Theo các chuyên gia, việc xử lý tài sản để thu hồi nợ theo Nghị quyết 42 không chỉ giúp ngân hàng thu hồi nợ xấu mà còn có tác động tích cực tới khách hàng vay vốn. Nhưng, việc Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong hơn 1 năm nữa sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong thời gian tới là rất lớn. Mặt khác, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành ngân hàng, do đó Nghị quyết 42 cần tiếp tục được “gia hạn” trên cơ sở khắc phục những tồn tại hiện nay bằng các quy định rõ ràng, cụ thể, hợp lý, khả thi hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan. Việc luật hóa xử lý nợ xấu cũng là tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược tiếp tục được Đại hội XIII của Đảng lựa chọn, thông qua.

Tin cùng chuyên mục