Lại lo vỡ quỹ BHYT

Cùng với mở rộng BHYT là nỗi lo về tốc độ tăng chi phí khám chữa bệnh rất lớn khiến quỹ BHYT bội chi nghiêm trọng, dẫn tới nguy cơ vỡ quỹ. 
Số người khám chữa bệnh BHYT gia tăng, khiến quỹ BHYT phải chi phí nhiều hơn
Số người khám chữa bệnh BHYT gia tăng, khiến quỹ BHYT phải chi phí nhiều hơn
Đến hết tháng 8-2017, cả nước có khoảng 78,39 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt độ bao phủ 84,2% dân số. Với tốc độ tăng này, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam dự tính tới hết năm nay, 85% dân số sẽ có BHYT. Tuy nhiên, cùng với mở rộng BHYT là nỗi lo về tốc độ tăng chi phí khám chữa bệnh rất lớn khiến quỹ BHYT bội chi nghiêm trọng, dẫn tới nguy cơ vỡ quỹ. 
59/63 tỉnh, thành bội chi BHYT
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết cùng với việc gia tăng độ bao phủ của BHYT, trong 8 tháng qua, quỹ BHYT đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho hơn 104 triệu lượt người, với số chi gần 52.000 tỷ đồng.
Theo nhận định của BHXH Việt Nam, hiện nay việc cân đối quỹ BHYT - một trong các điều kiện quan trọng đảm bảo tính bền vững của chính sách BHYT - vẫn đang là vấn đề rất đáng lo ngại, thậm chí báo động. Theo ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT, tốc độ tăng chi phí sử dụng quỹ BHYT thời gian qua rất lớn, tăng tới hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều địa phương đến nay đã sử dụng hết 70%, thậm chí 90% quỹ BHYT cả năm của tỉnh (như Quảng Nam, Quảng Trị).
Dự báo với tốc độ sử dụng như hiện nay, hết năm 2017, quỹ BHYT cả nước sẽ bội chi trên 10.000 tỷ đồng. Trong đó, ước tính có tới 59 tỉnh, thành bị bội chi BHYT, nhiều nơi dự kiến bội chi 500 - 1.000 tỷ đồng như Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng... Hiện nay, cả nước chỉ còn 4 địa phương cân đối được quỹ BHYT là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đắk Lắk. Đại diện BHXH Việt Nam cũng cho biết, trong điều kiện từ nay đến năm 2020 chưa tăng mức đóng BHYT, thì bắt đầu từ năm 2018 trở đi, nguồn kết dư, dự phòng của quỹ BHYT sẽ dần cạn kiệt, dẫn tới nguy cơ vỡ quỹ.
Trục lợi, lạm dụng nghiêm trọng
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, ngoài lý do tăng giá viện phí,  mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT (như nâng mức hưởng của BHYT, miễn đồng chi trả khi tham gia 5 năm liên tục…) thì tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT vẫn diễn ra phức tạp, khó kiểm soát, dẫn đến tình trạng bội chi ở nhiều địa phương.
Nhiều cơ sở khám chữa bệnh dù không đủ điều kiện nhưng vẫn thực hiện khám chữa bệnh, kê thêm giường, thống kê dịch vụ kỹ thuật không đúng để thanh toán, kéo dài ngày điều trị nhằm “rút ruột” quỹ BHYT một cách hợp pháp. Ông Lê Văn Phúc cho biết thêm, qua công tác giám sát, giám định, BHXH Việt Nam đã phát hiện chỉ trong vài tháng mà có nhiều bệnh nhân BHYT đi khám bệnh hàng trăm lần để trục lợi thuốc men. Cùng với các thủ đoạn trục lợi trên, không ít bệnh viện (BV) cũng lợi dụng quỹ BHYT bằng cách kéo dài ngày điều trị của bệnh nhân. Chẳng hạn, BV Sản nhi Đà Nẵng có số ngày điều trị nội trú bình quân là 5,9 ngày - cao hơn mức của các BV chuyên khoa đối với trường hợp sau sinh thường.
Cụ thể, tại BV Phụ sản Trung ương là 3,4 ngày; BV Phụ sản Hà Nội 2,2 ngày; các BV phụ sản trên toàn quốc 3,7 ngày; tức BV Sản Nhi Đà Nẵng chênh lệch 2,2 ngày/bệnh nhân. Thậm chí, kiểm tra của BHXH Việt Nam vừa qua đã phát hiện một số BV tại Nghệ An chỉ định 100% bệnh nhân phục hồi chức năng, y học cổ truyền đến khám bệnh vào điều trị nội trú. 
Trước thực trạng bội chi quỹ BHYT đang nghiêm trọng, nhiều người lo ngại rằng quyền lợi của họ sẽ bị ảnh hưởng vì quỹ đang bị thu hẹp lại. Tuy nhiên, ông Phạm Lương Sơn khẳng định, quỹ BHYT không cắt giảm quyền lợi của người tham gia, luôn đảm bảo mức chi tối đa hợp lý, hợp pháp cho các trường hợp thực sự cần điều trị. Tuy nhiên, BHXH không thể chấp nhận những chi phí bất hợp lý, lãng phí nguồn tài chính quan trọng này.
Cụ thể như chỉ định điều trị nội trú để tăng tiền ngày giường, chi phí điều trị; chỉ định cận lâm sàng không cần thiết; sử dụng biệt dược gốc đắt tiền tràn lan, không hợp lý cả với mức độ bệnh và phạm vi hoạt động của cơ sở y tế… Đại diện BHXH Việt Nam cũng cho rằng, để chống trục lợi quỹ BHYT, cần có sự chung tay của cả người dân chứ không phải chỉ riêng ngành BHXH. Theo quy định pháp luật, trách nhiệm quản lý quỹ BHYT không chỉ thuộc về cơ quan BHXH, mà còn có cả Bộ Y tế, các bộ, ngành chức năng, chính quyền địa phương và các cơ sở khám chữa bệnh, nhằm ổn định chính sách an sinh xã hội.
Tại cuộc họp diễn ra vào đầu tháng 9 nhằm tìm giải pháp xử lý vấn đề bội chi quỹ BHYT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phải chấn chỉnh và xử lý nghiêm tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT. Đồng thời, yêu cầu BHXH Việt Nam cấp tài khoản truy cập hệ thống cho giám đốc BHXH, giám đốc sở y tế các tỉnh, thành để nắm được số liệu thống kê; tin học hóa toàn bộ hệ thống quản lý khám chữa bệnh BHYT để kịp thời phát hiện và xử lý các dấu hiệu trục lợi BHYT. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đề xuất các giải pháp chấn chỉnh tình trạng bội chi BHYT.

Tin cùng chuyên mục