Lại chuyện hàng lậu, hàng giả

Vụ việc gạo “ngon nhất thế giới” ST25 bị làm nhái tràn lan khiến người tiêu dùng bức xúc, nhất là khi cung ứng mạnh trên thị trường dịp cận Tết Nguyên đán 2020. 
Lại chuyện hàng lậu, hàng giả

Nhìn rộng ra, cứ thương hiệu, sản phẩm nào có khả năng “hái ra tiền”, cũng sẽ bị các đối tượng kinh doanh bất chính trục lợi. Trong khi hàng giả nhởn nhơ, thu hút khách thì hàng thật bị nghi ngờ, thậm chí có tình trạng doanh nghiệp (DN) chân chính phải sợ DN giả mạo.

Đây là vấn đề không mới, nhưng khiến các cơ quan chức năng chuyên trách và DN làm ăn chân chính trăn trở rất nhiều. Cách đây ít ngày, một công ty có tiếng về du lịch tại TPHCM đã phát đi thông báo về việc bị làm giả thương hiệu, mà lãnh đạo công ty bị cho giả mạo từng là lãnh đạo cao cấp của công ty bị hại. Vấn đề ở chỗ, bao nhiêu bạn bè, đối tác cũ liên tục ký kết, tìm đến công ty “nhái thương hiệu”, nhưng khi xảy ra sự cố liên quan đến các hoạt động lữ hành thì công ty thật phải đứng ra tìm cách giải quyết. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, đánh giá rằng, nhiều năm qua tình trạng hàng giả, hàng lậu… tác động rất xấu đến thị trường, làm giảm uy tín và gây thiệt hại lớn cho nhà sản xuất, kinh doanh hoạt động chân chính. Đây là nguyên nhân đến từ sự bất cập trong cơ chế của chúng ta hiện nay. Về phía người tiêu dùng, họ đã và đang vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng kém chất lượng khi hàng ngày vẫn sử dụng thoải mái những sản phẩm trôi nổi, giả mạo.

Trong bối cảnh hiện nay, luật sư Nguyễn Văn Hậu khuyến nghị, về phía cơ quan chuyên trách nên chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại để chống hàng giả, hàng nhái, thủ đoạn gian lận thương mại. Vì thời gian gần đây, nhiều vụ làm giả quy mô lớn có sự tham gia, cấu kết từ những tổ chức, đường dây ở nước ngoài. Thêm nữa, về phía các DN hãy chủ động bảo vệ mình cũng như người tiêu dùng, phối hợp với cơ quan chức năng thực thi pháp luật, hướng dẫn khách hàng biết cách phân biệt hàng giả - hàng thật.

Theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, thì mức phạt tiền cao nhất lên tới 1 tỷ đồng hoặc phạt tù cao nhất 5 năm. Thế nhưng, số vụ vi phạm bị xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để xử lý hiệu quả các vụ việc kinh doanh gian lận lại cần tới nhiều giải pháp, liên quan đến các quy định pháp luật hiện hành. “Bài toán” khó này vẫn loay hoay chưa có lời giải, mặc dù cứ cận tết, hàng dỏm lại đổ về khắp nơi.

Tin cùng chuyên mục