Lai Châu nâng tầm giá trị nông sản đặc hữu

Ngày 12-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và cải cách tư pháp trên địa bàn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tuy còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao, tỉnh Lai Châu đã có bước phát triển nhanh, toàn diện về kinh tế - xã hội. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Lai Châu ước đạt 7,7%, GRDP bình quân đầu người đạt gần 48 triệu đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm bà Phìn Thị Thích, vợ liệt sĩ ở tổ dân phố số 9, phường Đoàn Kết, TP Lai Châu. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tỉnh Lai Châu tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế dựa trên các trụ cột nông lâm nghiệp, công nghiệp mà tỉnh có lợi thế. Về phát triển nông, lâm nghiệp, phải chú trọng vào chất lượng, quy mô đủ lớn gắn với xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị nông sản, chú ý nông sản đặc hữu là thế mạnh như vùng chè cổ thụ, vùng cây ăn trái, vùng cây công nghiệp giá trị cao, vùng cây dược liệu quý có lợi thế như sâm, cây 7 lá 1 hoa, lan kim tuyến...

Tỉnh cần có chiến lược phát triển sâm Lai Châu bền vững, hiệu quả, để người dân vùng cao, vùng biên giới của Lai Châu sống với rừng, thoát nghèo từ rừng và tiến tới làm giàu từ rừng. Cùng với đó, chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông, lâm sản có giá trị gia tăng cao gắn với vùng nguyên liệu tập trung, sản phẩm chủ lực theo chuỗi liên kết giá trị; duy trì và phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp truyền thống. Chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu, dịch vụ logistics; nâng tầm cạnh tranh của các sản phẩm OCOP, những đặc sản của địa phương, gắn với xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch mang đậm nét riêng của vùng Tây Bắc, của Lai Châu, gắn du lịch với ẩm thực và đặc sản địa phương, bảo đảm tính bền vững, lâu dài trong phát triển du lịch. 

Để triển khai hiệu quả các định hướng trên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Lai Châu tập trung hoàn thiện công tác quy hoạch có tầm nhìn xa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng y tế, phát triển chất lượng giáo dục; bảo đảm an ninh biên giới. Giảm nghèo bền vững cho người dân vẫn được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, do đó, Lai Châu cần thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa, phát triển theo cơ chế thị trường, thay thế tư duy kinh tế kiểu tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ trong phát triển; khuyến khích tinh thần nỗ lực, ý chí vượt khó vươn lên, cải thiện kinh tế và cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Giữ rừng vẫn nhiệm vụ trọng tâm, do đó chú ý các hình thức đối tác công tư mới trong việc trồng rừng, bảo vệ rừng và phát triển rừng; chú trọng chế biến sâu sản phẩm lâm nghiệp và tái tạo các diện tích rừng đã bị mất... Bên cạnh hạ tầng được nhà nước quan tâm, đầu tư, tỉnh cần phát huy nguồn lực xã hội giữa các cộng đồng dân tộc, tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của địa phương cũng là đòi hỏi cấp bách đặt ra.

Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, tặng quà bà Phìn Thị Thích, vợ liệt sĩ, ở Tổ dân phố số 9, phường Đoàn Kết; bà Đinh Thị Huệ, vợ liệt sĩ ở Tổ dân phố số 5, phường Tân Phong, TP Lai Châu. 

Tin cùng chuyên mục