Lại bất an với xe đưa đón học sinh

Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường nhiều biện pháp kiểm tra, xử lý xe đưa đón học sinh, nhưng thời gian gần đây xuất hiện tình trạng xe chở học sinh gây tai nạn khiến nhiều phụ huynh cảm thấy bất an. 

Vụ việc 3 học sinh lớp 1/6 Trường Tiểu học Phan Bội Châu (phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) bị văng xuống đường từ xe đưa rước vào ngày 26-11, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận cả nước. Đến ngày 29-11, một vụ tương tự lại xảy ra khi xe đưa rước loại 16 chỗ chở học sinh đang lưu thông trên quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, thì bất ngờ 2 học sinh rơi xuống đường...

Dù các em không bị thương tích nặng, nhưng cần nhìn nhận sự cố trên có thể gây ra hậu quả khôn lường, nếu như chúng ta không có biện pháp ngăn chặn kịp thời để các bậc phụ huynh không còn hoang mang.

Tuy Bộ GTVT đã có văn bản nêu rõ những quy định về tiêu chuẩn xe đưa đón học sinh, đồng thời đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo các sở GD-ĐT địa phương hướng dẫn các trường học có tổ chức đưa đón học sinh bằng ô tô, phải lựa chọn đơn vị kinh doanh vận tải có đủ điều kiện theo quy định pháp luật… Nhưng thực tế cho thấy, công tác siết an toàn xe đưa đón học sinh vẫn còn để lại nỗi lo canh cánh đối với các bậc phụ huynh và nhà trường. Những sự cố xảy ra thể hiện công tác quản lý còn có những bất cập. Công tác giáo dục, đào tạo quản lý lái xe cũng chưa hoàn chỉnh. Cuối cùng là trách nhiệm của những người liên đới. Trước hết là lái xe, sau đó là bên thuê xe, đơn vị quản lý phương tiện, cơ quan ban ngành có trách nhiệm ở địa phương. 

Thực tế trong vài năm gần đây loại hình xe đưa đón học sinh đang nở rộ, vì vậy, cơ quan nhà nước cần quản lý chặt hơn nữa loại phương tiện này. Dù là xe chở khách, nhưng không thể đánh đồng xe đưa đón học sinh cũng giống như loại hình kinh doanh vận tải hành khách thông thường khác. Do đó, các ngành chức năng cần siết chặt lại các quy định trong hoạt động đưa đón học sinh.

Ngoài các nguy cơ về việc để quên học sinh trên xe; người quản lý chưa làm tròn trách nhiệm; các tài xế, phụ xe thiếu chuẩn mực về tác phong giao tiếp… cũng sẽ tác động tiêu cực tới trẻ em thông qua hành xử của mình. Đặc biệt, khi xe đưa đón học sinh nếu không bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện về thiết kế phù hợp với khả năng tiếp cận phương tiện của trẻ em, sẽ dẫn đến nguy cơ mất an toàn. Không dừng lại ở đó, để không còn những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, ảnh hưởng đến tâm lý của các em học sinh, khi thực hiện đưa đón học sinh, những người có trách nhiệm liên quan, từ lái xe đến giáo viên đi kèm đều phải quy định trách nhiệm chặt chẽ trong việc kiểm soát số lượng học sinh lên xuống xe. 

Tại TPHCM, những ngày cuối tháng 11, Thanh tra giao thông, Sở GTVT TPHCM đã đẩy mạnh công tác phối hợp với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (có trợ giá) kiểm tra tình hình hoạt động của các tuyến xe buýt đưa rước học sinh trên địa bàn thành phố. Đồng thời mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đối với ô tô đưa đón học sinh. Ngoài ra, Thanh tra giao thông  cũng phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM kiểm tra công tác tổ chức, sử dụng ô tô đưa đón học sinh năm học 2019-2020. 

Qua những vụ việc liên tiếp xảy ra như vậy, các cơ quan ban ngành cần quyết liệt hơn trong việc thanh tra xử lý và có chế tài mạnh tay hơn để răn đe.

Tin cùng chuyên mục