Lại bàn câu chuyện giải cứu…

Giải cứu nông sản, từ thanh long, dưa hấu, sắp tới là trái xoài, bưởi, nhãn…, đang là câu chuyện nóng trên diễn đàn kinh tế. Không ít ý kiến phàn nàn: Vì sao nông sản Việt cứ mãi lệ thuộc thị trường láng giềng Trung Quốc? Vì sao không mở rộng thị trường xuất khẩu mới?

Câu trả lời đầu tiên đó là, không chỉ chúng ta mà rất nhiều quốc gia nông nghiệp khác đều muốn đưa hàng vào thị trường 1,4 tỷ dân và là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này - nơi có sức tiêu thụ 8-10 tỷ USD cho nhu cầu nhập khẩu trái cây, rau quả hàng năm. 

Trong cuộc đua xuất khẩu trái cây, rau quả vào Trung Quốc, Việt Nam có những đối thủ rất mạnh như Thái Lan, Malaysia, Philippines… Với Thái Lan, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu trái cây lớn nhất. Năm ngoái, đích thân Thủ tướng Thái Lan đã đến Trung Quốc để tiếp thị cho trái sầu riêng.

Mỗi năm, có cả tỷ USD hàng trái cây Thái Lan quá cảnh Việt Nam để xuất khẩu qua biên mậu. Malaysia hiện có đến 10 loại trái cây được Trung Quốc cho nhập khẩu chính ngạch… Vì thế khi xảy ra Covid-19, cánh cửa biên mậu tạm khép lại, không chỉ thị trường xuất khẩu của chúng ta bị ảnh hưởng, mà ngay Thái Lan, Malaysia, Philippines… cũng đều chung một nỗi lo. 

Nhìn vào cơ cấu xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2019, có thể thấy các doanh nghiệp (DN) đang rất nỗ lực để giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Chúng ta chỉ xuất khẩu được hơn 2,4 tỷ USD rau quả vào thị trường này, giảm 12,72% so năm 2018. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu vào các thị trường khác đều tăng: Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 với 137,7 triệu USD, tăng 9,2%; Hàn Quốc với 119,4 triệu USD, tăng 14,2%; Nhật Bản với 112,4 triệu USD, tăng 14,4%; Hà Lan với 73,8 triệu USD, tăng 34,8%… Vấn đề là quy mô xuất khẩu dù tăng nhưng sức tiêu thụ rau quả Việt ở các nơi đều không thể bằng thị trường láng giềng. Cho nên khi thị trường lớn có “biến”, ngay lập tức nhà vườn và DN Việt lao đao!

Kết quả khảo sát của Công ty Tư vấn CEL Consulting cho thấy: Hơn 90% nông dân coi thương lái là nguồn thông tin duy nhất về thị trường và cũng là đối tượng thu mua nông sản duy nhất của họ. Với lợi thế am tường từng ngóc ngách địa phương, các thương lái đến thu mua tận từng nhà vườn, kèm “khuyến mãi” cho nông dân các tin tức kiểu loại nào đang có giá, loại nào xuất khẩu được... Đó là lý do vì sao câu chuyện chặt - trồng cây nào đều theo phong trào, dẫn đến cứ được mùa là mất giá. Vì ồ ạt chạy theo số lượng nên nguồn giống không đảm bảo, chất lượng trái giảm, thị trường xuất khẩu trả hàng là… phải giải cứu! Qua quá nhiều tầng nấc trung gian, trái cây Việt bị thao túng giá, thao túng nguồn cung - đây là nguyên nhân vì sao kêu gọi giải cứu thanh long, dưa hấu nhưng các siêu thị không thể mua được hàng cần giải cứu từ nông dân.

Nhiều năm qua, giải pháp liên kết 3 nhà: Nhà nước - DN - Nhà nông được đề cập rất nhiều, nhưng mối liên kết này vẫn lỏng lẻo. Nhiều DN đã triển khai các dự án liên kết nhưng gặp không ít khó khăn. Bất cập lớn nhất là đặc thù sản xuất manh mún, mỗi nhà vườn trồng mỗi kiểu, không tuân thủ giống, kỹ thuật… dẫn đến chất lượng mỗi mùa mỗi khác, trong khi DN cần chất lượng trái ổn định. Có nơi ký hợp đồng bao tiêu nhưng khi đến mùa thu hoạch, thương lái đẩy giá thu mua cao là phá hợp đồng bán cho nơi khác… Nhiều DN cho biết, họ chọn mua qua thương lái cho an toàn vì chỉ có mạng lưới này mới gom đủ lượng cần, phân loại hàng theo yêu cầu xuất khẩu, và quan trọng hơn là giảm được vốn cho đầu tư kho bãi, tận dụng vốn của thương lái để quay vòng…

Vậy câu chuyện tìm thị trường mới và chấm dứt giải cứu khi nào có lối ra? Câu trả lời là chỉ khi nào nền nông nghiệp nước nhà tiến lên được mô hình cánh đồng mẫu lớn, liên kết hình thành những nông trường, hợp tác xã, các hiệp hội nhà vườn… Khi nông dân có nguồn cung lớn, qua các hiệp hội ngành hàng, các hợp tác xã… sẽ có ý thức xây dựng thương hiệu riêng cho trái cây từng vùng và trực tiếp liên kết sản xuất mùa vụ theo đúng yêu cầu đơn hàng của DN, lúc đó nền nông nghiệp nước nhà mới làm chủ được kế hoạch sản xuất, làm chủ thị trường. Còn hiện nay, khi chúng ta vẫn còn loay hoay với cơ cấu sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm, không theo hệ thống chuỗi liên kết, câu chuyện giải cứu nông sản e rằng sẽ còn lặp lại trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục