Lá bài mặc cả hạt nhân

Ngày 5-1, Liên hiệp quốc (LHQ) kêu gọi Iran và các bên liên quan lập tức tuân thủ Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), một thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký kết năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức). Trước đó, quốc gia Hồi giáo này tuyên bố khôi phục hoạt động làm giàu urani với độ tinh khiết 20% - vượt xa ngưỡng cam kết trong JCPOA. 
Liên hiệp quốc kêu gọi Iran và các bên liên quan lập tức tuân thủ Kế hoạch Hành động chung toàn diện sau khi Iran uyên bố khôi phục hoạt động làm giàu urani với độ tinh khiết 20%. Nguồn: Tehran Times
Liên hiệp quốc kêu gọi Iran và các bên liên quan lập tức tuân thủ Kế hoạch Hành động chung toàn diện sau khi Iran uyên bố khôi phục hoạt động làm giàu urani với độ tinh khiết 20%. Nguồn: Tehran Times

Căng thẳng liên quan JCPOA bắt đầu từ tháng 5-2018, khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ ra khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm buộc Tehran đàm phán lại về thỏa thuận này. Đáp trả lại, Iran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng mức làm giàu urani dần kể từ đó cho đến nay. Phản ứng của Iran lần này được xem là đòn “ra mặt” gay gắt nhất trong bối cảnh Tehran bị Mỹ và đồng minh bủa vây trên mọi mặt trận. 

Sau 2 vụ ám sát chỉ huy quân sự Iran, Tướng Qassem Soleimani tại Iraq (1-2020) và nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Mohsen Fakhrizadeh (11-2020), Mỹ liên tiếp có nhiều động thái quân sự được cho là răn đe nhằm vào Iran. Trong tháng 12 -2020, Mỹ đã điều 2 máy bay B-52, tàu khu trục tới Trung Đông. Thời gian qua, Mỹ luôn giữ thái độ chèn ép Iran, trong khi nỗ lực cứu vãn JCPOA của các nước còn lại trong thỏa thuận lại rất miễn cưỡng. Nền kinh tế Iran dường như không trụ được dưới sức ép và các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Lá bài mặc cả hạt nhân được Iran tung ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh thường niên các nước vùng Vịnh diễn ra tại Saudi Arabia, theo đó dự kiến 4 nước Arab (do Saudi Arabia dẫn đầu) sẽ chấm dứt phong tỏa Qatar. Nếu được như vậy, chính phủ của Tổng thống Donald Trump coi như đã xây dựng thành công một mặt trận thống nhất chống lại Iran, dưới chiêu bài các thỏa thuận hòa bình Trung Đông do Washington làm trung gian.

Việc các nước trong khu vực liên kết với nhau cùng với Mỹ, Israel để chống Iran chắc chắn sẽ làm khu vực Trung Đông “nóng” trở lại trong năm 2021. Các nước lớn có thể gây sức ép bằng hành động quân sự, hoặc tấn công vào các mục tiêu vệ tinh bên ngoài lãnh thổ Iran. Trung Quốc và Nga đã kêu gọi các bên bình tĩnh và kềm chế, tránh “bi kịch hóa” vấn đề và đưa ra những bước đi có thể khiến căng thẳng trầm trọng hơn. Bản thân Iran, mặc dù đã tung lá bài hạt nhân ra mặc cả, nhưng trên thực tế, Tehran cũng rất muốn hồi sinh JCPOA năm 2015.

Trên trang mạng Twitter ngày 4-1, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif “để ngỏ”, nước này hoàn toàn có thể thay đổi nếu tất cả các nước thành viên khác tuân thủ đầy đủ JCPOA .

Tin cùng chuyên mục