Kỳ vọng vào “Hội nghị Diên Hồng” của ngành văn hóa

Ngày 24-11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc, sự kiện được ví như “Hội nghị Diên Hồng” của lĩnh vực văn hóa, diễn ra ở Hà Nội. Đây là diễn đàn để những người yêu văn hóa nước nhà nêu ý kiến tâm huyết hiến kế cho sự phát triển nền văn hóa nghệ thuật. Hội nghị được kỳ vọng sẽ đưa ra nhiều chương trình hành động cụ thể tạo điều kiện cho văn hóa phát triển.
Nhà hát Lớn Hà Nội - nơi diễn ra Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ Nhất năm 1946. Ảnh: Nhà hát Lớn Hà Nội
Nhà hát Lớn Hà Nội - nơi diễn ra Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ Nhất năm 1946. Ảnh: Nhà hát Lớn Hà Nội

GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Phát triển văn hóa theo nhu cầu xã hội

GS-TSKH Tô Ngọc Thanh
Nếu hiểu quan niệm văn hóa chỉ là hoạt động bề nổi “cờ, đèn, kèn, trống”, thiếu chiều sâu thì sẽ không dẫn dắt được thị hiếu, thẩm mỹ công chúng; không góp phần xây dựng đạo đức, nhân cách con người. Do vậy, nhiều quan điểm sai lầm trong văn hóa cần sớm được chấn chỉnh.

Cơ hội phát triển văn hóa chưa nhiều, và thách thức mỗi ngày thêm nghiêm trọng. Cần nhớ rằng, văn hóa là một quá trình chọn lọc, kết tinh để thành những tinh hoa và hệ thống những tinh hoa ấy nói lên lịch sử sáng tạo của dân tộc. Đó chính là truyền thống văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc. Vì văn hóa là một thành tố của xã hội, nên khi xã hội biến đổi, tất nhiên sẽ có những yếu tố không còn thích hợp nữa và mất đi. Nhưng không vì thế mà ta mải mê cải tiến, chỉnh lý, nâng cao các giá trị truyền thống. Phải phát triển văn hóa theo nhu cầu của xã hội hiện nay, nhưng mặt khác cũng phải chú ý giữ gìn các giá trị tinh hoa như nó đã có, thì chúng ta mới có truyền thống được. Văn hóa truyền thống sẽ phải khẳng định vị trí của mình trong đời sống hiện đại bằng giá trị văn hóa và nghệ thuật.

Tôi mong muốn từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này, Đảng và Nhà nước sẽ có những nhìn nhận, đánh giá và đưa ra giải pháp cụ thể đối với lĩnh vực văn hóa. Quan trọng nhất là phải có hành động cụ thể, thiết thực; từ bỏ cách làm chung chung, thiên về bề nổi.

PGS-TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL: Tăng sức đề kháng trước những cuộc “xâm lăng văn hóa”

PGS-TS Tạ Quang Đông
Bản sắc văn hóa là tấm hộ chiếu của mỗi dân tộc, quốc gia, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong lịch sử phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển mạnh như vũ bão, nếu không chú ý đúng mức đến vị trí, vai trò của văn hóa, không nâng cao sức mạnh nội sinh trong văn hóa, tiến hành hiện đại văn hóa nhưng không xa rời các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú cho văn hóa Việt Nam, chúng ta sẽ mất đi nội lực và sức đề kháng trước những cuộc “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài.

Mặt trái của cơ chế thị trường, của “mở cửa” giao lưu đã và đang đặt ra những thách thức gay gắt. Nếu không chú trọng đúng mức đến văn hóa, trạng thái tinh thần của một xã hội có thể rơi vào tình trạng đáng lo ngại: lý tưởng, niềm tin vào lẽ công bằng xã hội bị giảm sút; luân thường đạo lý bị rạn vỡ; lối sống giản dị, đầy tình nghĩa nhân ái của dân tộc bị xói mòn; các tệ nạn xã hội (nghiện ma túy, cờ bạc, mại dâm…) có thể gia tăng; một số hủ tục cũ và mới (thói xa hoa, phô trương, lãng phí…) không được ngăn chặn hiệu quả, nạn mê tín dị đoan, bói toán, mua thần bán thánh lây lan như dịch bệnh… Tăng trưởng kinh tế nếu không đi liền với phát triển văn hóa có thể tiềm ẩn một hiểm họa khó lường, không phải chỉ từng năm mà hàng thập niên tiếp theo.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Gìn giữ nền nghệ thuật vì phẩm giá của con người

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Tôi không nói văn nghệ sĩ là lực lượng quan trọng nhất, nhưng nếu không có đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật để làm ra những tác phẩm có giá trị cao thì những vẻ đẹp văn hóa truyền thống không được bảo tồn, không được đời sống hóa một cách sống động nhất và tất nhiên không thể lan truyền những giá trị văn hóa.

Có thể nói rằng, các văn nghệ sĩ là những người khám phá và kết tinh những vẻ đẹp của đời sống thường nhật, tạo dựng thành những vẻ đẹp văn hóa. Chúng ta đang nói về văn hóa của dân tộc và cần hiểu một cách sâu sắc rằng: văn hóa không phải là một giá trị bất động mà luôn chuyển động qua mọi thời đại để cộng vào nó những giá trị mới. Chính vì vậy, sứ mệnh của văn nghệ sĩ vô cùng quan trọng. Lực lượng này không những là những người lưu giữ, truyền bá những vẻ đẹp văn hóa truyền thống mà còn là những người làm ra những vẻ đẹp mới cho văn hóa dân tộc.

Song, nếu những trí thức, văn nghệ sĩ của đất nước không mang lòng tự trọng dân tộc thì họ sẽ chẳng viết được những gì có giá trị với con người. Và không có lòng tự trọng dân tộc thì văn nghệ sĩ khó tìm được lý do để tập hợp lại với nhau, tôn trọng cá tính sáng tạo của nhau và cùng nhau sáng tạo vì sự phát triển của dân tộc. Hơn bao giờ hết, các nhà văn nói riêng và văn nghệ sĩ nói chung phải đoàn kết lại trong mục đích cao cả nhất là vì con người. Một nền nghệ thuật không vì phẩm giá của con người thì là một nền “nghệ thuật của cái chết”.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội: Chấn hưng văn hóa còn nhiều việc phải làm

PGS-TS Bùi Hoài Sơn
Có khá nhiều việc phải làm để chấn hưng văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, sau 2 năm dịch bệnh. Cần phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ. Cụ thể như: xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người để từ đó định hướng, phát triển đất nước. Khi chúng ta có định hướng chung cho sự phát triển đất nước, chúng ta mới tập trung được các nỗ lực, nguồn lực để đạt được giá trị đó.

Cần có hệ thống thể chế, luật pháp phù hợp trong bối cảnh xã hội ngày nay. Hệ thống luật pháp, thể chế về văn hóa của chúng ta đang trên con đường hoàn thiện. Văn hóa nghệ thuật không chỉ đơn thuần giải trí, hay liên quan đạo đức xã hội, hệ tư tưởng... Đã là sản phẩm văn hóa thì phải là các sản phẩm hàng hóa. Tất nhiên cần có lôgíc đặc biệt, đảm bảo sự điều tiết phát triển của đất nước.

Cùng với đó, cần đầu tư nhiều hơn cho nguồn lực. Nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và nguồn lực cho sự phát triển văn hóa, từ đó dẫn dắt văn hóa phát triển. Tập trung đầu tư cho công nghiệp văn hóa là việc quan trọng, đem lại lợi ích kinh tế cho đất nước, sức mạnh tổng hợp quốc gia, giúp ta có bản lĩnh văn hóa trong thế giới hội nhập toàn cầu. Khi chúng ta xác định được bản lĩnh của mình trong thế giới đó, chúng ta không sợ bị hòa tan.

NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam: Nhà nước phải giữ vai trò kiến tạo trong văn hóa

NSƯT Trần Ly Ly
Theo tôi, vai trò kiến tạo của Nhà nước đối với văn hóa rất quan trọng. Nhà nước không nên đứng ra làm mọi việc trong lĩnh vực văn hóa mà chỉ làm những việc thực sự cần thiết như ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách để văn hóa phát triển. Tạo ra môi trường bình đẳng cho các thành phần xã hội tham gia vào công cuộc phát triển văn hóa, để sự sáng tạo kích thích không giới hạn, miễn là không gây ảnh hưởng, phương hại đến cộng đồng.

Niềm tin của tôi về sự phát triển văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam là lợi thế đi sau, tiếp thu nhiều kinh nghiệm để bứt phá. Thêm vào đó, lịch sử đất nước thời kỳ nào cũng có vô vàn câu chuyện bộc lộ tận cùng cảm xúc, nếu biết cách thể hiện, nhất định có thể lôi cuốn khán giả trong và ngoài nước. Kinh nghiệm ở các quốc gia, muốn tạo ra sức bật cho lĩnh vực văn hóa, chính quyền cần huy động cả xã hội chung tay. Chẳng hạn, chính sách giảm thuế cho các chương trình nghệ thuật. Doanh nghiệp nào đầu tư vào nghệ thuật sẽ được giảm thuế sâu. Khi có cơ chế, chính sách thông thoáng, cởi mở, sẽ kích thích tất cả nguồn lực đang ngủ yên thức dậy, lúc đó mới hình thành một nền công nghiệp văn hóa vận hành theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước. 

Tin cùng chuyên mục