Kỳ vọng ứng dụng rộng rãi BusMap

Với chiếc smartphone trên tay, chỉ cần vào các kho ứng dụng như CHPlay, App Store sẽ dễ dàng tải BusMap về trên máy. Sau đó thêm vài thao tác đơn giản trên ứng dụng BusMap, người dùng có đầy đủ thông tin về xe buýt tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng. 
Dễ dàng tìm xe, tìm bến xe buýt với ứng dụng BusMap. Ảnh: T. BA
Dễ dàng tìm xe, tìm bến xe buýt với ứng dụng BusMap. Ảnh: T. BA

Xe buýt trở thành phương tiện công cộng phổ biến, mọi người dân được khuyến khích sử dụng vì độ an toàn và thân thiện với môi trường. Riêng tại TPHCM có hơn 100 tuyến xe buýt khác nhau với hơn 2.000 điểm dừng, nên việc tìm xe, chọn tuyến không phải dễ dàng. Nhưng từ khi có BusMap, việc đi xe buýt trở nên thuận tiện hơn. Đây là sản phẩm thiết thực của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mong chờ được ứng dụng ở nhiều tỉnh, thành khác.

Dễ dàng đi xe buýt

Với chiếc smartphone trên tay, chỉ cần vào các kho ứng dụng như CHPlay, App Store sẽ dễ dàng tải BusMap về trên máy. Sau đó thêm vài thao tác đơn giản trên ứng dụng BusMap, người dùng có đầy đủ thông tin về xe buýt tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng. BusMap ra đời với mục đích giúp mọi người đi xe buýt thuận tiện hơn nên trên BusMap hiện ra một bản đồ trực quan với hàng trăm điểm đón xe cũng như các công cụ tìm đường, tra cứu các bến xe buýt khá dễ dàng. BusMap sở hữu tính năng chỉ đường đi xe buýt thông minh với thuật toán giúp tối ưu hóa cho riêng hệ thống xe buýt tại Việt Nam cũng như tiết kiệm chi phí vận hành cho sản phẩm. Người dùng có thể tra cứu tất cả mọi thông tin về các tuyến xe buýt từ biểu đồ giờ, danh sách trạm dừng, đường đi, giá vé, đánh giá chất lượng... một cách đầy đủ và nhanh chóng.

Tiện dụng hơn, dù điện thoại di động không kết nối internet (hoạt động ngoại tuyến, offline) thì người dùng vẫn có thể tìm kiếm đường đi của xe buýt cũng như truy cập các chức năng của phần mềm dựa trên hoạt động ở lần gần nhất trước đó trên BusMap. Với BusMap, người dùng còn có thể theo dõi lộ trình xe buýt và thông báo khi gần tới trạm, giúp hành khách chủ động hơn trong lộ trình cũng như tránh tình trạng xuống nhầm trạm. Ngoài ra, với khả năng thông báo đọc tên trạm bằng giọng nói, BusMap có thể hỗ trợ người khiếm thị sử dụng phương tiện công cộng.

Hiện tại, BusMap đang dẫn đầu thị trường với ứng dụng Mobile về giao thông công cộng ở Việt Nam, đã đạt hơn 1 triệu lượt tải, trong đó có 400.000 người dùng thường xuyên/tháng. Trung bình, mỗi tháng có hơn 10 triệu lượt người sử dụng BusMap để phục vụ nhu cầu đi lại bằng xe buýt, chiếm khoảng 20% số lượt đi xe buýt hàng tháng (tính theo số liệu 571 triệu lượt đi xe buýt trong năm 2018 do Sở GTVT TPHCM công bố).

Chờ thêm sự khẳng định

Lê Yên Thanh, hiện là CEO của Công ty BusMap, đã cùng bạn bè và với sự hướng dẫn của thầy cô đã tạo nên phần mềm ứng dụng đi xe buýt như một đồ án môn học và xuất phát từ nhu cần cá nhân đi xe buýt tiện lợi nhất. Phần mềm BusMap đã đem về cho Lê Yên Thanh giải nhất tại Hội thi Tin học trẻ TPHCM năm 2013. Cũng trong năm này, Lê Yên Thanh tiếp tục được vinh danh khi đoạt giải nhất tại Festival sáng tạo trẻ toàn quốc dành cho sinh viên yêu thích công nghệ, sau khi nâng cấp và hoàn thiện phần mềm BusMap. Phần mềm này một lần nữa đem về ngôi vị cao nhất cho Lê Yên Thanh tại cuộc thi Sáng tạo ứng dụng di động toàn quốc năm 2014. Không dừng lại ở những tính năng hiện có, Lê Yên Thanh tiếp tục cải tiến để hoàn thiện phần mềm, giúp người dùng vận hành hiệu quả cũng như hướng đến phục vụ rộng rãi trên nhiều thiết bị sử dụng hơn…. Nhờ vậy, một lần nữa, BusMap vừa được vinh danh tại giải thưởng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2019 (I Star 2019).

Với sự thiết thực của ứng dụng, giá trị công nghệ mang lại của BusMap, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (thuộc Sở GTVT TPHCM) đã đồng bộ dữ liệu hệ thống xe buýt thành phố với ứng dụng BusMap, đưa ra thông tin giờ giấc hoạt động, lộ trình tuyến và cả khoảng cách thực tế mang tính chính xác khá cao. Những thay đổi về giờ giấc xuất bến hay thay đổi lộ trình xe chạy đều được cập nhật kịp thời từ kho dữ liệu thông tin của Sở GTVT. Hơn nữa, BusMap hoạt động trực tuyến theo thời gian thực, người dùng có thể nắm bắt gần như chính xác tuyệt đối khoảng thời gian (tính bằng giây) xe buýt dừng, đậu. Từ đó, người đi xe buýt đều có thể biết được thời điểm lên - xuống trạm, an tâm kiểm soát lộ trình đi lại của mình.

Hệ thống BusMap bao gồm nhiều thành phần từ máy chủ, web và ứng dụng di động được thiết kế đồng bộ, giúp BusMap có thể dễ dàng mở rộng mô hình và triển khai được tại nhiều thành phố khác trong thời gian nhanh nhất. Với tính tiện lợi và sự cần thiết, BusMap đã triển khai phiên bản cho Hà Nội, đạt được hơn 200.000 lượt tải và sử dụng. Trong tháng 6 vừa qua, BusMap đã triển khai cho Đà Nẵng và dự kiến tiếp tục mở rộng triển khai cho người dùng xe buýt tại các tỉnh, thành khác vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Với việc này, kỳ vọng BusMap sẽ được ứng dụng khắp các tỉnh, thành có xe buýt hoạt động, khẳng định sự thành công của sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tin cùng chuyên mục