Kỳ vọng thị trường chứng khoán khởi sắc cuối năm

Thận trọng trước các đợt dao động bất thường của thị trường trong nước do sự tác động của thị trường quốc tế suốt mấy tháng vừa qua, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua tháng 11 giao dịch ảm đạm cả về thanh khoản lẫn chỉ số. 

Tuy nhiên, theo các diễn biến vĩ mô cộng với tình hình quốc tế, nhà đầu tư kỳ vọng TTCK trong tháng cuối năm sẽ khởi sắc vì đã có thời gian dài tích lũy đủ.

Dòng tiền quay trở lại

Nhận định về thị trường, một vị lãnh đạo Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng thanh khoản thị trường trong tháng 11 ở mức thấp, thị trường không có động lực vì không có thông tin hỗ trợ.

Cùng với đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch của các nhà đầu tư nên cũng đã tác động tiêu cực lên TTCK. Tuy nhiên, với những thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc tạm thời chặn đà leo thang của cuộc chiến thương mại mới đây sẽ ảnh hưởng tích cực lên TTCK thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Thực tế cho thấy, các phiên giao dịch đầu tiên của tháng 12 này đã thực sự khởi sắc, đặc biệt là dòng tiền đã quay trở lại thị trường với trên 5.000 tỷ đồng/phiên, so với các phiên trước đó chỉ ở mức 2.500 - 3.000 tỷ đồng/phiên, thậm chí có nhiều phiên giao dịch dưới 2.000 tỷ đồng.

Cụ thể, phiên giao dịch trong ngày 3-12 có VN-Index tăng gần 26 điểm với thanh khoản vượt 5.600 tỷ đồng sau thông tin Mỹ và Trung Quốc thỏa thuận đình chiến thương mại. Kết thúc phiên giao dịch ngày 5-12, VN-Index đóng cửa ở mức 957,14 điểm và thanh khoản thị trường đạt mức 5.500 tỷ đồng.

Kỳ vọng thị trường chứng khoán khởi sắc cuối năm ảnh 1 Thanh khoản trong 3 phiên giao dịch đầu tiên của tháng 12 đạt trên 5.000 tỷ đồng/phiên. Ảnh: HUY ANH
Thời gian gần đây, TTCK trong nước luôn bị tác động bởi tình hình thế giới. Tuy nhiên, phân tích về thông tin quốc tế trong báo cáo triển vọng tháng 12 của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, tình hình thế giới ổn định sẽ ảnh hưởng tích cực đến TTCK từ đây đến cuối năm.

Cụ thể, sau cuộc hội đàm giữa lãnh đạo 2 quốc gia Mỹ và Trung Quốc bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, đã có những tín hiệu tích cực trong nỗ lực hạ nhiệt cuộc chiến thương mại. Thị trường có lý do nhẹ nhõm khi lãnh đạo 2 nước đồng ý không leo thang chiến tranh thương mại, với lời hứa tạm ngưng áp hàng rào thuế quan mới đến khi cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thương lượng một thỏa thuận lâu dài.

Liên quan đến lãi suất đồng USD, FED (Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ) sẽ có cuộc họp chính sách vào ngày 19-12, khả năng tăng lãi suất tương đối cao với sự đồng thuận giữa các quan chức FED. Chủ tịch FED đề cập lãi suất hiện tại vẫn còn thấp theo tiêu chuẩn lịch sử và chỉ ngay dưới mức trung lập được dự kiến cho nền kinh tế.

Điều này khiến thị trường suy luận FED chỉ tăng lãi suất một lần trong năm 2019 so với dự báo 3 - 4 lần trước đó. Dòng vốn đang quay trở lại khu vực thị trường mới nổi cũng khó bị ảnh hưởng bởi quyết định này, khi triển vọng tăng lãi suất trong năm 2019 không nhiều.

VN-Index lấy lại mốc 1.000 điểm?

Bên cạnh những thông tin tích cực từ yếu tố bên ngoài, các chuyên gia phân tích trong ngành cũng cho rằng thông tin vĩ mô trong nước cũng sẽ hỗ trợ tốt cho TTCK trong tháng 12.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định trong 11 tháng củng cố cho khả năng Việt Nam có một năm khá thành công trên phương diện tăng trưởng cao, ổn định vĩ mô, đồng thời hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2018 của các công ty niêm yết trên 2 sàn chứng khoán chính thức tăng 27,6% so cùng kỳ năm 2017, tạo nền cho sự ổn định của thị trường này đến hết năm.

Chỉ số P/E (thị giá thu nhập trên mỗi cổ phần) của VN-Index đang ở mức 16,2 lần, tương đương một số khu vực và cũng là vùng thấp trong khoảng một năm gần đây, sẽ tạo sự hấp dẫn để hút nguồn vốn cho TTCK Việt Nam. Nhiều công ty chứng khoán cùng nhận định, với những yếu tố cơ bản của thị trường và cổ phiếu tiếp tục cải thiện, hoặc ít nhất chỉ cần duy trì trong quý 4-2018, VN-Index sẽ tăng trở lại ở mức 985 - 1.000 điểm trong tháng cuối năm với sự luân chuyển của các cổ phiếu lớn.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital, cũng cho rằng VN-Index có thể lấy lại được mốc 1.000 điểm trong thời gian tới. Theo ông Dominic Scriven, đến cuối năm 2018, tổng giá trị vốn hóa của TTCK Việt Nam đạt 180 tỷ USD, thị trường trái phiếu Chính phủ có tổng giá trị vốn hóa khoảng 50 tỷ USD.

Như vậy, tính chung thị trường với quy mô 230 tỷ USD được đánh giá là khá lớn, chiếm 80% GDP. Liên quan đến dòng vốn, Chủ tịch Dragon Capital cho biết, theo công bố của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư của nước ngoài trong 11 tháng năm 2018 có vốn đầu tư trực tiếp là 16,5 tỷ USD, vốn đầu tư gián tiếp khoảng 7,6 tỷ USD. Điều này cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt lòng tin vào Việt Nam.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS), cũng cho rằng hiện vẫn còn khá nhiều cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt mà giá đã chiết khấu về mức tương đối hấp dẫn (theo áp lực giảm điểm của thị trường chung trong thời gian qua).

Mặt khác, hiện chưa xuất hiện tín hiệu nào cho thấy có hiện tượng dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp, rút ra khỏi thị trường Việt Nam. Theo đó, dòng tiền đầu tư trung - dài hạn có khả năng sẽ dần quay trở lại trong thời gian tới, nhất là khi bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn được đảm bảo duy trì ổn định.

“Nhiều nhà đầu tư trong nước lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi Việt Nam. Thực tế trong 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài rút 5,6 tỷ USD khỏi thị trường Thái Lan, 3,7 tỷ USD khỏi Indonesia, 1,6 tỷ USD khỏi Philippines…, nhưng lại đổ 1,5 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam.

Đặc biệt, thị trường vốn Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể trong mấy năm qua, cả về tổng giá trị vốn hóa của thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu, từ mức 70 tỷ USD tăng lên 200 tỷ USD”, ông Dominic Scriven , Chủ tịch Dragon Capital, đánh giá.

Tin cùng chuyên mục